Giữ cho “mạch máu” giao thông luôn thông suốt
HGĐT- Phát triển hệ thống đường giao thông có vai trò, ý nghĩa mang tính quyết định đối với tiến trình hội nhập, đi lên của mỗi vùng miền. Với điều kiện đặc thù của tỉnh, cấu tạo địa chất phức tạp, địa bàn rộng, dân cư phân tán nên việc tập trung đầu tư mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông luôn được chú trọng.
Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp gồm 5 tuyến Quốc lộ, 49 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 2 nghìn km. Từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã mở mới trên 2 nghìn km đường GTNT, gần 1,8 nghìn km đường dân sinh, gần 370 km đường bê tông xi - măng, rải nhựa 540 km mặt đường, xây 35 cầu bê tông, trên 2 nghìn chiếc cống và 70 cầu treo. Tỉnh đã huy động tốt các nguồn vốn, lồng ghép nhiều chương trình, dự án góp phần đưa 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 58% là đường nhựa, 90% thôn bản có đường giao thông đi qua. Việc huy động các nguồn lực trong dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy hiệu quả cao. Mỗi năm, nhân dân đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, mở mới nhiều km đường GTNT. Nhằm phát triển, nâng cấp mạng lưới đường giao thông, tỉnh tiếp tục tranh thủ vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực, nội lực trong dân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, 100% số xã có đường nhựa, đường bê tông, đường cấp phối đến trung tâm xã; 100% thôn bản có đường giao thông đi qua (80% đường ô tô đi được). Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở các tuyến trục động lực kinh tế phía Đông sông Lô của hai huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, phía Đông Bắc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần; tập trung nguồn lực nâng cấp, rải nhựa hoặc bê tông hoá các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; khởi công 21 tuyến đường đã có phê duyệt dự án.
Tuy nhiên, hệ thống đường giao thông của tỉnh lại luôn phải đối mặt với các nguy cơ do thiên tai gây ra. Hiện tượng mưa, lũ gây sạt lở đường, ách tắc giao thông cục bộ năm nào cũng xảy ra, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại của nhân dân. Khắc phục điều này, đòi hỏi công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có chiến lược cụ thể. Nhằm đảm bảo cho những “mạch máu” giao thông được thông suốt, các đơn vị thuộc ngành Giao thông, đặc biệt là Đoạn quản lý đường bộ I đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đoạn quản lý đường bộ I được giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa 7 tuyến đường phía Bắc của tỉnh (2 tuyến Quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ) với chiều dài 480 km và nhiều công trình gắn liền với đường như cầu, cống, kè, ngầm, cọc tiêu, biển báo hiệu… Mục tiêu đặt ra cho công tác quản lý, sửa chữa là phải luôn đảm bảo cho đường thoáng, lề sạch, cống, rãnh thông thoáng, mặt đường êm thuận, thông đường, thông xe trong mọi tình huống, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Đặc điểm của các tuyến đường phía Bắc là nhiều đoạn chạy qua những địa hình phức tạp, vách cao, vực sâu, nguy cơ sạt lở cao. Để thực hiện được mục tiêu, kế hoạch, hơn 150 cán bộ, CNV của Đoạn liên tục bám đường, kịp thời phát hiện những sự cố, đưa ra giải pháp, tổ chức khắc phục trong thời gian nhanh nhất. Mấy năm gần đây, mưa, lũ liên tục xảy ra trên địa bàn các huyện phía Bắc, khối lượng đất, đá sạt lở lớn, vùi lấp nhiều đoạn đường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của nhân dân. Nhưng ngay khi xảy ra thiên tai, các bộ phận trực thuộc Đoạn quản lý đường bộ I đã có mặt kịp thời, cùng lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông, đồng thời nhanh chóng tổ chức khắc phục hậu quả. Trong năm qua, Đoạn đã quản lý, sửa chữa thường xuyên 265 km tuyến Quốc lộ, 156 km tuyến tỉnh lộ; đào hót 87 nghìn m3 đất, đá sạt lở xuống mặt đường; kè rọ thép, kè khan đá hộc khoảng 5.450 m3; tôn lún, rải hai vệ bánh xe 2.200 m3.
Ngoài công tác sửa chữa thường xuyên, việc đảm bảo giao thông thông suốt cũng luôn được chú trọng, nhất là trong mùa mưa lũ. Hàng năm, ngay đầu quý II, Đoạn và các hạt trực thuộc đã xây dựng xong phương án đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống bão lũ nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Khi xảy ra thiên tai, gây sạt, lở, ách tắc giao thông trên tuyến đường do hạt nào quản lý thì hạt đó phải nhanh chóng huy động lực lượng, tổ chức khắc phục, bất kỳ tình huống nào cũng không để ách tắc giao thông kéo dài. Từ sự chủ động trong công việc nên năm qua dù thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều đợt mưa lớn kéo dài khiến lượng đất, đá vùi lấp và nước cuốn trôi hàng trăm mét nền, mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ, nhưng Đoạn đã kịp thời huy động nhân lực, phương tiện tham gia ứng cứu với phương châm “4 tại chỗ”, các đoạn sạt, lở nhanh chóng được thông xe. Các công trình giao thông khác như cầu, cống, kè, ngầm, cọc tiêu, biển báo thường xuyên được các đơn vị kiểm tra, phát hiện sự cố mất mát, kịp thời xử lý, khắc phục nhanh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại. Những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ cũng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Năm 2008, Đoạn còn được giao nhiệm vụ trực tiếp thi công công trình khắc phục sự cố bão, lũ cống bản km 4 đường Ngọc Minh - Mậu Duệ (Yên Minh) và cầu Ngán Chiên (Xín Mần). Với sự tập trung cao độ, tinh thần lao động sáng tạo của tập thể cán bộ, CNV, Đoạn đã nhanh chóng hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất, đảm bảo mỹ thuật, chất lượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hoá của nhân dân. Các công trình được thi công trong điều kiện hết sức phức tạp nhưng đã hoàn thành trước thời gian là sự cố gắng rất lớn, qua đó cũng khẳng định được sự trưởng thành của đội ngũ những người thợ giao thông. Những việc làm của cán bộ, CNV Đoạn quản lý đường bộ I đã đảm bảo cho “mạch máu” giao thông luôn thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hoá của nhân dân, rút ngắn khoảng cách phát triển KT-XH giữa các vùng, miền.
Ý kiến bạn đọc