Từ Suối Thầu “xuống” Súng Sảng

16:58, 25/05/2009

HGĐT- Trong căn nhà mới trình tường (tại thôn mới Súng Sảng, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần), điện bật sáng, trẻ con, người già ngồi xem ti-vi, pha lẫn tiếng cười nói hỉ hả. Khuôn mặt của lão Vàng Seo Chỉ giãn ra những nếp hằn của thời gian.


Lão Chỉ cười. Nhìn lão cười tôi cũng thấy lão sướng, bởi trong mắt lão, chút lo toan ngày thường tan biến. Hả hê, lão chỉ bảo: Đã 74 mùa trồng ngô đi qua, cái lưng đã còng xuống, đầu gối đã mỏi bởi leo núi, làm rẫy kiếm sống nuôi con, chăm cháu. Chỉ tay về dãy núi cao vút lão Chỉ bảo: Mình sinh ra ở Suối Thầu, lớn lên cũng ở Suối Thầu. Mang tiếng là Suối Thầu, nhưng lại khô khát. Cả thôn ở gần đỉnh núi cao trên 1.300 mét so với mặt nước biển, khí hậu như loãng toẹt. Mấy chục gia đình người Mông nơi ấy chỉ lo làm nương, kiếm nước quanh năm. ở đỉnh cao, không có đường xe, con ngựa thồ đã quen lối mòn, con người lăn lộn mãi chẳng đủ ăn, trẻ em đến trường học chữ vất vả mưa nắng, cuộc đời cứ tù mù như ngọn đèn dầu leo lét qua đêm... Bây giờ xuống Súng Sảng, ngẫm lại cuộc đời trên núi cao mà ngỡ được “lên tiên”. Lão Chỉ cười lớn, làm cái đầu bạc rung lên, đám trẻ thấy vậy cũng cười theo ngặt nghẽo, không khí trong ngôi nhà mới thôn Súng Sảng như ấm bừng lên.


Bí thư Chi bộ thôn mới Súng Sảng, Sùng Lù Chấu cho hay: Thôn mới của anh đã có 61 hộ hạ sơn từ Suối Thầu xuống. Cả thôn mới có gần 300 khẩu, 100% là đồng bào Mông. Cả 61 hộ nay có nhà trường tường, mái lợp Phi-brô-xi-măng, có điện và đang tập trung làm hệ thống cấp nước sinh hoạt. Dự tính khi nước về, làng sẽ tập trung khai hoang làm ruộng trồng ngô và chăn nuôi. Sùng Lù Chấu cho biết: Có được 61 hộ xuống núi là cả một quá trình đấu tranh với chính mỗi người dân và mỗi cán bộ, đảng viên trong thôn, trong xã. Sự đấu tranh là sự “đấu trí” với cái cũ, là tư tưởng bảo thủ, sợ khó, sợ khổ và lối sống thỏa mãn với hiện tại, không muốn vươn lên. Anh Vàng Seo Vảng, 42 tuổi cho biết: Trước kia mình không muốn rời khỏi nơi ở cũ vì sợ khổ. Còn chỗ ở cũ là Suối Thầu thì khó nước, không điện, chẳng có đường. Cuộc đời thì lầm lũi trồng ngô, tỉa đậu, nhưng... cũng tạm qua ngày. Đời này thế, đời sau vẫn sống đơn giản có vậy... Vì thế mà sợ đến nơi ở mới cũng vẫn như vậy. Sau dòng tâm sự, nét mặt Vảng dần bừng lên, anh tỏ ra mạnh dạn: Giờ đây xuống thôn mới Súng Sảng thấy cuộc đời đã khác xưa ở Suối thầu... nhiều lắm. Khoe với tôi: Nhà mình, cùng cả làng Súng Sảng đều có điện sáng thay ngọn đèn dầu tù mù, trẻ được đi học, đường lớn vào thôn dùng xe máy chở con gà, chở ngô, đậu, đi chợ thay gùi lưng con ngựa, nhà nhà đều vui lắm. Anh Lù Văn Xuân, 34 tuổi được xem là người năng động nhất Súng Sảng cho biết thêm: Xuống xóm mới mới thấy cái đầu mình sáng ra, tiện đường, có điện, gần chợ trung tâm, đất đai rộng, màu mỡ, trường học gần nhà... và mọi thứ “đều gần” hơn với cuộc sống, khác xa ở Suối Thầu. Khoe với tôi; nhà có 3 con đi học hết, 2 vợ chồng vừa làm ruộng, làm nương, nuôi 2 con bò, 18 con lợn; ngan, gà chưa kể đến làm gì. Dự định sẽ mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn hơn để... làm giàu và nuôi 3 con ăn học thành người.


Trở lại câu chuyện cũ ở Suối Thầu, ông Vàng Seo Chỉ rãi bày: Cuộc sống cũ đã làm cho mọi người không nhận ra cái mới nên níu kéo ở nơi đầy gian khó và nguy hiểm, lở đất dầm dịch trong mỗi mùa mưa. Sự khó, kèm túng bấn càng làm cho cái đầu không chịu thay đổi mà bỏ trôi theo số phận. Nói đến số phận, thường thì người ra chỉ nhắc đến mỗi khi hoạn nạn, hay lúc gặp may, mà không chịu suy tính làm thay đổi. Âu cũng là chuyện đời sống dân gian xưa nay vậy. Giờ xuống núi về xóm mới Súng Sảng không ít hộ gia đình đã ngẫm ra một điều, mà điều họ ngẫm “chính vì” cuộc đời họ đã không chịu, hoặc không dám làm để nó đổi thay như hôm nay họ thấy. Ông Vàng Văn Chiên, Chủ tịch ủy ban MTTQ thị trấn Cốc Pài, nhận xét: Để làm thay đổi một nếp sống, một cách nghĩ, một tư tưởng làm ăn mới cho đồng bào được ví như “cuộc cách mạng” mới của tất cả chúng ta. ở đó: Mặt trận, các tổ chức hội, đoàn thể, cùng cán bộ, đảng viên đều phải dốc lòng vào cuộc mới vận động đồng bào thay đổi tư duy. Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Dương Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hà Xuân Bình cũng đã lội ngược đồi, leo dốc lên Suối Thầu không biết kể lần để cùng các cấp, ngành, đoàn thể, vận động đồng bào Suối Thầu “Ly hương, không ly nông” xuống núi xây dựng làng mới, khai phá đất mới làm ăn mới. Giờ thì 61 hộ đã xuống Súng Sảng, việc xây dựng đời sống mới ở làng mới còn bộn bề khó khăn. Trao đổi với các anh, được biết: Vừa vận động sức dân, sự giúp đỡ của tất cả cán bộ, đảng viên, các lực lượng trong huyện, cộng sự đầu tư của Nhà nước đã giúp mỗi hộ hạ sơn làm nhà, kéo điện, xây dựng làng mới Súng Sảng. Tronghộ hạ sơn đều là đồng bào Mông sống ở Suối Thầu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa. Lấy bài học di dời từ Đán Kháo tháng 8.2008 về làm ở Súng Sảng. Trong sức mạnh tổng lực nêu trên có sự hỗ trợ tích cực của Dự án 193Cp, Dự án DPPR, Dự án 135 Cp giai đoạn 2. Hiện nay, công trình cấp nước sinh hoạt, nước để khai hoang về Súng Sảng đang gấp rút triển khai. Để đồng bào Súng Sảng sớm ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất, rất cần đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước về làng mới. Ngay trước mắt, huyện Xín Mần chỉ “chi viện” phần nhỏ để đảm bảo đời sống hiện tại về nước sinh hoạt cho gần 300 con người ở Súng Sảng. Rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, các tổ chức KT-XH khác.


Rời Súng Sảng - làng mới hạ sơn, tôi mang theo lời tâm sự của anh Lù Văn Xuân: “... nhà nuôi 2 con bò, 18 con lợn, ngan gà chưa kể làm gì. Còn “có nước” về mình sẽ khai hoang làm ruộng, mở rộng chăn nuôi để... làm giàu, nuôi 3 con ăn học thành người. Từ Suối Thầu về đến Súng Sảng là cả sự thay đổi lớn của đồng bào Mông mình, có nước về, cuộc sống sẽ đổi thay nhiều hơn nữa...”.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Ngồi nhầm chỗ”, tính sao đây?
“Số phận đẩy đưa” đã khiến không ít sinh viên đang phải theo học những chuyên ngành không phù hợp với mình. Nỗi lo về tương lai mỗi ngày qua lại lớn dần khiến không ít bạn mất ăn mất ngủ.
25/05/2009
Mở đường bằng sức mạnh tổng hợp
HGĐT - Mở một con đường dài gần 13 km để rút ngắn đoạn vòng vo dài 26 km đi qua 4 thôn bản, đồng bào đã góp 12,4 ha đất. Công sức của cán bộ, nhân dân, các tầng lớp xã hội đóng góp trên 898 triệu đồng để cùng doanh nghiệp mở đường vào xã, ra biên giới... Tất cả công sức, tiền của làm đường Xóm Mới - Chí Cà - Bản Phố được làm thành từ một chữ “Đồng”, đó là: Đồng lòng, đồng
22/05/2009
Đến với mọi địa chỉ
HGĐT - Đó là công văn, bưu phẩm, bưu kiện, sách, báo chí…được chuyển đi, chuyển đến mọi địa chỉ trong tỉnh mà Bưu điện Hà Giang đảm bảo vận chuyển an toàn, đúng thời gian quy định. Đặc biệt, thư tín, báo chí đến với những xã vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh luôn được phục vụ kịp thời, đáp ứng nhu cầu về thông tin, văn hóa, phục vụ đắc lực cho sự phát triển xã hội. Để hoàn
22/05/2009
Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa
HGĐT - Sáng 20.5, Ban CHQS huyện Quang Bình tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho ông: Hoàng Tiến Vin, đối tượng chính sách nhiễm chất độc hóa học Da cam/Dioxin tại xã Yên Thành. Dự lễ khởi công có các đồng chí lãnh đạo Ban CHQS huyện, các ban, ngành của huyện và các hội, đoàn thể của xã Yên Thành.
22/05/2009