Xung quanh vụ việc khiếu kiện của Công ty TNHH Sông Lô với UBND tỉnh Hà Giang

08:38, 16/07/2009

LTS: Vụ việc Công ty TNHH Sông Lô (Công ty Sông Lô) kiện UBND tỉnh Hà Giang diễn ra từ năm 2007. Khi sự việc còn đang trong giai đoạn điều tra, xác minh, Công ty Sông Lô và một số tờ báo đã đưa tin không chính xác, gây ra sự băn khoăn, ngờ vực về tính đúng đắn trong điều hành giải quyết công việc của UBND tỉnh và một số sở ngành của tỉnh.
Đến nay, sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và bản án giám đốc thẩm số 02/2009/HC-GĐT, ngày 21.1.2009 của Tòa hành chính Tòa án nhân dân tối cao “Quyết định hủy bản án hành chính sơ thẩm số 01/2007/HCST ngày 14.9.2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật”, thì các nội dung liên quan đến vụ kiện này đã thực sự sáng tỏ.
Kể từ số báo này, Báo Hà Giang sẽ đăng một số bài viết để nhân dân và bạn đọc hiểu đúng bản chất của sự việc xung quanh vấn đề này.


ĐẰNG SAU NHỮNG KHÚC MẮC LIÊN QUAN ĐẾN MỎ CHÌ - KẼM NA SƠN

Việc UBND tỉnh hủy bỏ Quyết định 2309/QĐ-UB phê duyệt Dự án Nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển, luyện quặng sắt ở Hà Giang của Công ty Sông Lô là đúng đắn và cần thiết. UBND tỉnh cấp mỏ chì - kẽm Na Sơn cho Công ty Cổ phần công nghệ TN-MT Hoàng Bách (Công ty Hoàng Bách) đúng quy định của pháp luật. Mỏ chì - kẽm Na Sơn không liên quan đến Công ty Sông Lô. Vậy thực chất những khúc mắc liên quan đến mỏ chì - kẽm Na Sơn giữa Công ty Sông Lô và Công ty Hoàng Bách là gì?

 

Quyết định cần thiết

Công ty Sông Lô thành lập năm 1996 với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng thời kỳ đầu hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB). Năm 2001, Công ty mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khai thác khoáng sản. Là doanh nghiệp địa phương, sớm chuyển hướng từ XDCB sang lĩnh vực khai khoáng, Công ty được tỉnh rất ủng hộ. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, UBND tỉnh có nhiều văn bản trình, báo cáo Bộ Công nghiệp cũ (Bộ Công thương), Bộ TN-MT cho Công ty Sông Lô được phép khảo sát, thăm dò một số mỏ để lập dự án khai thác, tuyển luyện khoáng sản. Ngày 19.6.2001, Bộ Công Thương có Quyết định 1350/QĐ-ĐCKS thoả thuận cho UBND tỉnh cấp 3 mỏ, trong đó có 1 mỏ sắt Tùng Bá cho Công ty Sông Lô khai thác tận thu. Từ năm 2001-2005, UBND tỉnh ban hành 3 quyết định cho phép khảo sát, thăm dò và cấp mỏ cho Công ty Sông Lô.

 

Ngày 5.2.2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1234/QĐ-UB cho phép Công ty Sông Lô khảo sát, thăm dò, lấy mẫu công nghệ, khai thác tận thu 4 khu vực mỏ gồm sắt - chì - kẽm Tùng Bá (Vị Xuyên), chì - kẽm Bằng Lang (Bắc Quang) và Cao Mã Pờ (Quản Bạ), mỏ sắt Nam Lương xã Thái An (Quản Bạ) và Thuận Hoà (Vị Xuyên) để xây dựng dự án. Quyết định có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày ký. Nhưng hết thời hạn 12 tháng, Công ty Sông Lô không có báo cáo kết quả thăm dò, khảo sát, không nộp mẫu vật và thông tin tài nguyên khoáng sản tại các điểm mỏ nói trên cho cơ quan chức năng của tỉnh. Do vậy, sau thời hạn 12 tháng, Quyết định 1234/QĐ-UB không còn hiệu lực và cũng đương nhiên chấm dứt quyền hạn, trách nhiệm của Công ty Sông Lô đối với các điểm mỏ được giao thăm dò, khảo sát. Ngày 5.2.2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định 397/QĐ-UB cho phép Công ty Sông Lô được khai thác tận thu, chế biến quặng sắt tại mỏ sắt Tùng Bá, diện tích khu vực khai thác 20 ha, công suất khai thác 90 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm, thời hạn khai thác 5 năm. Hoạt động khai thác tận thu khoáng sản chỉ được tiến hành sau khi Công ty Sông Lô thông báo về Giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến, ký hợp đồng thuê đất và đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh tại cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 26.1.2005, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định 242/UB-QĐ cấp phép khai thác sắt tận thu tại mỏ Bó Lếch xã Quyết Tiến (Quản Bạ) với thời hạn 2 năm cho Công ty Sông Lô. Ngoài 3 quyết định trên, UBND tỉnh không ban hành quyết định nào về việc cấp mỏ chì - kẽm Na Sơn cho Công ty Sông Lô khai thác.

 

Quá trình triển khai hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, Công ty Sông Lô có nhiều vi phạm. Tháng 6.2005, đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư kiểm tra tại khu vực mỏ Bó Lếch, Tùng Bá đã phát hiện Công ty Sông Lô khai thác ngoài phạm vi cho phép, không có các thủ tục theo đúng quy định về khai thác mỏ. ở 2 khu vực mỏ trên, Công ty Sông Lô chưa có hợp đồng thuê đất, chưa đăng ký tiêu chuẩn và quản lý môi trường, chưa có Giám đốc điều hành mỏ, chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản. Thực hiện Chỉ thị số 10/2005/TTg ngày 5.4.2005 về tăng cường quản lý Nhà nước với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản tạm dừng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với tất cả các mỏ có sai phạm, khi nào khắc phục theo đúng quy định mới cho phép hoạt động trở lại. Riêng Công ty Sông Lô, dù các ngành chức năng đã chỉ ra sai phạm tại mỏ sắt Bó Lếch và Tùng Bá nhưng Công ty vẫn chưa có báo cáo kết quả khắc phục những sai phạm trên.

 

Ngày 29.8.2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2309/QĐ-UB phê duyệt Dự án Nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển, luyện quặng sắt của Công ty Sông Lô với tổng vốn đầu tư 125,440 tỷ đồng. Trong đó, vốn của Công ty Sông Lô là 118,545 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng (6,895 tỷ đồng). Khu vực khai thác và tuyển quặng tại mỏ sắt Tùng Bá. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt nhưng Công ty Sông Lô không hoàn thiện các thủ tục cần thiết như xin cấp phép đầu tư, hợp đồng thuê đất, giấy phép sử dụng vật liệu nổ.Đếnngày5.3.2007,UBND tỉnh ban hành Quyết định 585/QĐ-UB huỷ bỏ Quyết định 2309 do có nhiều điều chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, thẩm quyền ban hành quyết định của UBND tỉnh không phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 22; điểm a, khoản 2, Điều 13, 14 Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 8.7.1999 của Chính phủ; UBND tỉnh dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng không phù hợp với Điều 7, 8 Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ngày 20.5.1998. Quyết định 585 cũng nêu rõ: Nếu Công ty Sông Lô tiếp tục thực hiện dự án phải hoàn thiện lại thủ tục, hồ sơ Dự án đầu tư tuyển quặng sắt ở thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá và làm thủ tục xin cấp mỏ sắt thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh để khai thác, cung cấp nguyên liệu cho xưởng tuyển, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật…nhưng Công ty Sông Lô vẫn không thực hiện.

 

Cấp mỏ đúng luật

Hưởng ứng chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực khai khoáng của tỉnh Hà Giang, ngày 20.12.2005 Công ty Hoàng Bách có Văn bản 08/TC-HB trình UBND tỉnh xin phép khai thác khoáng sản tại điểm mỏ chì - kẽm Na Sơn. Ngày 26.12.2005, UBND tỉnh có Công văn 3107/CV-UB giải quyết đề nghị của Công ty Hoàng Bách, giao Sở TN-MT, UBND huyện Vị Xuyên hướng dẫn Công ty triển khai, thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản. Trên cơ sở các tờ trình của Sở TN-MT, UBND tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương lập dự án khai thác, chế biến chì - kẽm tại mỏ Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách. Ngày 3.2.2006, Tỉnh ủy có Công văn 85 CV/TU thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý cho Công ty Hoàng Bách được khai thác, chế biến quặng tại mỏ chì - kẽm Na Sơn. Sau đó, UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) về việc thăm dò, khai thác quặng chì - kẽm tại khu vực mỏ Na Sơn, đề nghị Bộ xem xét, có ý kiến về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại điểm mỏ Na Sơn. Ngày 4.4.2006, Bộ Công nghiệp có Công văn 1807/BCN-CLH gửi UBND tỉnh với nội dung: Mỏ chì - kẽm Na Sơn được Bộ phê duyệt Đề án đánh giá triển vọng quặng chì - kẽm và các khoáng sản khác. Theo đó, chì - kẽm ở mỏ Na Sơn hàm lượng nghèo, không đạt yêu cầu công nghiệp, không đưa vào Danh mục đầu tư các dự án quy mô công nghiệp, không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản Quốc gia.

 

Sau khi xem xét các thông tin liên quan về Công ty Hoàng Bách như: Đơn vị xin khai thác khoáng sản có đăng ký kinh doanh được khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, có lực lượng cán bộ chuyên ngành về địa chất, khoáng sản. Hồ sơ xin cấp phép của Công ty đầy đủ thủ tục như: Đơn xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản, kèm theo bản đồ khu vực khai thác; Báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt theo quy định; Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Bản sao văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của đơn vị xin khai thác…UBND tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác mỏ chì - kẽm Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách. Việc cấp giấy phép khai thác đúng thẩm quyền quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 56 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản, giấy phép tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Mấu chốt của mâu thuẫn

Giai đoạn đầu những năm 2000, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Theo chủ trương của tỉnh, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ làm đường, kéo điện đến bên ngoài hàng rào công trình. Xét đề nghị của Sở KH-ĐT tại Văn bản 03/KH-KTN ngày 8.1.2002 và Tờ trình 01/TT-CN ngày 03.1.2002 của Sở Công nghiệp, ngày 9.1.2002, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 61/QĐ-UB phê duyệt Dự án Nghiên cứu khả thi - đầu tư xây dựng công trình đường Tùng Bá - Na Sơn với chiều dài 12km, tổng dự toán trên 52 tỷ đồng do Sở Công nghiệp làm chủ đầu tư. Công ty Sông Lô đã được UBND tỉnh cho phép khai thác tận thu, chế biến quặng tại mỏ sắt Tùng Bá theo Quyết định 397 nên được giao thi công tuyến đường Tùng Bá - Na Sơn. Một trong những nguyên tắc cơ bản của quá trình đầu tư xây dựng là khi có chủ trương, đơn vị được giao thi công phải lập dự án trình cơ quan chức năng phê duyệt. Nhưng Công ty Sông Lô đã tiến hành mở rộng mặt đường Tùng Bá - Na Sơn theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công. Công ty tự tổ chức thi công, không báo cáo, đề nghị Ban quản lý, chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu các hạng mục công trình. Khi mở xong mặt đường, Công ty Sông Lô yêu cầu chủ đầu tư thanh toán nhưng lại không cung cấp hồ sơ tính toán khối lượng thực tế nên chủ đầu tư không có cơ sở thanh toán.

 

Khi được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ chì - kẽm Na Sơn, Công ty Hoàng Bách đã tiến hành các thủ tục cần thiết, đầu tư xây dựng nhà máy tuyển và tổ chức khai thác. Nhưng để vào được mỏ Na Sơn, người và phương tiện máy móc của Công ty Hoàng Bách phải đi trên tuyến đường Tùng Bá - Na Sơn do Công ty Sông Lô mở. Công ty Sông Lô phản ứng bằng cách thuê vệ sỹ lập chốt chặn không cho người, phương tiện của Công ty Hoàng Bách đi qua. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, sau nhiều lần thương thuyết, ngày 10.4.2009, Sở Công thương đã bàn giao tuyến đường Tùng Bá - Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư mới. Công ty Hoàng Bách được hưởng lợi từ việc khai thác chì - kẽm tại mỏ Na Sơn, Công ty phải đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác, trong đó có đường Tùng Bá - Na Sơn. (Nếu Công ty Sông Lô thực hiện đúng Quyết định 585, tiếp tục triển khai Dự án nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển luyện quặng sắt Tùng Bá thì Công ty phải tự bỏ tiền làm đường Tùng Bá - Na Sơn). Khi đảm nhận vai trò chủ đầu tư tuyến đường Tùng Bá - Na Sơn, Công ty Hoàng Bách đã phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế giao thông hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình. Đến nay, Công ty Hoàng Bách đã thanh toán cho Công ty Sông Lô được trên 90% tổng chi phí xây lắp trước thuế...

 

Từ những thực tế trên và căn cứ nội dung Kết luận của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra các nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh của Công ty TNHH Sông Lô cho thấy:

 

- Việc UBND tỉnh ra Quyết định 585/QĐ-UB hủy bỏ Quyết định 2309/QĐ-UB là đúng đắn và cần thiết để sửa chữa những việc làm chưa đúng của chính UBND tỉnh trong việc phê duyệt dự án và Công ty Sông Lô khi thực hiện Dự án Nghiên cứu khả thi khai thác, tuyển luyện quặng sắt ở Hà Giang của Công ty Sông Lô. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn Công ty Sông Lô làm đúng theo trình tự quy định của pháp luật (nếu Công ty tiếp tục thực hiện dự án).

 

- UBND tỉnh chưa ra quyết định cấp giấy phép khai thác mỏ chì - kẽm Na Sơn cho Công ty Sông Lô nên không có việc UBND tỉnh đã cấp mỏ chì - kẽm cho Công ty Sông Lô rồi lại thu hồi cấp cho Công ty Hoàng Bách.

 

- Việc UBND tỉnh cấp mỏ chì - kẽm Na Sơn cho Công ty Hoàng Bách là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.

 

- Thực chất mâu thuẫn liên quan đến mỏ chì - kẽm Na Sơn giữa Công ty Sông Lô và Công ty Hoàng Bách là những khúc mắc trong việc thanh, quyết toán giá trị khối lượng đường Tùng Bá - Na Sơn. 

- Đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư mới, Công ty Hoàng Bách cam kết thanh toán toàn bộ số tiền Công ty Sông Lô đã đầu tư theo đúng giá trị thực tế. Số tiền 8,7 tỷ đồng, Công ty Hoàng Bách đã chuyển cho Công ty Sông Lô là bước đi thể hiện thiện chí giải quyết dứt điểm vướng mắc trên.


Hà Dương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao công tác đền bù GPMB khu công nghiệp Bình Vàng chậm?
HGĐT- Là khu công nghiệp (KCN) đầu tiên, nhằm tạo tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đây là KCN tập trung, đa ngành, nghề... trong tương lai, KCN Bình Vàng (Vị Xuyên) sẽ cùng với các khu kinh tế khác đưa tỉnh ta sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào sau năm 2015.
15/07/2009
Kiểm tra tiến độ các dự án di, dãn dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở Xín Mần
HGĐT- Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng các điểm dân cư tiềm ẩn nguy cơ sạt, lở, lũ quét trên địa bàn huyện Xín Mần vừa qua đã xác định được 40 điểm với 287 hộ nằm trong vùng xung yếu, có nguy cơ sạt, lở cao.
15/07/2009
Nhiều hộ đồng bào Nùng thôn Khuẩy Lác cùng góp tiền, góp sức để đưa điện về nhà
HGĐT- Xã Trung Thành (Vị Xuyên) có 12 thôn, trong đó có nhiều hộ dân ở thôn Khuẩy Lác và Cốc Héc còn chưa được dùng điện lưới Quốc gia vì chưa có đường điện lưới kéo đến các thôn. Không chờ đợi vào sự đầu tư của các cấp, từ năm 2005, 22 hộ dân ở thôn Khuẩy Lác, trong đó đa phần là các hộ đồng bào Nùng đã xin phép ngành chức năng và tự nguyện góp tiền, góp công để kéo điện về
15/07/2009
Chương trình “Mái ấm Công đoàn”
HGĐT- Vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội lên thăm và làm việc tại Hà Giang. Cùng đi có các đồng chí trưởng, phó các Ban trực thuộc LĐLĐ thành phố.
13/07/2009