“Ngồi nhầm chỗ”, tính sao đây?
“Số phận đẩy đưa” đã khiến không ít sinh viên đang phải theo học những chuyên ngành không phù hợp với mình. Nỗi lo về tương lai mỗi ngày qua lại lớn dần khiến không ít bạn mất ăn mất ngủ.
Sinh viên trắc nghiệm làm việc nhóm trong một ngày hội nghề nghiệp - Ảnh: V.T.B. |
Từ nhỏ Quốc Minh (quê Bình Thuận) đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo. Thi lần đầu đậu ngay vào trường sư phạm, Minh háo hức khăn gói vào TP.HCM. Nhưng thật bất ngờ, càng học Minh càng thấy chán với công việc thực hành soạn giáo án, thực tập đứng lớp... Minh liên tục bỏ tiết. Minh thú thật: “Tôi rất sợ phải nói dối mỗi khi ba mẹ gọi điện hỏi thăm việc học, nhưng nếu bỏ dở lại phụ công sức của cha mẹ già”.
Khác với Minh, Thu Hà (quê Đắc Lắc) thích viết báo nhưng vì thiếu 0,5 điểm nên đành phải theo ngành xã hội học nhưng mù tịt về công việc tương lai. Có lẽ do học trái ngành yêu thích nên điểm số bình quân của Hà gần như “đội sổ”. Còn Đình Khôi (quê An Giang) thuộc diện tuyển thẳng vào đại học. Mê ngành kỹ thuật, nhưng vì ba mẹ, bạn bè và cả thầy cô khuyên học kinh tế “ngon ăn” hơn thế là Khôi ngả theo. Khôi vừa cho biết: “Nhà trường mới thông báo cho gia đình chuyện học hành sa sút khiến tôi không dám về quê”.
“Chòi đạp” đủ kiểu
Lỡ chọn sai ngành nhưng Hà đã không “học cho có”, hơn thế cô còn tự tìm hiểu về những công việc mà mình có thể làm sau khi tốt nghiệp. Càng học càng tìm hiểu, Hà càng thấy ngành học “lỡ chọn” lại... phù hợp với mình. Tốt nghiệp loại giỏi, Hà được tuyển dụng vào làm cho một tổ chức phát triển cộng đồng. Thú vị hơn, bằng những trải nghiệm thực tế, Hà liên tục viết bài gửi đăng báo. Hà nói: “Trong cái rủi cũng có cái may, vì nhờ đó mà tôi có cơ hội khai phá tiềm năng thật sự của mình”.
Trước đó, sau một năm “ngồi nhầm chỗ” với ngành sư phạm, Mỹ Loan (quê Tây Ninh) đã nghĩ đến chuyện luyện thi lần nữa. Tìm đến nhà cô giáo cũ, sau một buổi trò chuyện Loan nhớ mãi lời cô dặn: “Hãy biết quý trọng những gì mình đang có. Hãy tự yêu lấy những gì đang nằm trong tay của mình”. Loan quyết định tiếp tục học ngành sư phạm và bây giờ đã trở thành giảng viên của một trường cao đẳng.
Còn Đình Khôi đã quyết định chia tay ngành kinh tế để thi vào kỹ thuật. Khôi bộc bạch: “Họp mặt lớp cũ, rất xấu hổ khi thấy bạn bè ngày xưa đã có việc làm, còn mình vẫn là SV “già” trên ghế giảng đường”. Nhưng vượt qua tất cả, Khôi vẫn miệt mài theo đuổi ngành học mơ ước. Công việc ổn định, hiện Khôi đang học thêm văn bằng hai cử nhân tiếng Anh để bổ trợ cho nghề nghiệp của mình: “Cuộc đời chỉ có một lần, hãy dũng cảm thay đổi nếu sai đường” - Khôi tự rút ra kết luận, ít nhất với bản thân mình.
“Chọn nghề trước, chọn ngành học sau”
Tiến sĩ Đinh Phương Duy chia sẻ như thế. Ông cho biết: “Trước khi chọn ngành học bạn hãy chọn nghề, vì học là để hành nghề. Cần hình dung rõ những công việc chủ yếu của nghề. Nhiều bạn đã “ngồi nhầm chỗ” khi chọn nghề không phù hợp, hoặc chọn nghề phù hợp nhưng chọn ngành không chính xác. Khi chọn lựa, bạn nên tự trả lời những câu hỏi: mình có thích ngành, nghề đó không, khả năng và các đặc điểm tâm lý - xã hội của bản thân có giúp mình làm tốt “nó” không, nhu cầu xã`hội và triển vọng của ngành, nghề đó...
Để tự tin hơn trong sự lựa chọn ngành nghề, nên tìm hiểu kỹ về mục tiêu đào tạo của trường, những học phần mình sẽ được học, các hình thức học tập, cũng cần tham khảo ý kiến “đàn anh, đàn chị” để có thêm thông tin hữu ích. Tuy nhiên, ý kiến quyết định phải là của bạn, các thông tin khác chỉ mang tính tham khảo (nếu trái ý bố mẹ thì cần có thời gian và phương pháp tác động thích hợp để được chia sẻ). Một khi chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bạn sẽ tự tin hơn, quyết tâm hơn”.
* Nhưng thực tế không ít bạn trẻ đã “ngồi nhầm chỗ,” những bạn trẻ ấy nên làm gì, thưa TS?
- “Ngồi nhầm chỗ”, có người đã vượt qua được khó khăn, cố gắng “khắc phục hậu quả”, thích ứng với ngành “lỡ chọn” và cuối cùng thành công. Số khác hoang mang, mất phương hướng, thậm chí chưa “hoàn hồn” sau khi ra trường. Một số khác lơ lửng sau vài năm “học thử”.
Nếu thấy không thể “đi” tiếp thì nên chấm dứt sớm để chuyển sang hướng phù hợp hơn với mình, để đỡ mất thời gian “đánh vật” với điều mình không thích hoặc không ...kham nổi. Trong quá trình học, dù chưa thích nhưng đang cảm thấy “cũng được” thì đừng vội quay lưng. Đôi khi việc lỡ chọn như vậy lại là một cơ duyên với cuộc đời đấy; vì càng học khả năng tiềm ẩn của mình sẽ bộc lộ và... khoái ngành đó lúc nào không biết.
Đừng cho việc tạm ngưng học ngành nào đó là sự thất bại mà chỉ là một bước thử bản lĩnh của mình. Có tấm bằng đại học mà không phát huy được điều đã học (vì học trong tâm trạng không thích hoặc không kham nổi thì kết quả sẽ rất hạn chế; mặt khác tâm huyết với nghề sẽ không sâu sắc...) thì tấm bằng ấy cũng chẳng giúp được gì cho bản thân, gia đình và xã hội ngoài... ghi vào lý lịch cá nhân.
Hãy mạnh dạn test lại mình về năng lực, sở thích và các điều kiện khác để “ngộ” một lần nữa, hẳn bạn sẽ thấy vui và thanh thản với quyết định của mình.
Ý kiến bạn đọc