Đồng bào Nùng thôn Khuẩy Lác

Tích cực với chương trình trồng cây cao su

18:04, 29/06/2009

HGĐT - Thôn Khuẩy Lác, xã Trung Thành (Vị Xuyên) có 96 hộ dân với 456 khẩu đa phần là đồng bào dân tộc Nùng. Trong tổng số 30 hộ có đất được quy hoạch tham gia chương trình trồng cây cao su thì có đến 28 hộ là đồng bào Nùng.


Toàn thôn có tổng diện tích 320.141m2 , người dân ở đây 100% sống dựa vào nông nghiệp. Vì thế khi được nghe tuyên truyền, vận động về việc phát triển cây cao su, một loại cây hứa hẹn sẽ đem đến sự đổi thay tích cực trong đời sống, phần đông bà con nhân dân nơi đây đã đồng tình hưởng ứng với chủ trương của tỉnh. Mặc dù có nhiều diện tích đất quy hoạch trồng cây cao su đã được người dân đầu tư trồng cây keo và mỡ từ 2 – 3 năm trước, nhưng có thể nói, nhiều hộ đồng bào Nùng đã nhiệt tình và sẵn sàng nhận tiền hỗ trợ của tỉnh và thu hoạch lâm sản, bàn giao đất cho Công ty Cổ phần cao su Hà Giang (CTCPCSHG). Đồng chí Thèn Văn Chấn, Bí thư Chi bộ thôn Khuẩy Lác cho biết, thôn được giao nhiệm vụ bàn giao cho CTCPCSHG là 171ha, đến nay đã bàn giao cho xã để giao cho Công ty được khoảng trên 140ha, trong đó gồm các phần đất đã được giao cho dân quản lý và đất cộng đồng. Số còn lại khoảng 31ha, phần lớn là những diện tích có rừng keo 5 năm tuổi, do tiền hỗ trợ chuyển đổi so với công chăm sóc các diện tích rừng trên của người dân chưa phù hợp nên người dân kiến nghị được giữ lại diện tích này đến khi thu hoạch sẽ bàn giao đất cho Công ty cao su. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền và nhận thức của một vài hộ dân còn hạn chế nên có 4ha đất mặc dù đã quy hoạch nhưng từ đầu năm nay người dân vẫn trồng sắn, do vậy phải đến khi thu hoạch sắn trong tháng 9, tháng 10 tới thì người dân mới có thể bàn giao cho Công ty cao su.


Để có thể vận động được người dân tích cực tham gia chương trình trồng cao su và bàn giao đất cho CTCPCSHG, Bí thư Chi bộ Khuẩy Lác Thèn Văn Chấn cho biết, bản thân mình cùng với đồng chí Trưởng thôn xác định phải là người đi đầu trong việc hưởng ứng chương trình trồng cao su. Qua đó, nhà anh Chấn đã gương mẫu bàn giao 5ha đất, trong đó có 2ha đã trồng keo 3 năm tuổi và 3ha đất nương. Biết rằng thiệt thòi ban đầu thuộc về mình, keo 3 năm tuổi khi thu hoạch không thể bán được ngoài việc đem về nhà làm củi đun, nhưng nhờ hỗ trợ của tỉnh cũng đã giúp phần nào cho các hộ có thêm tiền để đầu tư vào những việc khác như chăn nuôi, trồng trọt để phục vụ cái lợi lâu dài khi cây cao su phát triển trên mảnh đất Khuẩy Lác. Thấy người đứng đầu thôn tích cực tham gia, bà con trong thôn, trong đó có nhiều hộ có diện tích keo trên 2 năm tuổi cũng đã làm theo.


Không chỉ tích cực bàn giao đất, với mong muốn được tham gia làm công nhân cao su, đến nay đã có 16 thanh niên đã được Công ty cao su tạm tuyển vào làm các công việc khai phá đất đai. Sau thời gian khoảng 2 tháng nếu có khả năng lao động sẽ được Công ty ký hợp đồng tuyển dụng. Người dân nơi đây cũng thể hiện mong muốn CTCPCSHG sẽ tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho con em họ. Nhờ được tuyên truyền, vận động và tích cực giao đất cho chương trình trồng cây cao su, đã tạo điều kiện cho CTCPCCSHG đưa đội sản xuất vào khai phá, chuẩn bị cho việc trồng cây cao su trong tháng 7 tới. Anh Nguyễn Văn Long, Tổ trưởng tổ sản xuất số 3 của CTCPCSHG đang phụ trách khai phá tại thôn Khuẩy Lác cho biết, hiện nay Công ty đang bố trí, đẩy mạnh khai phá các diện tích đất ở xã Trung Thành, tập trung ở thôn Khuẩy Lác. Công ty đã thuê được 35 lao động và đã khai phá được khoảng 20 ha với trên 10.000 hố trồng cao su đã được đào. Phấn đấu đến hết tháng 7 sẽ khai phá được khoảng 50ha để đào khoảng trên 2,5 vạn hố trồng cao su. Đồng thời, từ tháng 7 đến khoảng tháng 9 sẽ triển khai đưa cây cao su giống từ Vô Điếm lên để trồng tại đây. Như vậy, nếu triển khai đúng tiến độ, đồng thời không gặp điều kiện thời tiết xấu thì từ thời gian tháng 7 đến tháng 9 sẽ trồng được khoảng trên 2,5 vạn cây cao su ở Khuẩy Lác.

Có thể nói, với điều kiện thời tiết, chất đất như ở Trung Thành là địa bàn khá phù hợp cho cây cao su phát triển. Điều này được chứng minh qua vườn thực nghiệm trồng cao su với 3,7ha tại thôn Cốc Héc – Trung Thành. Mặc dù được trồng thử nghiệm trên diện tích đất ít màu mỡ hơn như ở các vùng Tây Nguyên hay miền Tây Nam bộ, nhưng qua gần 1 năm trồng, cây cao su ở đây đã phát triển rất nhanh và tốt. Quan sát trực tiếp tại vườn thực nghiệm cây cao su mọc rất đều và đẹp, có những cây đã cao khoảng trên 2,5m, trung bình các cây ở đây cao khoảng 1,5m. Như vậy là sau gần 1 năm, cây cao su đã phát triển được từ 1,3 – 1,5m, một chỉ số hiếm gặp được ở các loại cây công nghiệp. Nếu với tốc độ lớn nhanh như vậy, chắc chắn sau khi đưa cao su vào trồng khoảng 2 năm, những vườn cao su sẽ vươn lên thành rừng công nghiệp với hàng, lối rất đẹp, tạo việc làm cho người dân và sự đổi thay trên những vùng đất còn khó khăn.


Phùng Nguyên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tặng quà cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và hộ nghèo xã Lũng Chinh (Mèo Vạc)
HGĐT - Thông qua chương trình “Nhịp cầu nhân ái” Báo Hà Giang giới thiệu các địa chỉ cần được hỗ trợ. Trong 2 ngày 27-28/6/2009, đoàn Phật tử Hà Nội do bà Trần Thị ánh Tuyết làm Trưởng đoàn đã vận chuyển hàng lên tặng cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh và 100 hộ nghèo xã Lũng Chinh (Mèo Vạc). Cùng đi với đoàn có đ/c Sùng Mí Chứ, Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang.
29/06/2009
Thị xã Hà Giang hướng tới đô thị văn minh - hiện đại
HGĐT - Kể từ khi tỉnh Hà Giang được tái lập đến nay (1991), được sự quan tâm của T.Ư Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh, diện mạo đô thị của Thị xã được cải thiện đáng kể, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội chủ tỉnh Hà Giang. Tiềm năng và lợi thế của thị xã là phát triển thương mại dịch vụ du lịch .
26/06/2009
Giải bài toán “nghèo” ở Nậm Ty
HGĐT- Đến đầu năm 2009, cả 8 thôn bản của Nậm Ty đều có đường ô tô về thôn. Toàn xã có 483 hộ thì 432 hộ có xe máy, bình quân 5,4 người có 1 điện thoại... Các tiềm năng, thế mạnh được phát huy, công tác đào tạo, sử dụng nguồn lực được đặt biệt quan tâm, chú trọng. Và đó chính là nguồn lực để Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đi từ chỗ yếu đến khấm khá như ngày hôm nay.
24/06/2009
Giải bài toán “nghèo” ở Nậm Ty
HGĐT- Đến đầu năm 2009, cả 8 thôn bản của Nậm Ty đều có đường ô tô về thôn. Toàn xã có 483 hộ thì 432 hộ có xe máy, bình quân 5,4 người có 1 điện thoại... Các tiềm năng, thế mạnh được phát huy, công tác đào tạo, sử dụng nguồn lực được đặt biệt quan tâm, chú trọng. Và đó chính là nguồn lực để Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đi từ chỗ yếu đến khấm khá như ngày hôm nay.
24/06/2009