Ghi ở chợ phiên Đường Thượng

07:28, 17/04/2009

HGĐT- Chắc chúng tôi sẽ không bao giờ quên được ấn tượng về phiên chợ của xã Đường Thượng (huyện Yên Minh) vào buổi sáng thứ sáu đầu tuần tháng 4.2009. Sớm hôm ấy, trời Đường Thượng mịt mù vì mưa phùn nhưng cũng không hề làm giảm đi những sắc màu sặc sỡ, nhuốm đỏ cả một vùng của những chiếc áo, váy thổ cẩm rực rỡ của những cô gái, bà mẹ Mông xuống chợ... Những phiên chợ đậm đà bản sắc văn hoá vùng cao, chưa nhuốm mầu phố thị đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng khó phai.


 
 Khu vực hàng quần áo là nơi thu hút rất đông khách hàng tại chợ phiên Đường Thượng.

Bây giờ, cả xã Đường Thượng có gần 580 hộ, gần 3.270 khẩu, có gần 50 hộ vươn lên hộ khá; tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm trên 42% nhưng người dân nơi đây dù khá hay nghèo vẫn không làm mất đi phong tục, tập quán của mình nên chợ phiên vẫn giữ được những nét độc đáo, riêng biệt...


Từ ấn tượng về sắc màu đến âm thanh…

Chợ Đường Thượng nằm liền kề với con đường chạy dọc theo chiều dài của xã đã không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần của một cái chợ như nhiều người quan niệm, chợ nơi đây còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, mua bán những vật dụng thiết yếu cho gia đình mà còn để “say”. Say ở đây không chỉ say rượu mà còn say cả cái tình người vùng cao.


Bất chấp cơn mưa phùn từ đêm hôm trước, mới tờ mờ sáng, từ khắp mọi nơi, những đoàn người nối nhau dài như vô tận trên các con đường mòn hoà lẫn trong màu rừng và sắc đen màu chàm trên áo đàn ông, màu đỏ rực rỡ của váy, áo đàn bà hướng về chợ. Thời gian dần trôi, chợ mỗi lúc một đông, từng tốp thiếu nữ dân tộc Mông đứng túm tụm từng tốp một, cười nói rôm rả cả một vùng và giúp nhau chỉnh sửa lại váy, áo sau một chuyến đi dài từ sáng sớm tinh mơ trước khi vào chợ… Đắm mình trong không gian sắc màu ấy và phải chăng cái “say”, cái ngây ngất ở đây không những chỉ về màu sắc mà còn say cả tình người nên chúng tôi luôn thấy một cảm giác có điều gì đó níu chân mọi người lại với chợ, đã làm chúng tôi liên tưởng về bài hát “Sắc hoa văn Hà Giang” của nhạc sỹ Đinh Tiến Bình có câu “…Say duyên núi rừng ngát hương mùa Xuân…”. Sau vài vòng dạo quanh chợ Đường Thượng, chúng tôi nhận thấy, chợ nơi đây cũng giống như bao chợ phiên khác của các xã vùng cao Hà Giang. Mặt hàng chính của chợ chủ yếu vẫn là hàng nông sản, sản phẩm từ rừng, dụng cụ sản xuất, đồ dùng gia đình và không thể không nhắc đến rượu, thứ mà không thể thiếu đối với các chợ vùng cao. Theo cảm nhận chủ quan của chúng tôi: Ngoài khu hàng ẩm thực ra, thì khu vực bán rượu ngô nấu theo phương pháp truyền thống của địa phương vẫn là nơi đông vui nhất. Người người chen chúc, kẻ đứng, người ngồi vây quay những can rượu thơm nức mùi ngô được đựng trong những chiếc quẩy tấu. Có một điều lạ nữa là: Người đi bán rượu chủ yếu là phụ nữ, người mua rượu chủ yếu là đàn ông và dù bạn có nếm rượu từ hàng này sang hàng khác cho đến khi say mềm cũng không hề bị trách móc… Theo lời một chị bán rượu tâm sự: “Phải cho khách nếm thử mới biết rượu có ngon hay không chứ! Kể cả có say nhưng khi chưa quyết định mua thì cũng không tính tiền đâu…”.


Chợ càng về trưa, càng đông vui, tiếng nói, cười, tiếng trao đổi, mặc cả hàng hoá bằng 2 ngôn ngữ địa phương và phổ thông; tiếng lợn eng éc, tiếng chó sủa inh ỏi, những âm thanh leng keng của sắt, thép vang lên ở khu vực bán dụng cụ lao động hoà lẫn với tiếng còi xe của các loại phương tiện giao thông, từ chiếc xe gắn máy đến những chiếc ô tô tải vào mua gia súc đã tạo nên một “bản giao hưởng” kéo dài vô tận, làm say đắm cho bất cứ ai khi đến với phiên chợ vùng cao…


Đến ấn tượng về cách bán hàng…

“Đi chợ phiên vùng cao không cần phải mang quá nhiều tiền…”. Đó là lời khuyên của anh Hạ Mí De, sinh năm 1985 nhưng đã làm Chủ tịch UBND xã Đường Thượng, một người thanh niên trẻ trung nhưng đầy nhiệt huyết… Quả đúng như lời anh De nói, đến chợ phiên vùng cao, những ấn tượng để lại trong tâm trí mọi người không chỉ về mầu sắc mà còn là cách mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân nơi đây đầy vẻ chân thật, mộc mạc, không phải mặc cả như những chợ ở miền xuôi, người bán nói giá bao nhiêu thì mua như vậy, không thêm, không bớt và gần một buổi sáng chúng tôi lang thang ở chợ cũng không hề nghe thấy tiếng cãi vã, to tiếng, tranh mua, tranh bán… Vừa đi, vừa ngắm, chúng tôi gặp một người bán 1 củ mài, chắc phải nặng trên 3kg và nảy ra ý định mua về làm quà cho mọi người ở nhà.


Bao tiền chỗ củ mài này vậy chị?

Mua hết thì 7.000 đồng.Chị bán hàng người Mông trả lời.

Vì được tư vấn từ trước nên tôi không mặc cả và đưa cho người bán hàng 20.000 đồng.

Ôi, tao không có tiền bù đâu!. Chị bán hàng rất tự nhiên trả lời. “Bí” quá tôi mới nói:

Chị cứ cầm cả đi, không phải trả lại đâu!.

Không lấy cả được, vì cái Mỷ (người chủ của túi củ mài) nó bảo chỉ bán 7.000 đồng thôi!.


Vậy ra, người bán hàng cho tôi chỉ là người trông hộ, khi chưa có quyết định của người chủ hàng nên không thay đổi giá bán được. Tiếp tục cuộc hành trình, anh De thủ thỉ tâm sự tiếp: Bà con các dân tộc vùng cao là thế đó! Không hề có sự dối trá, gian lận, hàng tốt nói tốt, hàng xấu bảo là xấu. Khi đã quyết định được giá hàng của mình thì chỉ bán giá đó, không thêm, không bớt, nếu không bán được thì lại mang về…”.


11h trưa, khi chân đã mỏi và bụng đã đói, chúng tôi quay về khu vực bán hàng ăn. Sau vài chén rượu ngô nồng ấm, ngà ngà say, tôi thả mình theo cái “nghiêng ngả” của một ngày say sau một tuần lao động vất vả trên nương, rẫy và nghe họ trò chuyện, tâm sự với nhau, dù không hiểu hết được tiếng địa phương nhưng tôi hiểu bà con các dân tộc vùng cao đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn là nơi giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, nơi hội tụ những sinh hoạt văn hoá của đồng bào và có thể ví chợ phiên chính là nơi biểu hiện đậm nét những bản sắc văn hoá các dân tộc vùng cao Hà Giang cho mai sau…


Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Đoàn điện lực Hà Giang, khóa VII nhiệm kỳ (2009 - 2011)
HGĐT- Sáng 28.3, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Điện lực Hà Giang tổ chức Đại hội khóa VII (2009 – 2011).
30/03/2009
Gió lốc và mưa đá làm tốc mái hàng trăm nhà dân Vị xuyên
HGĐT- Theo tin từ phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên, chiều vàđêm ngày 13.4, trên địa bàn thôn Tả Ván, xã Xín Chải và 4 thôn vùng cao của xã Phương Tiến, gồm: Xà Phìn, Mào phìn, Nậm Tẹ, Nà Màu; xã Ngọc Minh và một số xã phía đông của huyện Vị Xuyên đã xảy ra gió lốc và mưa đá gây thiệt hại về nhà cửa và hoa màu của nhân dân.
15/04/2009
Kiểm tra và yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản của HTX Bảo Tín trên địa bàn xã Niêm Toòng
HGĐT- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra khai thác khoáng sản tại xã Niêm Toòng, huyện Mèo Vạc, ngày 10.4, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm đại diện các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh cùng với lãnh đạo các ngành chức năng huyện Mèo Vạc, xã Niêm Tòong… đã có buổi kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi tại xã Niêm Tòong của Hợp tác xã
14/04/2009
Hội CTĐ tỉnh hỗ trợ các gia đình bị thiên tai tại xã Tân Trịnh
HGĐT- Chiều 8.4, đoàn cán bộ Hội CTĐ tỉnh do đồng chí Xèn Văn Chà, Chủ tịch Hội dẫn đầu, đến thăm và hỗ trợ các gia đình bị thiên tai trong trận lốc xoáy xảy ra vừa qua tại xã Tân Trịnh (Quang Bình).
13/04/2009