Giải quyết tồn đọng về đầu tư XDCB chậm là do Công ty Sông Lô thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật

08:46, 16/07/2009

HGĐT- Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: Đa số các dự án do Công ty Sông Lô thi công đều thực hiện trước năm 2005, không thực hiện theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các bước Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, ký kết hợp đồng, nghiệm thu khối lượng…


Công ty Sông Lô thực hiện không nghiêm túc Nghị định 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao quá trình tháo gỡ và giải quyết tồn đọng tại những công trình do Công ty Sông Lô thi công trên địa bàn tỉnh của các đơn vị chủ đầu tư diễn ra chậm, được biết: Công ty Sông Lô được thành lập ngày 5.9.1996 theo Quyết định số 002.114/GP-TLDN của UBND tỉnh Hà Giang.

TIN LIÊN QUAN

-
 
Trong Quá trình hoạt động, Công ty đã thay đổi đăng ký kinh doanh nhiều lần, người đại điện theo pháp luật của Công ty là ông Lê Duy Hảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty. Công ty TNHH Sông Lô thành lập các đơn vị trực thuộc gồm các Công ty TNHH Sông Lô 2,4,6,7 và 9. Đến ngày 4.12.2006, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đã có Quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh của các đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Sông Lô nêu trên, vì các Công ty này được thành lập nhưng không hoạt động theo quy định, bao gồm: Không có trụ sở giao dịch, không hoạt động tại các trụ sở được đăng ký, không treo biển hiệu theo quy định. Tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty từ đầu năm 1999 cho đến năm 2004 trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu tham gia thi công 15 dự án, trong đó bao gồm 4 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, 11 dự án sử dụng ngân sách địa phương, kể cả dự án đường Tùng Bá – Na Sơn. Ngoài ra, Công ty còn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, gồm khai thác và chế biến khoáng sản kim loại. Từ năm 2005 đến nay, Công ty đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của cơ quan chức năng: Báo cáo tài chính của Công ty luôn lập và nộp chậm cho cơ quan thuế. Đến ngày 23.6.2006, Công ty mới quyết toán thuế hết năm 2004, năm 2005 chưa quyết toán thuế. Sổ sách kế toán của Công ty không phản ánh trung thực kết quả hoạt động của Công ty, không đối chiếu và phản ánh đầy đủ số phải thu, phải trả, khoản thanh toán lãi vay, chế độ tiền lương, BHXH đối với người lao động trong Công ty; công nợ phải thu về khối lượng xây dựng cơ bản đầu tư từ ngân sách Nhà nước không theo dõi trên hệ thống sổ sách và báo cáo tài chính theo quy định của Luật Kế toán. Về XDCB, trong quá trình hoạt động, Công ty TNHH Sông Lô thi công 14 dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương và 10 dự án do ngân sách địa phương đầu tư (Có dự án Công ty Sông Lô chỉ thi công một số hạng mục). Qua quá trình giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng tại các công trình xây dựng cơ bản do Công ty Sông Lô thi công, các cơ quan chức năng của tỉnh nhận thấy: Khi tiến hành triển khai thực hiện nhiều công trình dự án, Công ty Sông Lô đã vi phạm Nghị định 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ vì đã thực hiện ký kết các hợp đồng xây lắp khi bên A chưa cung cấp hồ sơ thiết kế kỹ thuật; Nhật ký công trình, biên bản nghiệm thu giai đoạn, xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành A-B, hồ sơ hoàn công… của một số công trình cũng không đầy đủ. Có dự án đã hoàn thành, nghiệm thu từ năm 1997 nhưng Công ty Sông Lô vẫn chưa lập báo cáo khối lượng xây lắp và chưa phối hợp với chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành gửi Sở Tài Chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản, dẫn đến việc các cơ quan chức năng của tỉnh không có cơ sở thanh toán khối lượng thi công các công trình của Công ty Sông Lô và cũng là nội dung khiếu nại của Công ty với UBND tỉnh Hà Giang. Để làm sáng tỏ những vấn đề này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính từ ngày 15.8 đến 15.9.2008 đã làm việc và tổ chức đối thoại với UBND tỉnh Hà Giang, các sở, ban, ngành có liên quan thuộc tỉnh và Công ty Sông Lô; tiến hành kiểm tra, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh đối với Công ty Sông Lô. Trên cơ sở đó, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: Đa số các dự án do Công ty Sông Lô thi công đều thực hiện trước năm 2005, không thực hiện theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các bước Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, ký kết hợp đồng, nghiệm thu khối lượng… Dự án đường Tráng Kìm - Đường Thượng:Công ty TNHH Sông Lô đã triển khai thi công khi chưa có Thiết kế kỹ thuật – Tổng dự toán của cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhật ký thi công công trình của Công ty ngày 18.1.2001 nhưng biên bản bàn giao thực địa đến ngày 18.5.2001 mới triển khai; Dự án đường KM9 (QL4C) đi xã Thái An, huyện Quản Bạ: Dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư, không có thiết kế kỹ thuật dự toán; không có Quyết định hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công; Dự án Cải tạo nâng cấp đường Phương Thiện – Cao Bồ: Công ty TNHH Sông Lô thi công từ KM 0 đến KM 4 từ năm 1994 đến năm 1997 mới hoàn thành. Sau 10 năm, đến tháng 6.2007 Công ty TNHH Sông Lô mới triển khai lập hồ sơ hoàn công; Dự án đường Nghĩa Thuận – Mốc 5: Giai đoạn I, phê duyệt dự án ngày 31.12.1998 nhưng hợp đồng giao nhận thầu lại được triển khai vào thời điểm trước đó 10 tháng là ngày 12.2.1998, giai đoạn I thi công xong không tiến hành nghiệm thu, giai đoạn II được triển khai tiếp vào năm 2002 và đến năm 2004 công trình hoàn thành; Dự án Công viên nước Hà Phương: Ngoài các văn bản chỉ đạo mang tính chất chủ trương và đôn đốc triển khai dự án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì Công ty TNHH Sông Lô chỉ có Quyết định số: 1236/QĐ-UB ngày 10.5.2001 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án Quy hoạch Công viên nước Hà Phương. Trong 16 hạng mục thuộc phần vốn ngân sách Nhà nước đầu tư, chỉ có duy nhất 1 hạng mục Hồ chứa nước Công viên nước Hà Phương được phê duyệt thiết kế – Dự toán, các hạng mục còn lại đều do Công ty TNHH Sông Lô tự ý thi công…
 

Có nhiều đề nghị của Công ty Sông Lô không có cơ sở pháp lý để giải quyết

Không chỉ vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, mà ngay trong quá trình các ngành chức năng và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức tháo gỡ những tồn đọng của những công trình do Công ty Sông Lô thi công trên địa bàn tỉnh, Công ty này đã đưa ra những yêu sách, những đề nghị, những khiếu nại không có cơ sở để giải quyết, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng của tỉnh và mất thời gian tìm giải pháp tháo gỡ. Dẫn chứng: Ngày 9.7.2007, Công ty Sông Lô nộp hồ sơ quyết toán công trình Cải tạo nâng cấp đường Phương Thiện – Cao Bồ, đề nghị được thanh toán theo đơn giá 570/QĐ-UB ngày 14.10.1994 với lý do Dự án phê duyệt lập theo đơn giá 80 (đơn giá do UBND tỉnh ban hành trước đây) nhưng thời gian thi công vào thời điểm thực hiện đơn giá 570 về vấn đề này, Báo cáo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhận xét: Việc thay đổi biện pháp, phương pháp thi công từ huy động nhân công lao động công ích sang thi công chủ lực đến năm 2007 mới có văn bản xác nhận của giám sát kỹ thuật A và UBND xã Phương Thiện, trong khi dự án này kết thúc năm 1997 là chưa đủ thủ tục pháp lý để thanh toán. Việc thay đổi hệ số và khối lượng phát sinh do vận chuyển đá mà đơn vị thi công đã thực hiện nhưng không báo cáo bằng văn bản với chủ đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt là trái với các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Công ty TNHH Sông Lô đề nghị trong đơn khiếu nại là chưa có cơ sở theo quy định của pháp luật…; ngày 17.7.2008, Sở Giao thông chuyển hồ sơ quyết toán công trình đường Tráng Kìm - Đường Thượng của Sở lập cho Công ty Sông Lô với giá trị quyết toán gần 16 tỷ đồng, trong đó giá trị đã thanh toán cho Công ty là 11 tỷ đồng, giá trị còn lại chưa thanh toán là gần 5 tỷ đồng. Ngày 7.8, Công ty Sông Lô nộp hồ sơ quyết toán với giá trị quyết toán là trên 38 tỷ đồng, đã được thanh toán gần 26 tỷ đồng, còn lại chưa thanh toán trên 12 tỷ. Báo cáo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhận xét: …Vướng mắc của dự án là việc Công ty TNHH Sông Lô và chủ đầu tư đã thống nhất khối lượng thi công hoàn thành nhưng chưa thống nhất về phương pháp tính giá trị của khối lượng thực hiện. Đến nay, giữa chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất về giá trị quyết toán (phần khối lượng nhà thầu đã thực hiện) nên chưa đủ thủ tục để chủ đầu tư trình thẩm tra quyết toán vì Công ty Sông Lô tính lại theo đơn giá mặt bằng tháng 5.2008 là trên 38 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ: Công trình hoàn thành năm 2005 nên việc hoàn tất báo cáo quyết toán phải được áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật theo thời điểm nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Vì vậy, công trình không được áp dụng điều chỉnh giá theo các Thông tư số 05/2.2008/TT-BXD ngày 22.2.2008, số 09/2008/TT-BXD ngày 17.4.2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng... Để làm sáng tỏ thêm về con số số liệu giá trị đã thanh toán cho công ty là 11 tỷ đồng theo hồ sơ quyết toán cơ quan chức năng của tỉnh lập, với số liệu giá trị khối lượng hoàn thành gần 26 tỷ đồng do Công ty Sông Lô tính lại. Qua làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, được biết: Trên thực tế Công ty Sông Lô chỉ được thanh toán là 11 tỷ đồng, nhưng Công ty Sông Lô lại tính toán và áp theo đơn giá mới để có được con số 26 tỷ đồng. Về Dự án đường Nghĩa Thuận – Mốc 5,Báo cáo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhận xét: …Căn cứ vào nhật ký thi công công trình, Quyết định phê duyệt thiết kế – dự toán giai đoạn 1 và chủ trương chỉ định thầu của UBND tỉnh: Công ty Sông Lô đã thi công công trình trước khi có hồ sơ thiết kế, kỹ thuật được phê duyệt và được chỉ định thầu. Khối lượng thực hiện theo báo cáo khối lượng hoàn thành lập ngày 31.12.1998 và ngày 20.12.2000 nhưng đến ngày 24.4.2007 Công ty Sông Lô mới lập hồ sơ hoàn công gửi cho chủ đầu tư là trái các quy định của Nhà nước. Trách nhiệm để xảy ra các sai phạm nêu trên thuộc chủ đầu tư và Công ty Sông Lô… Giai đoạn 2, Công trình được triển khai thực hiện khi chưa có Quyết định phê duyệt dự án, Quyết định phê duyệt Thiết kế kỹ thuật – dự toán, không có hợp đồng thi công xây lắp là trái với quy định của Nhà nước. Công trình chưa đảm bảo chất lượng, nhiều đoạn đường bị lún, bong bật, rạn nứt, ổ gà, cao su với tổng diện tích 1.102,82 m2, Công ty Sông Lô đã không tuân thủ trình tự xây dựng cơ bản, thi công khi chưa có hợp đồng, hồ sơ thiết kế chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dẫn đến việc thi công không đảm bảo chất lượng công trình…

 

(Kỳ sau: Khó khăn trong quá trình giải quyết những vướng mắc của Công ty TNHH Sông Lô)


Hà Dương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xung quanh vụ việc khiếu kiện của Công ty TNHH Sông Lô với UBND tỉnh Hà Giang
LTS: Vụ việc Công ty TNHH Sông Lô (Công ty Sông Lô) kiện UBND tỉnh Hà Giang diễn ra từ năm 2007. Khi sự việc còn đang trong giai đoạn điều tra, xác minh, Công ty Sông Lô và một số tờ báo đã đưa tin không chính xác, gây ra sự băn khoăn, ngờ vực về tính đúng đắn trong điều hành giải quyết công việc của UBND tỉnh và một số sở ngành của tỉnh. Đến nay, sau khi có kết luận thanh
16/07/2009
Nhiều hộ đồng bào Nùng thôn Khuẩy Lác cùng góp tiền, góp sức để đưa điện về nhà
HGĐT- Xã Trung Thành (Vị Xuyên) có 12 thôn, trong đó có nhiều hộ dân ở thôn Khuẩy Lác và Cốc Héc còn chưa được dùng điện lưới Quốc gia vì chưa có đường điện lưới kéo đến các thôn. Không chờ đợi vào sự đầu tư của các cấp, từ năm 2005, 22 hộ dân ở thôn Khuẩy Lác, trong đó đa phần là các hộ đồng bào Nùng đã xin phép ngành chức năng và tự nguyện góp tiền, góp công để kéo điện về
15/07/2009
Vì sao công tác đền bù GPMB khu công nghiệp Bình Vàng chậm?
HGĐT- Là khu công nghiệp (KCN) đầu tiên, nhằm tạo tiền đề cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đây là KCN tập trung, đa ngành, nghề... trong tương lai, KCN Bình Vàng (Vị Xuyên) sẽ cùng với các khu kinh tế khác đưa tỉnh ta sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào sau năm 2015.
15/07/2009
Kiểm tra tiến độ các dự án di, dãn dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở Xín Mần
HGĐT- Kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng các điểm dân cư tiềm ẩn nguy cơ sạt, lở, lũ quét trên địa bàn huyện Xín Mần vừa qua đã xác định được 40 điểm với 287 hộ nằm trong vùng xung yếu, có nguy cơ sạt, lở cao.
15/07/2009