Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên ở huyện Đồng Văn
HGĐT- Theo thống kê, đến nay, số người trong độ tuổi lao động của huyện Đồng Văn là trên 31 ngàn người, chiếm 49,56% dân số. Trong đó, lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề là 5.153 người, chiếm 16,43% số người trong độ tuổi lao động.
Rất nhiều thanh niên nông thôn cần được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. |
Ngành, nghề chính hiện nay của các lao động trong huyện là sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ 90,63%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 1,87%, dịch vụ 7,5%... Trước sự gia tăng dân số trong nhiều năm qua, đặc biệt đến thời điểm này, tỷ lệ tăng dân số của huyện vẫn còn trên 1,7%, đây là một thách thức, vì dân số bước vào độ tuổi lao động hàng năm sẽ ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi huyện cần phải nỗ lực, tìm các giải pháp để giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động, đặc biệt là thanh niên.
Hiện nay, toàn huyện có 11.912 người trong độ tuổi từ 16 – 30, chiếm 18,83% dân số toàn huyện và chiếm 37% lực lượng lao động. Thanh niên trong huyện nói chung ngày càng nhận thức rõ về tầm quan trọng của vấn đề việc làm và chủ động tìm kiếm việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng và đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi. Tuy nhiên, đối với khu vực nông thôn, có thể nói với mức sinh cao, điều kiện KT – XH khó khăn, phần lớn thanh niên chưa qua đào tạo nghề… nên sẽ gặp phải khó khăn khi tìm kiếm việc làm.
Từng bước giúp đỡ, giải quyết việc làm cho thanh niên, huyện đã nghiên cứu và triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Bộ Lao động TB&XH có liên quan đến vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn… Trên cơ sở đó, tích cực ban hành những chủ trương thiết thực về phát triển KT – XH, gắn với giải quyết việc làm và ưu tiên đối với lực lượng thanh niên nông thôn, thanh niên nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các ngành, xã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai rà soát, nắm chắc lực lượng lao động nói chung và lực lượng lao động cần giải quyết việc làm để xây dựng kế hoạch và giao cho các cơ sở triển khai. Việc hoàn thành chương trình phổ cập THCS chính là một tín hiệu tốt, là điều kiện giúp cho thanh niên có thể hội nhập với sự phát triển của xã hội.
Để nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, đến từng hộ gia đình trong huyện về vấn đề giải quyết việc làm, hàng năm huyện đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành cần quan tâm thích đáng đến vấn đề này. Qua đó, từ 2005 – 2008, huyện mở được 22 lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm với 1.025 lượt người tham gia. Chủ động phối hợp với trường trung cấp nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đào tạo nghề cho 1.437 thanh niên. Đến nay, huyện đã thành lập và ra mắt được Trung tâm dạy nghề, qua 6 tháng đầu năm 2009, đã tổ chức đào tạo nghề cho 324 thanh niên…
Từ nguồn vốn quỹ giải quyết việc làm, đã có 21 dự án được duyệt với tổng số tiền là 1.523 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 117 thanh niên. Thông qua các thị trường lao động bên ngoài, đến nay đã có 211 thanh niên được đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Huyện và các địa phương cũng đã chủ động lồng ghép các chương trình phát triển KT – XH với mục tiêu giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Từ năm 2005 – 2008, có trên 4.300 thanh niên được giải quyết việc làm trong các lĩnh vực nông – lâm nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ…
Trong 5 năm từ 2005 – 2008, huyện đã có 371 thanh niên được qua đào tạo chuyên môn từ trung cấp đến đại học. Trong đó, số được tham gia học các hệ cử tuyển là 187 thanh niên. Cơ bản thanh niên sau khi được đào tạo trở về địa phương đã được bố trí công việc tại các cơ quan, đoàn thể của huyện, số còn lại được tăng cường xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh tại các xã, thị trấn.
Kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên trong thời gian qua dù còn chưa nhiều, nhưng có thể nói với điều kiện KT-XH còn khó khăn, đó cũng là sự cố gắng lớn của huyện. Báo cáo với đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội tháng 7 vừa qua tại huyện Đồng Văn, đồng chí Sùng Đại Hùng, Chủ tịch UBND huyện cũng đã nêu lên những khó khăn của huyện là chưa có nhiều cơ sở sản xuất để thu hút lao động, mặt bằng dân trí, nhận thức của người dân còn hạn chế, trình độ chưa đáp ứng với đòi hỏi của công việc... Để có thể từng bước thúc đẩy giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là khu vực nông thôn, các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh cần tiếp tục có sự ưu tiên, hỗ trợ đầu tư đào tạo về văn hoá, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Có các đề án, chính sách đào tạo phù hợp cho thanh niên khu vực biên giới. Tăng cường thêm các chỉ tiêu đào tạo cử tuyển cho thanh niên dân tộc… Bên cạnh đó, về phía các địa phương cũng cần phải chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động phát huy những ngành nghề truyền thống, phát triển các hoạt động dịch vụ, kinh doanh nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động…
Ý kiến bạn đọc