Giải bài toán “nghèo” ở Nậm Ty
HGĐT- Đến đầu năm 2009, cả 8 thôn bản của Nậm Ty đều có đường ô tô về thôn. Toàn xã có 483 hộ thì 432 hộ có xe máy, bình quân 5,4 người có 1 điện thoại... Các tiềm năng, thế mạnh được phát huy, công tác đào tạo, sử dụng nguồn lực được đặt biệt quan tâm, chú trọng. Và đó chính là nguồn lực để Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đi từ chỗ yếu đến khấm khá như ngày hôm nay.
Những ruộng bậc thang xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đang được bà con khẩn chương làm đất cấy mùa sớm để tránh rét vì ruộng nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển. Ảnh: Nhật Hồng |
Cán bộ - nguồn lực chính
Anh Lê Công Chương, nay là Phó Văn phòng Huyện ủy trước đây được điều về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ty theo Nghị quyết 10-HU cho biết: Việc đầu tiên về xã là cả quá trình thâm nhập thực tiễn địa phương. Không thể nói là “3 cùng” nữa, mà là “rất nhiều cùng” với đồng bào để đồng bào hiểu cán bộ, cán bộ hiểu tâm tư, nguyện vọng, cách mong muốn làm ăn, cũng như cần sự quan tâm đầu tư của nhà nước, lo cho dân, giúp dân yên tâm làm ăn, làm ăn theo cách mới...
Trở lại giai đoạn 2005 - 2006, Nậm Ty nổi cộm nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, nhiều đơn thư khiếu nại, nhiều tranh chấp... anh Chương cho biết: Giai đoạn đó cán bộ cơ sở chưa hiểu rõ ngọn ngành trong dân. Người dân thì thấy thiếu tin tưởng cán bộ cơ sở. Trưởng thôn Ông Thượng, anh Phàn Chòi Sinh, trước kia là một trong những người đã bị hiểu lầm tâm sự: áp đặt lòng tin là điều tồi tệ nhất mà tôi, nhiều người đã từng gặp và bị áp đặt. Sinh cho rằng: Lòng tin phải được xây dựng từ 2 phía. Trong đó, người cán bộ phải đi trước một cách mẫu mực. Bí thư Đảng ủy xã Sùng Chủ Dìn cho biết: Từ khi công tác cán bộ được tăng cường “xuống dân” để hiểu dân và dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng qua cán bộ, mọi việc tồn đọng, khiếu nại, được. Sự hòa giải không văn bản, giấy tờ, nhưng chắc hơn đinh đóng cột, đấy chính là lòng tin được thiết lập. Khi cán bộ “gắn” dân mới thấy dân cần con đường to để chở chè đi bán, cần con mương tưới để làm ăn ăn chắc, cần lớp học, trụ sở thôn và cả lớp lưu trú cho con em ăn, ở, học đến nơi, đến chốn, mong dùng kiến thức học được để làm ăn thoát nghèo... và cũng cho đến lúc này, cả đội ngũ cán bộ xã mới “vỡ” ra một điều: “Cán bộ cần kiến thức thực sự để lo cho. Khi tất cả đã thông hiểu từ ý chí đến nguyện vọng là chung sức đưa kinh tế, đời sống của toàn dân lên. Lần lượt các tuyến đường về: Tả Hồ Piên, xuống Yên Sơn, lên Tân Thượng, Tấn Sà Phìn... đều được tập trung mở và mở rộng từ 3 - 4,8m. Mở mới 13km, mở rộng, nâng cấp 19km. Xây nhà công vụ xã, làm các tuyến mương dẫn nước về Tả Hồ Piên, Tân Minh, Tân Thượng. Năm 2008, mở 7 lớp với 359 người tham gia học khuyến nông, khuyến công, xây dựng nhiều mô hình trình diễn cách làm ăn với giống cây, con mới, giúp dân học tập. Làm đường, làm trường, làm kênh mương, nhà công vụ, thiếu tiền nuôi trẻ em học nội trú thì: Cán bộ, người người tham gia đóng góp. Làm ăn, quyết toán công khai, minh bạch đã được mọi người đồng lòng hưởng ứng. Để cán bộ đủ trình độ, kiến thức lôi kéo phong trào, xã đã cắt cử luân phiên cho cán bộ đi học, đi đào tạo lại. Xét về mặt bằng công chức xã chung trong Hoàng Su Phì hiện nay, xã Nậm Ty có số lượng cán bộ đi học nhiều vào bậc nhất. Hiện có 8/21 chốt chính của xã đang theo học các lớp đại học, có 4/16 cán bộ trong BCH Đảng ủy có trình độ đại học, có 2 đại học chuyên ngành, cùng 175 đảng viên sinh hoạt trong 11 chi bộ đang làm “gường cột” cho các mục tiêu phát triển KT - XH của xã. Hơn 2 năm thực hiện công tác cán bộ, công tác đào tạo, gắn liền công tác điều hành, Nậm Ty ra 24 Nghị quyết Chuyên đề cho các mục tiêu phát triển, đặc biệt là Nghị quyết về xây dựng hạ tầng nông thôn, thủy lợi. Quan trọng nhất là từng bước nâng cao được vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cơ sở, nâng cao chất lượng cán bộ gắn liền sự phát triển của toàn dân.
Đầu tư - coi trọng lợi thế
Nậm Ty xác định đầu tư tập trung vào chăn nuôi và chế biến chè để nâng cao giá trị sản phẩm làm ra. Trong chăn nuôi, trâu, dê, lợn làm hướng đi chính. Bởi tận dụng được đất đai, lao động sẵn, vốn tích lũy sẵn, trong đó có sự hỗ trợ của nhà nước. Coi trọng công tác giống tốt, chuồng trại hợp vệ sinh để phòng dịch bệnh. Sản xuất lương thực bằng giống mới để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Phát triển cây đậu tương, thảo quả... Đặc biệt, Nậm Ty đã khai thác hiệu quả tiềm năng cây chè bản địa. Hiện nay trên địa bàn xã có 27 cơ sở sản xuất, chế biến chè. Đã có gần 40 dây chuyền sao sấy chè được đầu tư, đi vào sản xuất, cho ra đa dạng các sản phẩm. Với 257 ha chè đang cho thu hoạch, mỗi năm nơi đây cung cấp vào thị trường tiêu dùng rất nhiều các sản phẩm chè, biến cây chè, ngành sản xuất chè thành thế mạnh xóa nghèo. Để nhân rộng lợi thế này, hàng năm, Nậm Ty đầu tư trồng mới từ 15 - 20 ha. Dựa trên lợi thế, nét văn hóa, vùng đất, sắc tộc, con người, xã đang đẩy mạnh xây dựng các làng “du lịch xanh”. ở các thôn Tấn Sà Phìn, Tả Hồ Piên, hay Nậm Piên, Tân Thượng, chính quyền cơ sở cùng bà con nhân dân đang nỗ lực khôi phục và gìn giữ các nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao; tăng cường các biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trường. Cùng hệ thống hạ tầng được kiến thiết, sóng điện thoại di động phủ sóng, nét văn hóa được bảo vệ, gìn giữ, tôn vinh, đã đang làm cho Nậm Ty ngày một khởi sắc.
Ý kiến bạn đọc