Lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
HGĐT- Hơn 80 năm qua, kể từ khi Bác Hồ thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thanh niên Việt Nam được sự quan tâm dìu dắt của Bác Hồ và Đảng đã tỏ rõ là đội quân xung kích của cách mạng. Từ ngày có tổ chức Đoàn (26.3.1931), các thế hệ thanh niên đã vươn lên xung kích trong kháng chiến, kiến quốc.
Nhiều thanh niên là tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, sản xuất, sáng tạo trong lao động, học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Trong thời kỳ đổi mới, thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam nối tiếp truyền thống “đâu cần thanh niên có; đâu khó có thanh niên” tự vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, thách thức không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, ra sức lao động, học tập, lập thân, lập nghiệp, tự nguyện đến những nơi gian khó, đem ánh sáng văn hóa, khoa học đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Làm được những thành tựu ấy, thanh niên ta luôn ghi sâu lời Bác dạy: Nâng cao khí anh hùng, ra sức lao động và học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật, đoàn kết, giúp đỡ nhau để tiến bộ không ngừng.
Hiện nay nước ta đang đi vào thời kỳ phát triển mới. Sau 20 hơn năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh vượt bậc, tạo ra điều kiện và thời cơ lớn để đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Sự nghiệp của thanh niên, tương lai, tiền đồ của thế hệ trẻ không thể tách rời vận mệnh và tương lai của dân tộc. Đại hội X của Đảng và Nghị quyết của BCH T.Ư về thanh niên chỉ rõ phương hướng phát triển cho thanh niên là “thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm. Chú trọng bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, đào tạo thanh niên trong lực lượng vũ trang có nghề khi hết thời hạn nghĩa vụ quân sự. Tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên có tài năng đi học ở nước ngoài về phục vụ đất nước”. Đảng và nhân dân ta quan tâm và kỳ vọng rất nhiều ở thanh niên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập, thanh niên, thế hệ trẻ phải làm sao trở thành lực lượng “hăng hái xung phong” trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và phát triển kinh tế tri thức. Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hàng quốc gia có trình độ học vấn khá, có nhiều sinh viên, học sinh thông minh đạt giải quốc tế, nhưng lại thiếu những người quản lý trẻ tài năng, những doanh nhân, nhà doanh nghiệp trẻ có tài và những lao động tinh thông công việc. Nếu đem so sánh với các nước phát triển, kể cả những nước trong khu vực như Singapore, Malaixia, Thái-lan thì nguồn lao động trẻ của nước ta còn ở trình độ thấp kém, chưa có tác phong và tư duy công nghiệp. Đây là một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn để tìm cách khắc phục. Hiện nay, nước ta có hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn kỹ thuật rấp thấp. Cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý, tình trạng thiếu nhân lực có trình độ cao, có chất lượng ngày càng trầm trọng. Sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng nhiều, song các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại tuyển được rất ít lao động có trình độ cao, công nhân kỹ thuật và thợ có tay nghề.
Từ nay đến năm 2020, để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, yêu cầu về nguồn nhân lực trẻ được đào tạo có chất lượng ngày càng cao, vì chất lượng lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm chứ không phải số lượng lao động phổ thông và giá công nhân, lao động trẻ. Trong những năm trước mắt, trước tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, việc cơ cấu lại nền kinh tế càng cho thấy yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách là phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách toàn diện gắn kết giáo dục và dạy nghề với nghiên cứu khoa học, công nghệ, thậm chí đào tạo nguồn nhân lực trẻ cần đi trước một bước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó chú trọng hai lĩnh vực là ở rộng đào tạo công nhân, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ và đào tạo đại học, trên đại học. Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực đào tạo của người học. Đổi mới chương trình đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thiết thực, hiện đại. Cần quan tâm việc trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ cho học viên, sinh viên làm những công cụ để có thể tiếp cận nhanh với xã hội, thế giới, tham gia vào quá trình hội nhập một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đi vào kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa kinh tế, trong vài ba thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Việt Nam phải xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia và chương trình hành động cụ thể về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Theo đó cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết, thật sự coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Ý kiến bạn đọc