Đổi thay ở các xã biên giới Quản Bạ
HGĐT- Nếu ai đã đến các xã biên giới của Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng sẽ cảm nhận được những khó khăn trong phát triển kinh tế và điều kiện sống của người dân nơi đây như thiếu đất, nước, khí hậu khắc nghiệt, đường giao thông đi lại khó khăn…nhưng những khó khăn đó không làm người dân nơi đây nhụt chí, trái lại họ đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, biến những khó khăn thành những lợi thế để phát triển kinh tế, cùng nhau bám đất, giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới Quốc gia.
Anh Giàng Quánh Sèn, thôn Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) kiểm tra vường thảo quả của gia đình. |
Chúng tôi đến xã biên giới Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn, Tùng Vài...(Quản Bạ) vào lúc người dân các xã biên giới đã thu hoạch thảo quả xong. Cây thảo quả có năm được mùa, năm mất mùa nhưng năng suất giao động từ 2 - 3 tạ quả khô/ha. Như vậy, bình quân mỗi ha thảo quả sẽ mang về cho người dân vài chục triệu đồng; và cây thảo quả đã thực sự trở thành cây XĐGN đối với người dân các xã biên giới Quản Bạ. Dưới những tán rừng nguyên sinh chạy dọc theo tuyến đường biên giới tiếp giáp giữa huyện Quản Bạ và Malypho (Trung Quốc) quanh năm mây mù là bạt ngàn cây thảo quả. Loài cây dược liệu này rất phù hợp với khí hậu, chất đất và ánh sáng dưới những cánh rừng nguyên sinh. Từ khi người dân các xã biên giới Quản Bạ đưa loại cây này vào trồng, nó đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cư dân vùng biên giới. Mỗi năm, vào mùa thu hoạch, thương nhân Trung Quốc tìm sang thu mua tại rừng với giá vài chục nghìn đồng/1kg quả tươi, còn quả khô có thể đạt gần trăm nghìn đồng/kg. Nếu ai đã đến các xã biên giới của Hà Giang nói chung và Quản Bạ nói riêng sẽ cảm nhận được những khó khăn trong phát triển kinh tế và điều kiện sống của người dân nơi đây như thiếu đất, nước, khí hậu khắc nghiệt, đường giao thông đi lại khó khăn, đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân. Trước những khó khăn đó, nhiều nguồn vốn của Nhà nước được đầu tư phát triển KT - XH, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới đã được triển khai, góp phần đưa bộ mặt nông thôn của các xã biên giới này có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, ở nhiều xã biên giới việc làm giầu là điều rất khó khăn. Thế nhưng hôm nay khi chúng tôi đến xã Cao Mã Pờ, Tùng Vài - những xã biên giới của huyện Quản Bạ lại khác hẳn, những khắc nghiệt của khí hậu đã trở thành thế mạnh. Theo nhận định của anh Đặng Xuân Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Cao Mã Pờ: Khí hậu ở vùng này rất lạnh, việc cấy trồng chỉ trồng được 1 vụ, nhưng chất đất và khí hậu lại rất thuận lợi cho việc trồng thảo quả và các loại rau, đậu vụ Đông. ở Cao Mã Pờ dường như mỗi hộ gia đình đều có thảo quả, nhà ít nhất cũng có 0,5 ha, hộ nhiều có khoảng 2 - 3 ha; nguồn thu nhập chính của người dân là từ trồng thảo quả và chăn nuôi đại gia súc.
Nhận thấy những lợi ích từ cây thảo quả, người dân các xã biên giới của huyện Quản Bạ đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Sau mấy năm đưa vào trồng, cây thảo quả đã có mặt ở tất cả các cánh rừng nguyên sinh dọc tuyến biên giới. Đến đầu năm 2009, toàn huyện Quản Bạ đã có 979 ha thảo quả, trong đó có trên 500 ha thảo quả đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2 tạ khô/ha, tổng sản lượng thảo quả ước đạt 90 tấn. Phát triển cây thảo quả được tỉnh hỗ trợ kinh phí từ chương trình nông nghiệp trọng tâm để mua giống nên nhân dân các xã biên giới đã tích cực trồng. Các xã biên giới Cao Mã Pờ, Bát Đại Sơn, Tùng Vài...đã trồng vượt kế hoạch đề ra. Đến năm 2010, diện tích thảo quả của Quản Bạ có thể tăng lên trên 1.000 ha.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Hồng Thu, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các xã biên giới của huyện đã có sự chuyển biến căn bản. Nhiều loại cây, con có giá trị kinh tế đã được đưa vào trồng. Ngoài việc trồng thảo quả, người dân đã mở rộng diện tích trồng các loại cây nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều giống ngô lai, lúa lai, lúa chất lượng cao được đưa vào trồng, thay thế cho các giống địa phương cùng với việc thực hiện luân canh, đa canh, nâng cao hệ số quay vòng giá trị trên một diện tích đất. Các loại cây trồng khác như đậu tương, cỏ cũng được người dân đưa vào trồng. Trong năm nay, xã biên giới Cao Mã Pờ đang phấn đấu đưa diện tích trồng cỏ lên 125 ha, Nghĩa Thuận 140 ha, Tùng Vài 100 ha, Bát Đại Sơn trên 100 ha. Tại các xã này, nhiều diện tích đất tốt, mầu mỡ cùng được dành cho việc trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc trâu, bò hàng hoá...
Với những chính sách đầu tư hợp lý của Nhà nước, sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, cuộc sống của người dân các xã biên giới Quản Bạ đang dần thay da đổi thịt. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, mua sắm được các phương tiện, vật dụng gia đình đắt tiền như xe máy, tivi...Từ đó, việc trao đổi, giao lưuhàng hoá của người dân biên giới với các xã lân cận thuận lợi hơn rất nhiều. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng được người dân kịp thời nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện có hiệu quả. Đến các xã biên giới Quản Bạ hôm nay, chúng ta cảm nhận được nhịp sống thực sự sôi động. Các công trình điện, đường, trường, trạm ngày được đầu tư xây dựng khang trang, 5/5 xã biên giới của huyện có đường ô tô đến trung tâm xã; mỗi xã có ít nhất 2 - 3 công trình trường học, trụ sở xã 2 tầng kiên cố, có chợ biên giới giao lưu với nước bạn Trung Quốc; thu nhập bình quân của cư dân biên giới đạt gần 4 triệu đồng/ người/ năm…góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, cùng với đó cuộc sống ấm no đã và đang về với người dân vùng biên giới Quản Bạ.
Ý kiến bạn đọc