5 năm thực hiện phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn
HGĐT- Phát huy vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn với phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp nông nghiệp trong CNVC, LĐ. Trong 5năm qua (2004 - 2009) có nhiều phong trào thi đua đã được phát động rộng rãi trong toàn thể CNVC, LĐ nhằm tạo ra nhiều tiến bộ kỹ thuật, thiết thực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Nhận thức rõ vai trò vị trí và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. LĐLĐ tỉnh đã ký kết Nghị quyết liên tịch với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn về phát động phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong 5 năm qua LĐLĐ tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt các phong trào thi đua, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo để nâng cao hiệu quả của phong trào. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào với các nội dung, mục tiêu phù hợp, động viên CNVC, LĐ phát huy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, có nhiều đóng góp đáng kể nâng cao năng suất và sản lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng... nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng với các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng phát triển nông thôn của tỉnh Hà Giang.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng với sự cố gắng nỗ lực của nhân dân các dân tộc, sự tích cực chủ động của các cấp công đoàn đã tạo ra phong trào có sức lan tỏa mạnh. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của cán bộ CNVC, LĐ vàngười dân đã được cải thiện về mọi mặt. Với chương trình phối hợp đã đưa nội dung phục vụ nông nghiệp vào Nghị quyết của BCH Liên đoàn Lao động tỉnh. Hàng năm các cấp Công đoàn tổ chức vận động phong trào trong CNVC, LĐ với nhiều hình thức, biện pháp phong phú như: Ký nghị quyết liên tịch giữa Công đoàn với chuyên môn, ký giao ước thi đua giữa các ngành, các đơn vị liên kết phục vụ nông nghiệp, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội nghị khách hàng để phổ biến quy trình kỹ thuật… Thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh ( 2005 – 2010), đưa tỷ lệ hộ nghèo từtrên 50% năm 2005 xuống còn 27,64% vào cuối năm 2008.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng trong phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp, các cấp Công đoàn, các ngành liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm làm tốt công tác huy động vốn và cho vay nhằm phát triển sản xuất. Tiếp tục đầu tư, phát triển nền sinh thái bền vững, phát triển nông thôn toàn diện thực hiện CNH trong nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, góp phần XĐGN cho nông dân trong tỉnh. Trong 5 năm nguồn vốn cho vay để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 1.800 tỷ đồng để mua trâu, bò kéo, sinh sản được trên 90 nghìn con, với tổng số tiền 450 tỷ đồng; phát triển kinh tế trang trại số tiền 40 tỷ đồng; kinh doanh dịch vụ nông nghiệp số tiền 490 tỷ đồng; phát triển chăn nuôi 150 tỷ đồng. Hoàn thành kéo điện lưới Quốc gia cho 51 xã, đến nay 100% các xã và trên 60.000 hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Xây dựng được 151 điểm bưu điện văn hóa xã thường xuyên cung cấp sách báo cho nhân dân. Ngành giáo dục đã thực hiện tốt các cuộc vận động “ Hai không”; “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”... và vận động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ 98%, đến nay 100% các xã, phường đã đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập THCS. Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình được triển khai có hiệu quả. Các trạm y tế xã thường có bác sỹ về công tác, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, có 170/195 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhằm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế – xã hội, XĐGN, trong những năm qua đã có hàng trăm cán bộ thuộc các cơ quan của tỉnh, huyện đã tăng cường cho các xã.
Trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự lãnh đạo của tỉnh, đặc biệt cho sự nghiệp phát triển nông thôn như: Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng gắn bó chặt chẽ với thị trường, đồng thời được tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phòng, chống thiên tai, bệnh dịch, góp phần giữ vững và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng nông nghiệp. Các cấp Công đoàn trong toàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan tổ chức các phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Tổ chức phát động phong trào thi đua kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cuả CNVC, LĐ về ý nghĩa, nội dung phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp, xứng đáng là lực lượng nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn và tăng cường khối liên minh công nông, trí thức.,
Qua thực tiễn chỉ đạo phong trào và nhưng kết quả đạt được trong 5 năm qua, Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh luôn đánh giá cao sự đóng góp của các cấp công đoàn cho sự phát triên kinh tế – xã hội của tỉnh; khẳng định được chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội của công đoàn và công tác phối hợp giữa công đoàn với chính quyền, các ngành chức năng ngày càng có hiệu quả. Tuy nhiên việc tổ chức duy trì phong trào vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt là ở công đoàn cơ sở còn mang tính thình thức, còn lúng túng trong việc tổ chức triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, đánh giá, đôn đốc chưa được thường xuyên, kịp thời. Chưa duy trì việc sơ, tổng kết phong trào, chưa chú trọng đến cá nhân điển hình tiên tiến để nhân rộng. Công tác thông tin báo cáo của các cấp công đoàn với ban chỉ đạo chưa thường xuyên, nên phần nào chưa phản ánh kịp thời những thuận lợi, khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục triển khai phát động phong trào thi đua ngày càng đạt hiệu quả, các cấp Công đoàn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, phối hợp với chuyên môn tổ chức lồng ghép phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp với các phong trào “ Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; “ Xanh – Sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”... với nhiều hình thức, nội dung phong phú thu hút đông đảo CNVC, LĐ tham gia. Kết hợp công tác kiểm tra phong trào xây dựng các nhân tố điển hình mới với sơ, tổng kết đánh giá và thực hiện khen thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, tạo động lực cho phong trào ngày càng phát triển. Đổi mới phương thức hoạt động của ban chỉ đạo, tìm các biện pháp triển khai phong trào phù hợp. Các cấp Công đoàn luôn chú trọng đến công tác VHVN, TDTT trong CNVC, LĐ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo khí thế phấn khởi trong lao động sản xuất.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với mục tiêu 100% các cấp công đoàn tiếp tục tổ chức phát động và duy trì phong trào thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 100% cán bộ đoàn viên CNVC, LĐ. Công đoàn các cấp chủ động tham gia với chính quyền đồng cấp về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, các kiến thức về quản lý trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, cải thiện đời sống văn hóa cho người lao động. Phổ biến kiến thức mới cho nông dân, hướng dẫn phương pháp làm ăn mới, tạo thêm việc làm cho người lao động. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, xây dựng tình làng nghĩa xóm, xây dựng vùng nông thôn giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng giàu, mạnh, công bằng và văn minh.
Ý kiến bạn đọc