Để các em có những mùa hè an toàn, bổ ích
HGĐT- Mùa hè là mùa học sinh nghỉ học, được tự do vui chơi nhưng kéo theo đó là nỗi lo của các bậc cha me về sự an toàn cho con khi chơi trong dịp hè. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta năm 2008 đã có 14/283 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích.
Trong đó đáng báo động là tình trạng trẻ bị đuối nước 9 trẻ; 5 trường hợp tử vong còn lại là do các tai nạn thương tích khác như: Ngã, điện giật, tai nạn giao thông, súc vật cắn... Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra do trẻ bị bỏng, như trường hợp của cháu Triệu Thị Ngọc (4 tuổi ở xã Yên Thành, huyện Quang Bình) vào tháng 12. 2008 do bị ngã vào bếp lửa gây bỏng nặng.
Những nguyên nhân thường gặp
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè là trên phạm vi cả nước nói chung, ở tỉnh ta nói riêng lại xảy ra các vụ tai nạn, thương tích thương tâm, trong đó các trường hợp tử vong do chết đuối chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, thương tích một phần là do tính hiếu động của trẻ, nhưng cơ bản vẫn là do việc quản lý, giám sát của gia đình, sự cẩu thả, bất cẩn của người lớn. Hầu hết những tai nạn xảy ra cho trẻ thường rơi vào các kỳ nghỉ hè do trẻ không phải đến trường, thời gian rảnh rỗi nhiều nên thường rủ nhau tắm sông, tắm hồ... Bên cạnh đó, ở những vùng nông thôn, miền núi do cha mẹ thường bận rộn công việc, ít có thời gian chăm sóc, để ý đến con cái nên cũng dễ xảy ra tai nạn cho trẻ. Nguyên nhân khác xuất phát từ sự thiếu quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và địa phương đó là việc chưa chú trọng đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ. ở những nơi có nhiều ao, hồ thì chưa có biển cấm, biển báo độ sâu. Một số doanh nghiệp, đơn vị thi công công trình không chú ý rào chắn những địa điểm dễ xảy ra tai nạn thương tích. Ngoài ra, nhiều gia đình chiều con, cho các cháu sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có kỹ năng điều khiển và hiểu biết về an toàn giao thông dẫn đến tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Và sâu xa hơn là do nhà trường, tổ chức Đoàn, Đội, các ngành chức năng chưa coi trọng công tác tuyên tuyền, giáo dục, hướng dẫn các em biện pháp, kỹ năng phòng tránh các tai nạn, thương tích xảy ra.
Làm gì để phòng tránh
Trước thực trạng trên, vấn đề phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ đã không còn là chuyện của riêng mỗi cá nhân, gia đình, mà rất cần sự quan tâm chung của toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh ta, hàng năm, Phòng Bảo vệ chăm sócsức khỏe trẻ em thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cũng như các huyện, thị đều kết hợp với Đoàn thanh niên tại địa phương tuyên tuyền tới tận người dân các nguy cơ và phương pháp phòng tránh những tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ. Bên cạnh đó, công tác này còn được lồng ghép vào các buổi họp tổ, xóm, hoặc qua các tờ rơi... Ngoài ra, để phòng chống đuối nước, các bậc phụ huynh cần nghiêm cấm trẻ bơi sông, hồ khi không có người lớn đi kèm; luôn cẩn thận đậy nắp bể, giếng, làm rào xung quanh ao... Để đề phòng tai nạn giao thông, trước tiên, cha mẹ cần chấp hành đúng Luật giao thông để làm gương cho trẻ. Bên cạnh đó, phòng, chống bỏng ở trẻ cũng là một nhiệm vụ cấp thiết.
Kỳ nghỉ hè của học sinh đã bắt đầu và thời gian nghỉ còn dài, học sinh các cấp đã được nhà trường bàn giao về các địa phương để quản lý, sinh hoạt. Có thể nói, đây là khoảng thời gian khó quản lý các em nhất, vì vậy bên cạnh trách nhiệm của gia đình, bậc phụ huynh, các tổ chức Đoàn, Đội ở địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thu hút các em đến với các sinh hoạt lành mạnh, bổ ích an toàn. Nếu làm tốt công tác này chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các vụ tai nạn, thương tích đối với trẻ em. Mặt khác, còn giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, các trò chơi nguy hiểm, độc hại và các em thật sự có một mùa hè trọn vẹn.
Ý kiến bạn đọc