Sức sống mới ở Cao Mã Pờ

17:09, 29/04/2009

HGĐT- Thiên nhiên khắc nghiệt, nhận thức của người dân chưa cao, trình độ, năng lực của một số cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế… đó là những vấn đề mà bao lâu nay những thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ) luôn trăn trở.


 
 Những diện tích đất dốc, bạc mầu được huyện Quản Bạ quy hoạch, chuyển sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Ảnh: Minh Khai

Làm sao để người dân thoát nghèo, tiến tới no đủ và làm giàu?; làm sao để Cao Mã Pờ vươn lên, góp phần nhiều hơn vào công cuộc đổi mới, phát triển của huyện nhà?... Điều đó thật khó nhưng không phải không làm được, nó đang thể hiện ở quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân dân các dân tộc trong xã.


Mất gần 2 giờ đồng hồ trên đường, tôi cũng đến được trung tâm xã Cao Mã Pờ. ấn tượng đầu tiên khi đến trung tâm xã là những cửa hàng tạp hoá, thu mua nông sản, quán sửa xe máy san sát hai bên đường. Ngồi trong phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Tẩn Dâu Cò, uống cốc nước chè xanh vị chè thơm, đượm xua đi cơn khát, mệt của quãng đường dài, tôi hỏi về tình hình phát triển KT - XH của địa phương, anh Cò trả lời lưu loát, không cần mở sổ đã thực sự gây cho tôi ấn tượng. Cao Mã Pờ có 8 thôn với 407 hộ, 2.025 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc Dao, Hán, Mông cùng sinh sống, trong đó có gần 50% dân số nằm trong diện nghèo, hộ giàu trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ vậy thôi là vui nắm rồi, đã có sự đổi mới rồi. Được biết từ năm 2005, Cao Mã Pờ xác định muốn xoá được nghèo, trước hết phải chuyển đổi tư duy, nhận thức của người dân. Sản xuất ngô, lúa có được mùa thì mới chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu. Muốn làm giàu phải chuyển sang cây hàng hoá, có giá trị kinh tế cao, đưa chăn nuôi phát triển theo nền kinh tế thị trường. ở Cao Mã Pờ, bình quân mỗi gia đình có từ 1,5 - 3 ha đất canh tác nhưng nhà nào cũng trồng mỗi thứ một ít, manh mún, dàn trải nên sản phẩm làm ra chỉ để tiêu thụ trong dân, chưa kích thích sản xuất hàng hoá phát triển. Cao Mã Pờ có độ cao trung bình khoảng trên 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu mát, nguồn nước ổn định, diện tích rừng nguyên sinh còn nhiều…rất phù hợp với việc phát triển cây thảo quả, cây dược liệu, ngô. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế và thực trạng sản xuất, chính quyền xã Cao Mã Pờ đã vận động người dân trồng thảo quả dưới tán rừng, trồng ngô, cây dược liệu và chăn nuôi trâu, bò, dê hàng hoá. Hướng sản xuất này mới thực hiện được mấy năm nhưng đã và đang mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn.


Tiếp tục ngược dốc theo con đường độc đạo, gồ ghề đá núi, tôi đến khu vực trung tâm mới của xã, các công trình như trụ sở UBND xã, Trạmy tế và nhà công vụ được Nhà nước đầu tư xây dựng tập trung, kiên cố. Xuống đến các thôn bản, những nếp nhà đã khang trang hơn. Nhiều gia đình đã mua được xe máy, ti vi mầu…Nói về những sự thay đổi trên mảnh đất này, Chủ tịch UBND xã Tẩn Dâu Cò khẳng định: Nguyên nhân cơ bản do nhận thức của người dân Cao Mã Pờ đã có nhiều chuyển biến. Trước đây, để đưa giống cây mới vào trồng phải đi vận động mãi người dân mới làm, nhưng nay, nhân dân đã tự giác thực hiện, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, người dân Cao Mã Pờ đã trồng được 456,9 ha thảo quả, trong đó có 155 ha đang bắt đầu cho thu hoạch; diện tích ngô của xã hiện có 408 ha, mỗi năm bán ra thị trường hàng tấn ngô hạt; đàn trâu, bò của xã hiện có 672 con; đàn lợn 1.336 con, đàn gia cầm đạt3.002 con…Tính bình quân, mỗi hộ ở Cao Mã Pờ đang sở hữu trên 1,5 ha thảo quả, và 2 - 3 con trâu, bò. Thảo quả, chè, trâu, bò là những sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường, đầu ra lớn, giá cả ổn định, nếu tập trung đầu tư theo hướng này thì con đường thoát nghèo của xã chỉ còn là vấn đề thời gian. Nghe Chủ tịch UBND xã khẳng định như vậy, tôi nhẩm tính với diện tích thảo quả, chè, trâu, bò các gia đình đang có thì con số gần 50% hộ nghèo của xã sẽ tiếp tục được giảm xuống, số hộ giàu trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên. Khoảng 2 - 3 năm tới, khi đồng loạt mấy trăm ha cây thảo quả cho thu hoạch, diện tích chè, ngô, thảo quả tiếp tục được mở rộng và đàn trâu, bò của xã không ngừng sinh sôi, nẩy nở…sản phẩm nông nghiệp được trao đổi theo hướng hàng hoá, mảnh đất Cao Mã Pờ sẽ xuất hiện những nông dân giỏi thời kỳ đổi mới. Bên cạnh việc phát triển cây con thế mạnh địa phương, người dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới có năng suất cao vào gieo trồng. Mục tiêu của chính quyền xã đặt ra là trồng lúa, ngô để giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, phát triển cây thảo quả, cây dược liệu, chăn nuôi trâu, bò hàng hoá để từng bước làm giàu. Trung tâm xã Cao Mã Pờ lúc về trưa trở nên nhộn nhịp hơn khi người dân từ các bản đi làm nương về trên lưng gùi những tải quả chè, thảo quả, bán cho đầu mối thu mua sản phẩm. Mỗi kg quả chè có giá từ 1.000 - 1.200 đồng, thảo quả có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi ngày các điểm thu mua gom được vài tạ quả, như vậy cũng tạo thêm được nguồn thu nhập cho người dân.


Rời Cao Mã Pờ trong tôi bừng lên niềm vui, bởi những gì mà chính quyền, người dân nơi đây đang tạo dựng, hy vọng về một sự thay đổi, chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế ở đây. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi Cao Mã Pờ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ lớn của Đảng, Nhà nước thông qua chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự lãnh, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc định hướng, giúp người dân phát triển kinh tế. Khi con đường lên Cao Mã Pờ được rải nhựa thì Cao Mã Pờ sẽ trở thành một vùng kinh tế năng động nơi biên giới, và khát vọng xua đi những vất vả, nghèo đói, xây dựng mảnh đất biên giới Cao Mã Pờ ấm no, giàu mạnh sẽ trở thành hiện thực.


Hoàng Ngọc

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tỉnh đoàn Hà Giang: Trao quà cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn
HGĐT- Thực hiện kế hoạch số 99KH/TƯĐTN của T.Ư Đoàn về việc “Tổ chức Hội trại tự hào Điện Biên Phủ - Tự hào thanh niên Việt Nam, chào mừng kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sáng 29.4, Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức đoàn Đại biểu tham dự Hội trại tại thành phố Điện Biên gồm 10 đại biểu thanh niên tiên tiến trên các lĩnh vực Đoàn - Hội - Đội.
29/04/2009
Thăm bản hạ sơn Khau Vạc
HGĐT- Bản mới hạ sơn Khau Vạc, xã Du Tiến (Yên Minh) nằm cách trung tâm xã 4 km trên một đỉnh đồi đất thấp. Mặc dù vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng những hộ mới chuyển về vùng đất mới này đều yên tâm sinh sống, bởi về đây họ không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi trời đổ mưa cũng như sẽ được đón nhận sự đầu tư của Nhà nước cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai không xa.
29/04/2009
Giải quyết việc làm cho ĐVTN ở huyện Đồng Văn
HGĐT- Đồng Văn vốn được xem là một huyện khó khăn nhất nhì của tỉnh ta hiện nay. Việc giải quyết việc làm nói chung cho người lao động và lực lượng lao động trẻ địa phương nói riêng chính là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế, XĐGN hiệu quả.
29/04/2009
Muôn nỗi đời thường - Người đi bốn dép
Ghi chép của Nguyễn Trần BéHGĐT - Khi đi thăm gian trưng bày các sản phẩm hàng hoá của xã Tân Trịnh tại Hội chợ Thương mại - du lịch huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) lần thứ nhất (diễn ra hồi cuối tháng 12 năm 2008), tôi rất thích thú với những chiếc điếu cày làm bằng nứa, được trạm trổ rất công phu và đẹp mắt hình dáng những con rồng uốn lượn, điểm thêm những bông hoa xung
27/04/2009