Muôn nỗi đời thường - Người đi bốn dép

20:14, 27/04/2009

                                                                Ghi chép của Nguyễn Trần  Bé
HGĐT - Khi đi thăm gian trưng bày các sản phẩm hàng hoá của xã Tân Trịnh tại Hội chợ Thương mại - du lịch huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) lần thứ nhất (diễn ra hồi cuối tháng 12 năm 2008), tôi rất thích thú với những chiếc điếu cày làm bằng nứa, được trạm trổ rất công phu và đẹp mắt hình dáng những con rồng uốn lượn, điểm thêm những bông hoa xung quanh trông thật sinh động. Khi tôi cầm xem, người phụ trách gian hàng có tên là Hoan, giới thiệu với tôi:


- Đây là những chiếc điếu của một người tàn tật làm đấy anh ạ.

- Thế à? Người ấy tên là gì, ở đâu hả cô?

- Anhấy là Hoàng Văn Đó, người làng Vén quê em.

Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi hỏi cô Hoan đường đi lối lại để tìm về nhà anh Đó.

 

Tôi về thôn Vén, xã Tân Trịnh trong một chiều gió lạnh, mưa phùn. Gửi xe máy ở một nhà dân cạnh Quốc lộ 279, tôi xắn quần móng lợn lội nhào xuống phía đầu cầu xi măng, rồi nghiêng nghiêng đi về hướng ngôi nhà gỗ lợp Phi Brô xi măng xiêu vẹo của anh Đó. Hiện nay vợ chồng chị Hoàng Thị Vấn (chị gái của anh Đó) đang ở cùng.

 

Anh Đó nằm trên giường, co ro trong chiếc chăn chiên cũ mỏng, trôngnhư một cậu nhóc. Thấy có khách lạ, anh gượng ngồi dậy, chào tôi, rồi xỏ dép nửa đi nửa bò ra phía bàn nước. Tôi đứng ngây nhìn anh Đó đi những bốn chiếc dép tổ o­ng (tay đi dép nhỏ, chân đi dép lớn) mà thấy ái ngại đến trĩu lòng! Ngoài cửa có bóng người. Anh Hoàng Đình Cấp (chồng chị Vấn) đi làm đồng về. Sau màn chào hỏi làm quen của tôi, câu chuyện được bắt đầu.


       
                      Anh Đó và cháu Khuyên... Ảnh: Trần Bé
 

… Năm 1974. Cậu học trò lớp 4 Hoàng Văn Đó - khi ấy đã 14 tuổi - bị sốt rét mà vẫn theo chúng bạn ra suối tắm. Tắm xong thấy toàn thân đau ê ẩm. Cái đau cứ nặng lên đến mức không chịu nổi! Gia đình đưa cậu đi trạm xá xã. Thầy thuốc xác định cậu bị sốt bại liệt! Từ bữa ấy cậu không đi đứng được, người cứ co rúm lại và dần dần phải đi bốn dép cho đến bây giờ! Anh Đó là con ông Tải Văn Tả, dân tộc Mông, nhưng anh lại mang họ của ông Hoàng Văn Ly - người chú nhận ông Tả là anh em kết nghĩa. Ông Tả là một người từng tham gia chống Pháp và tiễu phỉ ở Đồng Văn từ năm 1947 đến 1954, nhưng vì bị mất hết giấy tờ nên chẳng được hưởng, chế độ gì. Năm 1991 ông đã về với “tổ tiên”!

 

Anh Đó sống chung với gia đình chị Vấn. Nhà chị Vấn có tới 5 người con, nhưng ruộng nương ít, đất cằn, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất và kiến thức mới… nên cây trồng năng suất kém, thu nhập thấp, lại chẳng có nghề phụ gì thêm thắt khiến cho cảnh nhà càng thêm khó khăn. Các con anh chị hầu hết chưa học xong THCS đã phải nghỉ ở nhà vì gia đình không có điều kiện để cho các cháu học tập. Đứa học cao nhất mới đến lớp 9. Vậy mà anh Đó vẫn phải sống dựa vào họ, khiến anh chẳng thể yên lòng! Thương cảnh anh chị mình đông con, nhà nghèo mà chẳng giúp đỡ được gì, anh Đó cứ bò quanh nhà ngẫm nghĩ. Ngẫm nghĩ trong nước mắt đắng cay của thân phận một kẻ tật nguyền. Và rồi anh nghĩ ra một cách phù hợp với mình, là làm nghề thủ công. Anh sai các cháu lên rừng chặt nứa về để anh tập làm điếu cày hoa văn; nhờ anh rể vào rừng lấy gỗ để tập làm cày, bừa, làm bao dao; nhờ cháu đi xin dây cáp cũ về tập uốn lưỡi câu…

- Lúc đầu làm khó lắm. Cái gì cũng khó! Nhưng làm mãi cũng được. - Anh Đó kể vậy.

- Anh bán được nhiều tiền không? - Tôi hỏi.

- Cũng chẳng nhiều đâu. Một ngày làm được 4 điếu hoa văn, bán mười nghìn đồng một chiếc thì công cũng cao, nhưng thỉnh thoảng mới có người mua một vài chiếc. Trước đây mỗi chiếc điếu chỉ bán được vài nghìn thôi! Bao dao cũng thế. Cày bừa chủ yếu làm lấy công, thường là 50 nghìn đồng một chiếc. Gỗ và răng bừa do người đặt hàng mang đến, phải làm ba ngày mới xong một chiếc cày và bốn ngày một chiếc bừa. Tính kỹ ra tiền công chẳng đáng gì, nhưng có việc mà làm kiếm thêm chút tiền phụ giúp anh chị và các cháu vẫn còn hơn không. Bao dao nếu có nhiều người đặt làm thì cũng được, vì 10 nghìn một chiếc, ngày có thể làm được vài chiếc. Lưỡi câu mỗi ngày uốn được khoảng 20 chiếc, bán được 500 đồng một chiếc chả đáng tiền, chỉ làm cho vui.

 

Tôi ngỏ ý muốn được tận mắt xem khắc điếu hoa văn, anh Đó đồng ý và lồm cồm trải chiếu ra giữa nhà để hành nghề. Dụng cụ chỉ đơn giản là một con dao nhọn nhỏ và khá sắc. Mặc kệ tôi chụp ảnh, anh Đó cứ say sưa làm, tâm trí như dồn hết vào đoạn ống điếu bằng nứa tươi. Những con rồng hiện dần lên, uốn quanh ống điếu như đang động đậy, như thể có hồn.


       
                  Anh Đó say sưa với tác phẩm của mình... Ảnh: Trần Bé
 

Anh Cấp bảo tôi:

- Nếu có nhiều người mua điếu thì cậu ấy cũng kiếm được tiền. Số điếu làm ra gửi các quán ngoài đường bán chậm lắm, nên cậu ấy ít làm. Giá có ai đó “mua cất” nhiều nhiều rồi mang đi bán lẻ thì tốt cho cậu ấy quá!

Tôi hỏi anh Cấp:

- Anh Đó có được hưởng chế độ gì dành cho người tàn tật không?

- Cậu ấy được hưởng chế độ 202, mỗi tháng 160 nghìn đồng. Được Hội trợ giúp người tàn tật Việt Nam cho một chiếc xe lăn năm 2004, nhưng nay hỏng rồi. Tết nào cũng được cấp trên cho quà. Cái nhà chúng tôi đang ở cũng được nhà nước hỗ trợ đấy. Vậy là người lành “ăn ké” tiêu chuẩn của người khuyết tật. Năm 2002 huyện, xã cho 60 tấm lợp và 600 nghìn đồng để đổ cột xi măng cốt thép; bà con giúp thêm cây que và ngày công dựng nhà. Nhưng mới ken phên chứ chưa trát được vách!

- Sao anh chị không cố trát vách cho kín gió?

- Tại vì khó khăn quá chú ạ. Mấy năm trước vợ tôi bị khối u hậu bối phải chữa mãi mới khỏi. Bây giờ cánh tay phải bà ấy lại bị mềm ra và tê dại không làm được việc nặng! Bản thân cậu Đó hay bị đau cột sống, đau bụng kinh niên và tê buốt chân tay, phải thường xuyên chữa chạy.

 

Câu chuyện còn được kể dài dài. Nhiều đoạn nghe thật nỗi niềm...

 

Nghe chuyện về anh Đó, tôi thấy tất cả những gian khổ của mình chẳng thấm vào đâu, mặc dù nhiều khi tôi cũng được ai đó lấy ra làm “tấm gương” về tinh thần và nghị lực vượt qua những thử thách cam go của cuộc đời. Anh Đó cùng tuổi với tôi, trong khi tôi sắp lên “ông ngoại” thì anh vẫn chưa lấy vợ. Anh bảo không có ý định lấy vợ, vì không muốn làm khổ ai đó! Anh cứ lầm lũi sống trong sự gắng gượng mỗi ngày.

 

Trời ngả về chiều. Mặc dù vẫn muốn trò chuyện thêm với gia đình anh Đó, nhưng tôi đành phải chia tay. Trong lúc giùng giằng ấy, một cậu bé từ đâu lao vào nhà như mũi tên. Cậu giơ tay như thể đang bắn súng, nhằm vào tôi, miệng hô “pằng pằng”. Đoạn cậu nhìn tôi cười ngây ngô. Hoá ra cậu có vấn đề về tâm thần từ nhỏ. Tuy đã mười tuổi nhưng cậu chưa nói sõi tiếng Kinh, đi học mấy năm vẫn không biết chữ. Cậu là Lý Văn Khuyên, cháu gọi anh Đó bằng ông cậu.

Tôi bảo Khuyên đứng cạnh ông Đó để chụp ảnh. Phải mấy lần mới bấm được máy, vì cứ đứng một lát cậu lại chạy ra. Chụp ảnh xong, tôi đưa cho Khuyên và anh Đó một ít tiền. Khuyên cầm tiền chạy vù đi. Riêng anh Đó thì lắc đầu từ chối. Tôi đành phải bảo: “Đây là tiền tôi đặt anh làm điếu hoa văn”, lúc ấy anh Đó mới cầm và hẹn mấy hôm nữa quay lại lấy điếu.

 

Đã mấy tháng rồi mà hình ảnh anh Đó và cháu Khuyên thỉnh thoảng vẫn chập chờn trước mặt, khiến tôi day dứt không yên, như thể người mắc nợ. Tôi viết bài muôn nỗi đời thường về anh Đó và cháu Khuyên bằng sự cảm thông, chia sẻ và hi vọng bạn đọc động lòng trắc ẩn.


Trần Bé

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phường Hàng Bột - Hà Nội, thăm và tặng quà cho đồng bào khó khăn huyện Mèo Vạc
HGĐT- Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, đồng cảm sâu sắc với cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào Hà Giang, vừa qua, Đảng ủy, chính quyền, Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức đoàn thể của phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã tích cực quyên góp vật chất để ủng hộ cho đồng bào khó khăn ở Hà Giang.
27/04/2009
Một dự án ý nghĩa với xã Mậu Long
HGĐT- Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình, dự án, xã Mậu Long (Yên Minh) đã có bước phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Dù vậy, xã còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trên lĩnh vực phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao.
27/04/2009
Cốc Phẩy xưa - Cốc Pài nay
HGĐT- Sau 44 năm kể từ ngày thành lập, cái tên Cốc Phẩy còn ít người biết đến. Chỉ có ký ức và thời gian ghi nhận: Cốc Phẩy xưa, nay là thị trấn Cốc Pài, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của huyện phía Tây Xín Mần. Hôm nay, Cốc Pài từng ngày đổi thay, phát triển.
27/04/2009
Thị xã Hà Giang Đẩy nhanh tiến độ XDCB theo đúng lộ trình đạt đô thị loại III
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết số 04 của BTV Tỉnh ủy về xây dựng TXHG đến năm 2010 đạt tiêu chí đô thị loại III, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư lớn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị của TXHG ngày càng khang trang, hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện.
22/04/2009