Giảm nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn cần sự vào cuộc của toàn xã hội

08:48, 30/05/2009

HGĐT- 35 xã đặc biệt khó khăn ở 6 huyện nghèo của tỉnh đang được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đề án 30a được các huyện xây dựng với nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế sẽ giúp những xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo trong thời gian nhanh nhất. Nhưng để Đề án 30a phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội.


 

 
 Người dân xã Vần Chải (Đồng Văn) mở đường giao thông nông thôn xuống thôn Tủng A, B.

Tín hiệu tích cực

Đầu tháng 5, hàng trăm đoàn viên, cán bộ, giáo viên và nhân dân xã Vần Chải (Đồng Văn) đã tham gia đóng góp công sức mở đường giao thông nông thôn đến thôn Tả Lủng A,B. Trong một ngày, quãng đường dài 1,3 km dẫn xuống thôn Tả Lủng A,B vốn rất khó đi đã được thay bằng đường rộng 2,5m. Ngày lao động Cộng sản mở đường ở Vần Chải là một trong những việc làm rất ý nghĩa, thiết thực trong chương trình xoá nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện Đồng Văn. Sáng kiến mở đường do Sở LĐ-TBXH, cơ quan phụ trách xã Vần Chải khởi thảo và được các doanh nghiệp đỡ đầu gồm Chi nhánh Viettel Hà Giang, Công ty TNHH Kiên Cường, Sơn Cường đóng góp kinh phí. Sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đã thể hiện sự chung tay, góp sức xoá nghèo, từng bước mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.


Vần Chải là xã khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Đồng Văn 40 km. Toàn xã có 678 hộ, trên 3,2 nghìn khẩu, nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, điều kiện canh tác rất khó khăn nên dù đã cố gắng nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 64%. Cái khó nhất của xã là hệ thống giao thông chưa phát triển, xe cộ chỉ đi được trong mùa khô nên hoạt động giao thương rất hạn chế, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Việc mở đường giao thông nông thôn, không đơn thuần giải quyết vấn đề đi lại, nó còn mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi hàng hoá của người dân các thôn, bản trong xã và vùng lân cận. Ngày lao động Cộng sản mở đường giao thông đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong xã. Từ sáng sớm, người dân ở các bản đã rời nhà, mang theo cuốc, xẻng, lương khô tiến về điểm tập kết. Đoạn đường 1,3 km được chia làm 13 tổ, mỗi tổ phụ trách 100 m, tổ nào xong trước thì đến hỗ trợ tổ chưa hoàn thành. Chỉ trong thời gian ngắn, một con đường rộng, phẳng chạy qua những nương ngô, ven theo triền núi, đẹp như dải lụa đã được hình thành. Ngừng tay bê tảng đá to, lau những giọt mồ hôi bám đầy trên khuôn mặtcác anh Ly Sính Hà, Lù Chúng Sinh thôn Sủng Chúa B nói: Từ Sủng Chúa B đến thôn Tả Lủng A,B khoảng 10 km, mất 2 giờ đi bộ. Tham gia mở đường, chúng tôi phải rời nhà từ lúc sương còn vương đầy trên đỉnh núi. Công việc tuy vất vả nhưng rất vui, công sức mình bỏ ra đã đem lại hiệu quả. Từ đây, người anh em ở Tả Lủng đến Sủng Chúa thăm nhau, chỉ cần ngồi lên xe, phóng vù cái là tới, không mất nhiều giờ đi bộ nữa. Không chỉ vậy, nông sản người dân Sủng Chúa làm ra có thể trao đổi với người dân Tả Lủng. Như vậy, sẽ kích thích được sản xuất hàng hoá phát triển, đời sống dân mình sẽ dần khấm khá lên.


Cùng với Vần Chải, các xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn cũng đang triển khai xã hội hoá công tác xoá nghèo bền vững. Lũng Cú là một trong 35 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách ưu tiên đầu tư của Chính phủ. Nhằm giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, các doanh nghiệp đỡ đầu Lũng Cú đã đóng góp hàng trăm triệu đồng giúp người dân xoá nhà tạm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn hỗ trợ đào tạo việc làm tại chỗ cho người lao động thông qua việc tiếp nhận người địa phương vào làm việc tại các công trình do doanh nghiệp thi công trên địa bàn. Bằng cách này, sẽ từng bước trang bị tay nghề cho người lao động và khi đó, họ sẽ chủ động kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.


Còn nhiều việc phảI làm

Tỉnh ta có 35 xã của 6 huyện thuộc diện nghèo nhất nước được thụ hưởng đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nếu xét về số lượng, tỉnh ta đứng thứ 2 cả nước về số huyện nghèo, nhưng chia theo tỷ lệ thì đứng đầu cả nước. Đề án 30a do các huyện xây dựng với nhiều hạng mục quan trọng, cần thiết phải đầu tư và nhu cầu vốn lên tới 3,5-4 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, cùng với chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a, nhiều chính sách kích cầu kinh tế như hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, hỗ trợ mua tư liệu sản xuất…cũng được triển khai. Tuy nhiên, đối với tỉnh ta, điều kiện sản xuất hết sức khó khăn, không chỉ đầu tư một con đường, một ngôi nhà là có thể xoá đói, giảm nghèo. Muốn xoá nghèo bền vững, một yếu tố rất quan trọng đó là trang bị kiến thức cho người dân để họ chủ động trong cuộc sống. Khi có kiến thức, họ sẽ biết cải tạo môi trường, hoàn cảnh sống, tự vươn lên thoát nghèo. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tiến Sơ, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Sơn - doanh nghiệp đỡ đầu xã Lũng Cú cho biết: Nghị quyết 30a là chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước. Đây thực sự là cơ hội đổi đời cho người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững thành hiện thực, phát huy hiệu quả, không chỉ trông đợi vào sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, ngay chính bản thân mỗi người dân ở những xã nghèo phải biết tranh thủ cơ hội để xoá nghèo.


Trong lộ trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững ở những xã đặc biệt khó khăn còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với các ngành liên quan thẩm định Đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của các huyện và xây dựng Dự thảo Quyết định phê duyệt đề án. Sở Tài chính, KH-ĐT sẽ căn cứ nguồn vốn T.Ư cấp, ứng vốn kịp thời, đầy đủ cho các huyện… Bên cạnh đó, các huyện nghèo sẽ triển khai ngay việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha/năm cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới… Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 30a mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Duy Quyền chỉ đạo: Các huyện cần tập trung mọi nguồn lực triển khai xoá nhà tạm cho các hộ nghèo. Sở LĐ-TBXH tham mưu xây dựng Đề án xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho các huyện…


Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững tại những xã đặc biệt khó khăn, ngoài sự tích cực triển khai nội dung Đề án 30a của các cơ quan Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở những xã nghèo, đối tượng được thụ hưởng chính sách đầu tư giảm nghèo của Nhà nước. Có như vậy mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh mới phát huy hiệu quả.


Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ tôn lợp, cỏ giống cho người dân xã Tả Phìn
HGĐT- Vừa qua, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phụ trách, đỡ đầu xã Tả Phìn (Đồng Văn) - xã do Văn phòng Tỉnh ủy đỡ đầu-các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quyết định hỗ trợ tôn lợp để xoá nhà tạm cho 21 hộ (bình quân 4 triệu đồng/hộ, tương ứng số tiền khoảng 84 triệu đồng).
30/05/2009
Chiến dịch TN tình nguyện hè 2009: Tập trung cho các huyện, xã nghèo
Hội nghị giao ban trực tuyến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2009 do Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng chủ trì đã diễn ra hôm qua 28.5.
29/05/2009
Bắc Mê khắc phục nhanh sạt lở các tuyến đường giao thông trên địa bàn
HGĐT- Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng mưa lớn, cục bộ tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh nên đã gây ra hiện tượng sạt lở trên các tuyến đường giao thông từ tỉnh đến huyện, từ xã xuống thôn...
27/05/2009
Từ Suối Thầu “xuống” Súng Sảng
HGĐT- Trong căn nhà mới trình tường (tại thôn mới Súng Sảng, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần), điện bật sáng, trẻ con, người già ngồi xem ti-vi, pha lẫn tiếng cười nói hỉ hả. Khuôn mặt của lão Vàng Seo Chỉ giãn ra những nếp hằn của thời gian.
25/05/2009