Sinh viên đối thoại với Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

"Các bạn trẻ phải nắm lấy vận mệnh đất nước, đưa đất nước đi lên"

07:50, 16/02/2009

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần VIII (nhiệm kỳ 2008 - 2013), lúc 20h tối ngày 15.2 tại Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) đã diễn ra buổi gặp gỡ và đối thoại giữa các đại biểu Đại hội với Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành.


Tham dự buổi đối thoại có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; anh Võ Văn Thưởng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; chị Lâm Phương Thanh - Bí thư Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư T.Ư Đoàn; ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam.

19h20, hội trường Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã chật kín người. Các bạn sinh viên sôi nổi với những ca khúc trẻ trung, nhiệt huyết.

19h54, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các Bộ, ngành bước vào hội trường và chuẩn bị cuộc giao lưu với đông đảo các bạn sinh viên.

Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành đang đối thoại trực tiếp với sinh viên - Ảnh T.Sơn

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Theo dõi buổi khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần VIII sáng nay (15.2), tôi rất vui mừng khi có dịp trao đổi với các anh chị tất cả những vấn đề các anh chị quan tâm. Các anh chị là tương lai của đất nước, của dân tộc. Chúng ta cùng chia sẻ niềm tự hào là người VN, chia sẻ trách nhiệm với đất nước Việt Nam, trách nhiệm sự nghiệp giáo dục nước nhà".

Mở đầu buổi giao lưu đối thoại bạn Trà Mi đến từ trường CĐ Sư phạm T.Ư, đại diện cho sinh viên Thủ đô đặt câu hỏi với Phó thủ tướng Chính phủ: "Cháu là sinh viên sắp tốt nghiệp, rất quan tâm đến vấn đề tìm việc làm sau khi ra trường. Cháu thấy rằng, hiện nay sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên môn còn rất cao, kể cả những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, thậm chí cả sinh viên đi du học về. Vậy, Chính phủ có chính sách cụ thể gì để giải quyết việc làm và phát huy số sinh viên tốt nghiệp?".

Bạn Trà Mi đang đặt câu hỏi với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh T.Sơn

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Câu hỏi của bạn rất đáng quan tâm. Các bạn phải quan quan tâm ngay từ năm thứ nhất chứ không chờ đến năm thứ 4. Đây là trách nhiệm của nhiều phía. Người học phải trả lời câu hỏi tại sao mình chọn học ngành học ấy, nhu cầu của xã hội về nghề nghiệp ấy như thế nào? Bao nhiêu phần trăm bạn sinh viên trả lời được câu hỏi ấy khi thi đại học? Nhà nước phải làm tốt công tác dự báo.

Trước đây, chúng ta chưa có cơ quan nghiên cứu chính xác cơ cấu nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Từ hai năm nay, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đã có những chương trình nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu nhân lực. Những năm trước, nhà trường chưa quan tâm tới nhu cầu xã hội, tuy nhiên 2 năm nay, nhà trường đã liên kết với doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo.

Hai năm qua, 11 hội thảo quốc gia để đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và thông qua đó có 600 hợp đồng đào tạo được ký kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Thông qua đó các doanh nghiệp cam kết nhận học sinh sinh viên vào thực tập và có những hỗ trợ thiết bị máy móc hoặc là tiền trong quá trình đào tạo.

Theo điều tra của ngành thống kê năm 2005, trong 2,52 triệu người lao động có trình độ đại học cao đẳng cả nước thì có 2,41 triệu lao động có việc làm chiếm 95,8%. Vậy nhìn chung sau một thời gian từ năm 2000 đại đa số có việc làm. Nhưng tỉ lệ làm việc sát nhu cầu đào tạo tới đâu thì chúng ta chưa thống kê được cái này.

Một vấn đề nữa đó là chính phủ hình thành ban chỉ đạo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực, tiếp nhận các nhu cầu nhân lực trình độ đại học, cao đẳng của các doanh nghiệp, công ty lớn để phối hợp với các công ty chuyển giao.

"Cháu cũng là sinh viên năm cuối, sắp tới cháu sẽ đi thực tập và làm đồ án tốt nghiệp. Tuy nhiên, có một thực trạng là hiện nay, sinh viên không chỉ trường cháu mà hầu hết các trường trên cả nước đều yếu về thực hành, thực tế. Trong khi đó, lại có tình trạng các cơ quan, doanh nghiệp không muốn nhận sinh viên đến kiến tập, thực tập, tham quan, tìm hiểu các dây chuyền công nghệ mới... Mặt khác, các trường kể cả trường kỹ thuật, sinh viên cũng chủ yếu học "chay". Như thế, chúng ta sẽ đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân xa rời thực tế và sẽ mất một thời gian tương đối dài để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Xin Phó Thủ tướng cho biết sắp tới, Chính phủ có cơ chế, chính sách gì giúp sinh viên được thực hành và tiếp xúc thực tiễn đời sống sản xuất?" (Lê Hoàng Minh, ĐH Bách khoa TP.HCM)

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Về vấn đề thực hành, trong nhiều năm qua các trường chưa quan tâm đúng mức. Trong đó có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chưa yêu cầu các trường cung cấp chuẩn đầu ra cho từng ngành học, nói rõ chuẩn kỹ năng của sinh viên khi ra trường là gì... Có chuẩn kỹ năng thì đi kèm với nó là nội dung đào tạo, phần thiết kế chương trình thực hành. Gần đây, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, là trường đầu tiên đã công bố chuẩn kỹ năng cho sinh viên.

Khi chúng ta đã công bố chuẩn thì trường sẽ phải lo điều kiện thực hành. Để có kinh phí đầu tư cho sinh viên thực hành, có thể có các nguồn: ngân sách nhà nước, học phí thu được để đầu tư cho thực hành và nguồn từ các doanh nghiệp tài trợ. Bình quân chi phí học hành của SV hiện nay ở VN bằng 1/3 của Thái Lan, bằng 1/8 của Hàn Quốc, bằng 1/16 của Mỹ. Ngoài ra, các trường có thể đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để tìm kinh phí, sau đó quay trở lại đầu tư cho thực hành.

Qua tài trợ của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể tài trợ cả thiết bị mới, cả thiết bị cũ nhưng đó là điều rất tốt. Trước đây, một số doanh nghiệp coi việc nhận sinh viên đến thực tập là gánh nặng, trong 600 hợp đồng của doanh nghiệp đặt hàng các trường đào tạo trong 2 năm qua, tất cả đều ghi rõ là sẵn sàng nhận SV thực tập, hiện đã có một làn sóng doanh nghiệp chủ động đặt hàng các trường và nhận sinh viên xuất sắc, giỏi, khá vào thực hành và làm việc sau khi ra trường.

Về phía SV cũng cần chủ động, cần tìm hiểu ngành nghề mình cần kỹ năng gì, cần chọn sẵn chỗ thực tập, chỗ làm khi ra trường. Khi chúng tôi học ở nước ngoài, trường không giới thiệu, chỉ cho một tờ giấy giới thiệu, sinh viên phải đi tìm, giới thiệu mình.

Do đó, thực hành, thực tập là vấn đề cần phải nhà trường lo, chính phủ lo, doanh nghiệp lo và các bạn sinh viên cũng phải lo.

 Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang trả lời các thắc mắc của các bạn sinh viên - Ảnh T.Sơn

Bạn Đỗ Minh Tùng, đại biểu đến từ thành phố hoa phượng đỏ đặt câu hỏi: "Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sinh viên nên đã thành lập quỹ tín dụng đào tạo dành cho sinh viên. Số lượng sinh viên được vay vốn ngày càng tăng. Tuy nhiên, mức độ lạm phát và khả năng học phí lại tăng thì mức cho vay tín dụng đối với sinh viên vô hình chung lại thấp đi.

Thực ra với mức vay 800.000 đồng/tháng như hiện nay thì cũng không đủ cho một sinh viên trang trải học phí và chi tiêu phục vụ cho học tập. Xin hỏi Chính phủ có giải pháp gì để nhiều sinh viên được vay quỹ tín dụng đào tạo và mức cho vay phù hợp hơn để hỗ trợ quá trình học tập, rèn luyện? Liệu chúng cháu có được vay vốn từ quỹ tín dụng đào tạo để mua máy vi tính để không phải học chay ngoại ngữ và tin học như hiện nay không?".

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam: Mức vay 800.000 đồng/tháng như hiện nay là mức bổ sung, hỗ trợ chứ không phải đáp ứng tuyệt đối. Tính trên hoàn cảnh nguồn vốn cho vay có hạn và các bạn cũng phải thực hành tiết kiệm để chia sẻ với phụ huynh.

Vừa rồi các Bộ, ngành có tham gia nghiên cứu, thấy rằng mức vay 800 ngàn đồng/tháng như hiện nay có thể tạm chấp nhận được.

Các bạn có thể vay tiền để mua máy vi tính, hiện đã có hình thức này rồi. Nếu có nhu cầu các bạn có thể đặt vấn đề với ngân hàng nhận 1 lần để mua máy.

Phó thủ tướng cho biết thêm, năm 2007 đã có chương trình cho sinh viên vay vốn để trang trải chi phí cho việc học. Theo thống kê đã có hơn 1,2 triệu học sinh, sinh viên được vay. Hầu như ít có nước nào trên thế giới lại có tỉ lệ cho vay lớn như ở nước ta. Đó là sự cố gắng của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Lý đang giải đáp các thắc mắc cho các bạn sinh viên - Ảnh T.Sơn

Bạn Chu Kim Mai đến từ trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đặt câu hỏi: "Ngành giáo dục đang đổi mới phương pháp giảng dạy theo hình thức cung cấp thông tin, giúp sinh viên thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin theo hệ thống.

Muốn vậy, sinh viên phải tự tham khảo rất nhiều qua tài liệu, sách báo và nhất là sách vở. Nhưng hiện nay giá sách rất đắt, sinh viên không thể mua được. Trong khi nhiều trường, thư viện chật hẹp, đầu sách quá cũ, quá ít. Vậy xin hỏi, sắp tới, Chính phủ có kế hoạch gì hỗ trợ tài liệu, thư viên cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu hay không?".

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Không có tài liệu thì không thể gọi là học đại học. Thời gian qua, nhiều trường ĐH trong cả nước đã có hệ thống thư viện điện tử, đã đổi mới xây dựng thư viện hiện đại. Trên thực tế, nhiều nơi khó thì vẫn khó, yếu thì vẫn yếu nhưng nhìn chung về đầu tư cho thư viện ở các trường ĐH đã có tiến triển. Về kinh phí đầu tư cho thư viện học liệu, có thế có nhiều nguồn.

Có một cách rất tốt để có thể có sách học, mà chúng ta có thể làm được ngay. Đó là, Hội sinh viên cần bàn với nhà trường, xem sách nào cần mượn thư viện, sách nào cần photo, sách nào cần quay vòng cho mượn hoặc bán lại. Ví dụ, trước đây chúng tôi học ở nước ngoài, chúng tôi học xong là bán lại cho cửa hàng sách cũ của nhà trường. Cứ bán luân phiên, càng về sau càng rẻ, giá sách sẽ giảm rất nhiều. Cái này Hội sinh viên có thể làm được.

Hội sinh viên, các trường phải bàn cách trả lời bằng được câu hỏi: Bao giờ sinh viên không thiếu sách. Ở các trường phổ thông trước đây đã rất thiếu, nhưng sau khi làm quyết liệt đã không còn thiếu sách nữa.

Bạn Thanh Hằng đến từ TP.HCM đặt câu hỏi: "Hiện nay, khi tuyển dụng, đa số doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 1 năm hay 2 năm kinh nghiệm. Điều này là một trở ngại rất lớn với chúng cháu. Các cô các chú có cách nào giúp chúng con giải quyết trở ngại này".

Một sinh viên trong hội trường đã trả lời giúp câu hỏi của bạn Thanh Hằng: Theo tôi, trước hết, bạn phải có đủ tự tin để nói với doanh nghiệp rằng: anh nên nhận tôi vào để làm việc. Chúng ta cần rèn luyện kỹ năng ngay từ khi mới vào trường, có thể bắt đầu từ hoạt động đoàn, hoạt động xã hội để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức ngoài sách vở. Có như vậy bạn sẽ tự tin hơn để xin việc.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Nếu doanh nghiệp đã yêu cầu rằng cần 1 năm kinh nghiệm thì họ không nhắm tới sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, theo tôi, cái họ cần không phải là kỹ năng giải quyết các vấn đề chuyên môn hẹp, mà cái họ cần là khả năng tư duy, kinh nghiệm sống. Do đó, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể tự tin để khẳng định với họ là các bạn có đủ kinh nghiệm để làm việc. Khi các bạn hoạt động đoàn hội, hoạt động xã hội, các bạn cần tích lũy kinh nghiệm sống ngay trong quá trình đào tạo. Các bạn cần tích lũy kinh nghiệm cuộc sống một cách toàn diện chứ không phải chỉ có chuyên môn.

 Các đại biểu chăm chú lắng nghe, theo dõi buổi giao lưu, đối thoại - Ảnh T.Sơn

Theo bạn Nguyễn Ngọc Quang, sinh viên đến từ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: "Có rất nhiều sinh viên chưa chủ động trong tự học, tự nghiên cứu. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế là trong những năm qua, sinh viên Việt Nam đã rất nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học. Cho dù kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên rất hạn chế. Rất ít trường dành kinh phí hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học mà có hỗ trợ thì cũng chỉ ở mức 1 - 3 triệu đồng.

Xin Phó thủ tướng cho biết Chính phủ có kế hoạch và biện pháp gì hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo? Chính phủ có thể thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và Phó thủ tướng làm Chủ tịch Quỹ này được không?"

Về câu hỏi này, một sinh viên hiến kế: Theo tôi, Chính phủ cần thành lập một Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là Chủ tịch Quỹ này.

"Nhưng nguồn quỹ lấy từ đâu?". Theo tôi, nguồn quỹ có thể kêu gọi từ các doanh nghiệp, các tổ chức.

Bổ sung ý kiến của bạn sinh viên trên, một sinh viên đến từ Học viện Quốc phòng cho biết: Có một Quỹ như vậy là rất tốt, vì trong các trường nguồn quỹ rất thấp, sinh viên phải tự lo là chính, nhà trường chỉ hỗ trợ phần nhỏ. Khi có quỹ này sinh viên sẽ hào hứng hơn.

Về vấn đề này bạn Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội sinh viên VN tại Hàn Quốc cho biết, hiện tại, sinh viên Việt Nam trên thế giới luôn sẵn sàng giúp các bạn sinh viên trong nước có thể tìm kiếm, tải về các tài liệu từ nước ngoài để nghiên cứu.

"Đa số sinh viên VN ở nước ngoài đều mong về nước để đóng góp cho Tổ quốc. Chính phủ có cách nào để giúp cộng đồng sinh viên VN ở ngoài nước liên hệ được với nhau. Chính phủ có chính sách gì để tập hợp, thu hút sinh viên VN ở nước ngoài?", bạn Trần Hải Linh đặt câu hỏi.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi rất vui khi thấy các bạn sinh viên sôi nổi bàn về nghiên cứu khoa học. Một trường ĐH không có nghiên cứu không phải là trường ĐH, ai áp dụng tri thức mới nhanh hơn thì dân tộc đó có ưu thế cạnh tranh.

Chúng ta dù còn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể chọn lọc những sinh viên ưu tú nhất vào quá trình nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu không phải là số lượng mà quan trọng là chất lượng. Hiện nay, có lúc các quỹ có tiền nhưng không có đề tài, nhưng có lúc sinh viên có đề tài lại không có tiền. Bây giờ Bộ GD-ĐT đã đặt yêu cầu bắt buộc: Đã làm nghiên cứu sinh (làm tiến sĩ) phải có nghiên cứu, đó phải là nghiên cứu mới. Đó là yêu cầu bắt buộc, là động lực. Nếu có 1.000 SV làm nghiên cứu sinh sẽ có 1.000 đề tài, càng nhiều người làm nghiên cứu sinh sẽ càng có nhiều đề tài nghiên cứu mới.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến là nghiên cứu ban đầu không phải là độc lập, mà nghiên cứu trong một tập thể để sinh viên mới có thể học tập lẫn nhau, học tập người đi trước, sau đó mới nghiên cứu độc lập. Một số người có trình độ thì nghiên cứu theo đơn đặt hàng. Hiện nay, một đề tài nghiên cứu của thầy cô giáo là khoảng vài chục triệu, đề tài cấp nhà nước là vài trăm triệu, nhưng nói chung là nguồn kinh phí còn rất nhỏ.

Chúng ta cần tập trung mở rộng phong trào nghiên cứu, tạo thành làn sóng. Ví dụ, thi Robocon, khi đội của TP.HCM thắng, thì thành phố thưởng 200 triệu, sau đó là 1 tỉ để xây sân tập. Sau đại hội này, chúng ta có thể mở một cuộc họp bàn phương án tìm kinh phí hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, tôi sẵn sàng chủ trì cuộc họp này.

Bạn Phạm Đăng Khoa đến từ ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) tiếp tục đặt câu hỏi với Phó thủ tướng: "Phó thủ tướng có thể chia sẻ kỷ niệm thời sinh viên liên quan đến thành công hay thất bại?".

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chắc phải có thất bại nhưng nhìn chung là thành công, chứ không thì không ngồi đây rồi (cả hội trường vỗ tay không ngớt - PV). Khi tốt nghiệp đại học tôi đã đứng đầu một khoa. Lúc đó tôi lao vào nghiên cứu. Sau khi làm xong đề cương trình bày, thầy hướng dẫn im lặng một lúc rồi bảo: Chưa đạt yêu cầu. Sau gần 2 năm cố gắng, cuối cùng mới làm xong nội dung. Bài học rút ra là dù giỏi đến mấy cũng phải nỗ lực.

Không khí trong hội trường Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội càng sôi nổi hơn khi câu hỏi "Bài hát mà Phó thủ tướng hát nhiều nhất thời sinh viên là gì?" được các đại biểu đặt ra. 

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Thời thanh niên của tôi là thời chống Mỹ, mà thanh niên thời nào thì vẫn cứ yêu, nhất là thời đi bộ đội. Năm 17 tuổi tôi đi bộ đội, 18 tuổi đã yêu rồi. 10 năm sau cưới vợ thì vẫn cưới người ấy. Bài hát tôi thích và hay hát là bài Thuyền và biển.

Và thật bất ngờ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã cùng hát bài Thuyền và biển với các bạn đại biểu trong hội trường. Làn sóng cánh tay dưới hội trường như nhưng cơn sóng biển biến không khí trong hội trường cực kỳ sôi động, háo hức.

Khi Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cất lên lời bài hát Thuyền và biển thì cùng lúc làn sóng cánh tay dưới hội trường như nhưng cơn sóng biển biến không khí trong hội trường cực kỳ sôi động, háo hức - Ảnh T.Sơn

Tiếp tục chương trình, bạn MC đã đặt câu hỏi với Phó thủ tướng: "Quan niệm của Phó thủ tướng và các vị Thứ trưởng về tình yêu sinh viên?".

Về câu hỏi này Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã "nhường" câu trả lời lại cho ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch. Ông Ái nói: "Mỗi người mỗi hoàn cảnh đều thể hiện tình yêu khác nhau. Nhưng theo tôi, cái quan trọng nhất là thủy chung".

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn: "Câu này khó quá, với tôi, lúc yêu là "đánh nhanh thắng nhanh". Kinh nghiệm của thời chúng tôi áp dụng trong thời này thì rất khó. Theo tôi, thời đẹp nhất của tình yêu là thời sinh viên và quan trọng nhất là nên yêu như thế nào? Chính những lúc này, không nên có khái niệm yêu theo kiểu tranh thủ, sống thử, sống gấp...".

"Nước ta là nước xã hội chủ nghĩa, do đó Giáo dục và Y tế là hai lĩnh vực được quan tâm để mọi người dân thụ hưởng các dịch vụ tốt nhất. Như thế, học phí sẽ phải phấn đấu giảm dần cho đến khi miễn học phí từ cấp mầm non đến đại học theo sự phát triển của đất nước. Nhưng có một nghịch lý, hiện nay là kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, thu ngân sách tăng thì học phí cũng tăng đều hàng năm chứ không hề giảm. Xin Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?" (Khai Thuận, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM)

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Học phí đại học Nhà nước có khung quy định từ năm 1998. Nói học phí đại học công lập tăng là không đúng. Tổng chi cho giáo dục mà lấy từ nguồn học phí đóng góp vào ngày càng giảm, năm 2001: 8,2% kinh phí từ học phí; năm 2006: 6,7%.

Hiện nay diện con em liệt sĩ không phải đóng học phí; con em gia đình khó khăn ở miền núi: không phải đóng học phí; cấp tiểu học cũng không phải đóng; bậc phổ thông trung học chỉ đóng vài trăm ngàn.

Sắp tới những người đi học sẽ đóng học phí không quá khả năng, không quá 6% thu nhập của gia đình; vùng khó khăn thì phải cho thêm tiền để mua quần áo, sách vở đi học... Chính phủ quyết tâm tạo bình đẳng cho người đi học đại học. Cơ hội đi học đại học sẽ rộng mở.

Bạn Nguyễn Thị Phương Duyên, SV ĐH Công nghệ TP.HCM tiếp tục chương trình với câu hỏi: "Nước ta đang phát triển, số lượng sinh viên được tuyển vào ĐH, CĐ ngày càng nhiều. Nhu cầu về nhà ở với SV ngày càng tăng. Đến nay, chỉ có hơn 20% SV được ở KTX, chưa kể nhiều SV phải thuê nhà ở nơi điều kiện an ninh phức tạp. Chính phủ đã có chủ trương xây KTX nhưng chưa thấy chuyển biến cụ thể. Xin Phó thủ tướng cho biết chính sách của Chính phủ về lo chỗ ở cho SV?".

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 1986, chúng ta có 133 ngàn SV, và số SV được ở KTX chiếm hơn 30%, đến nay có 1,6 triệu SV, KTX có 356 ngàn chỗ. Số chỗ ở trong KTX tăng 1,5 lần trong khi số SV tăng 12 lần.

Vừa qua Chính phủ có đầu tư tiền để xây KTX, đặc biệt các trường ở miền núi. Năm 2005, Chính phủ triển khai chương trình xây dựng KTX cho sinh viên. Quả thực, Bộ GD-ĐT chưa tham mưu được hiệu quả để xây dựng nhiều KTX. Đã lâu rồi chúng ta chưa coi trọng đúng mức đến KTX cho sinh viên. Nếu đầu tư giáo dục đại học mà không quan tâm đến nhà ở thì không đảm bảo chất lượng. Về nhận thức là không thể để chậm hơn nữa, cuối tháng 3 tới, Bộ GD-ĐT sẽ trình đề án xây KTX cho sinh viên. Khi thực hiện gói kích cầu, chính phủ đã ưu tiên xây nhà cho 2 đối tượng thôi, là công nhân và sinh viên.

Ngoài ra, trong khi Nhà nước chưa lo kịp thì Chính phủ cũng khuyến khích người dân làm nhà cho sinh viên thuê. Nhưng nhà trọ làm phải có chuẩn tối thiểu, muốn cho SV thuê phải có kiểm tra đăng ký cấp phép. Tóm lại, Chính phủ đang làm hai việc, Nhà nước đầu tư và nhân dân đầu tư có giám sát của Nhà nước.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Nga, SV năm thứ 2 ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu vấn đề: "Việt Nam là một nước văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chính phủ có chính sách gì để SV nói riêng và người dân nói chung có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc".

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Một dân tộc mà thu nhập đầu người 1.000 USD/năm như Việt Nam phải cạnh tranh với một nước mà thu nhập đầu người 40.000 USD/năm, là không bình đẳng, chúng ta dùng gì để cạnh tranh? Đó chỉ có thể là sức mạnh văn hóa và trí tuệ. Dân tộc mình có truyền thống khó khăn không lùi bước, trước quân thù không khuất phục. Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa không khuất phục trước khó khăn thì nay cũng vậy.

Vừa rồi, chúng tôi có đi thăm một nước ở Bắc Âu, thu nhập đầu người 40.000 USD/năm, nhưng 40% người dân sống độc thân, không lập gia đình, không có con thì rất khó hạnh phúc trọn vẹn. Giáo dục truyền thống hạnh phúc gia đình hết sức quan trọng. Chúng tôi đã trao đổi, sắp tới sẽ đưa vào chương trình giáo dục phổ thông chương trình Hạnh phúc học. Chúng ta giáo dục cho học sinh làm sao lúc vui có hạnh phúc, lúc buồn không được bi quan, chán nản. Cái cuối cùng là ngôn ngữ, phải giữ được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ mình.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiếp lời Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Văn hóa là cái trường tồn. Dù một địa phương bị vùi dập bởi thiên tai, sóng thần thì cái còn lại là văn hóa. Các trường ĐH, cao đẳng đào tạo về thể chất, văn hóa… nhưng chưa đào tạo về gia đình học. Chúng tôi đang xây dựng môn Gia đình học, trong đó có nhiều nội dung đang trình Bộ GD-ĐT đưa vào đào tạo.

Bạn Trần Ngọc Oanh - Tổng thư ký Hội sinh viên VN tại Pháp: "Chính phủ có cơ chế tập hợp, đoàn kết và bảo vệ sinh viên VN ở nước ngoài ra sao? Có giao cho 1 cơ quan chức năng nào đó thực hiện hay không?".

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Năm 1990, ở đâu có SV Việt Nam thì có Ban quản lý lưu học sinh. Sau năm đó, cơ bản không duy trì nữa. Hiện sinh viên đi du học tự túc tăng lên nhiều, du học bằng học bổng Nhà nước ngày càng tăng vì vậy đã hình thành các địa diện quản lý lưu học sinh ở những nước có đông sinh viên Việt Nam du học. Ở Mỹ và Trung Quốc có cán bộ chuyên trách của Bộ GD-ĐT quản lý lưu học sinh. Ở Phần Lan cũng có Hội sinh viên VN ở Phần Lan, ở Ba Lan, Thụy Sĩ đều có cả.

Cục đào tạo nước ngoài của Bộ GD-ĐT đã thành lập được 6 tháng rồi, chuyên lo cho các bạn sinh viên VN ở nước ngoài. TP.HCM có câu lạc bộ SVVN ở nước ngoài. Sắp tới, Bộ GD-ĐT, T.Ư Đoàn sẽ bàn bạc và có cơ chế hỗ trợ các bạn lưu học sinh nhiều hơn.

Bạn Tuấn Đức, du học sinh Singapore đặt câu hỏi: "Theo quan điểm của Phó thủ tướng, vai trò của sinh viên như thế nào trong cải cách giáo dục, đặc biệt là vai trò của du học sinh tại các nước? Cơ chế nào để khuyến khích, tạo điều kiện cho du học sinh trở về đóng góp cho đất nước?".

- Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi mong muốn các bạn SV luôn ý thức được trách nhiệm của mình với dân tộc. Có được ngày nay, các thế hệ đi trước đã đổ xương máu, để mỗi khi lá cờ Việt Nam phất lên là thấy nghẹn ngào. Thế kỷ 20 là thế kỷ các thế hệ cha ông giữ lấy đất nước này. Thế kỷ 21 các bạn phải nắm lấy vận mệnh đất nước, đưa đất nước đi lên. Niềm vui nhất đối với chúng tôi là khi mình nhắm mắt, mình tin rằng con cháu mình sẽ làm hay hơn mình (cả hội trường lặng đi, nghẹn nào - PV). Chúng ta đã phát triển 4.000 năm, không lý gì thế kỷ 21 các bạn không nắm lấy vận mệnh đưa dất nước đi lên.

Các bạn du học ở nước ngoài, các bạn được tiếp cận văn minh, các bạn đừng hỏi đất nước làm gì cho các bạn, chính các bạn phải quyết định tương lai của mình. Nếu học xong, có cơ hội làm tiến sĩ, có làm không? Làm. Nếu làm xong, có cơ hội nghiên cứu rất hay, có làm không? Làm. Làm xong, trái chín rồi, có về không, khi chín rồi thì về cội. Về lúc nào là do các bạn quyết định. Các bạn phải luôn nhớ rằng SV Việt Nam ra nước ngoài là đại sứ Việt Nam ở nước đó.

Nếu các anh chị nhìn kỹ, chúng tôi đầu bạc hết rồi, điều chúng tôi muốn nói cuối cùng trong buổi hôm nay, các bạn là tương lai của đất nước, đừng để mất niềm tin đó trong cha mẹ, trong chúng tôi. Hãy tin rằng chúng tôi luôn dành cho các bạn tất cả lòng tin yêu (các đại biểu trong hội trường vỗ tay không dứt - PV).

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Thế kỷ 20 là thế kỷ các thế hệ cha ông giữ lấy đất nước này. Thế kỷ 21 các bạn phải nắm lấy vận mệnh đất nước, đưa đất nước đi lên. Niềm vui nhất đối với chúng tôi là khi mình nhắm mắt, mình tin rằng con cháu mình sẽ làm hay hơn mình. Chúng tôi đầu bạc hết rồi, điều chúng tôi muốn nói cuối cùng trong buổi hôm nay, các bạn là tương lai của đất nước, đừng để mất niềm tin đó trong cha mẹ, trong chúng tôi. Hãy tin rằng chúng tôi luôn dành cho các bạn tất cả lòng tin yêu". (Ảnh T.Sơn)

Mặc dù đã hết giờ giao lưu, song vẫn còn rất nhiều cánh tay sinh viên giơ lên xin tiếp tục đặt câu hỏi với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ, ngành.

Chị Lâm Phương Thanh, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu kết thúc chương trình và cảm ơn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ, ngành đã đến tham dự buổi giao lưu, đối thoại với các bạn sinh viên: "Nhiều ý kiến đã mở ra cho các bạn câu trả lời, nhiều ý kiến đã đặt ra cho các bạn trách nhiệm trước bản thân, trước đất nước, và trách nhiệm của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên. Đại hội xin chân thành cảm ơn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ, ngành. Mong các vấn đề trên được các bộ ngành quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho sinh viên để sinh viên có thể học tập và rèn luyện mọi mặt.

Đại hội xin hứa với Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành, sinh viên sẽ cố gắng học tập tốt hơn, rèn luyện tốt hơn... Một lần nữa, đại hội xin chân thành cảm ơn Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đã tới tham dự buổi đối thoại".


Thanh niên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lo Tết cho mọi nhà
HGĐT- Ngày 17 và 18.1, đồng chí Hoàng Trung Luyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Hà Giang đến thăm, tặng quà, chúc Tết các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn TXHG.
19/01/2009
Hỗ trợ tích cực công tác xóa đói, giảm nghèo ở Quang Bình
HGĐT- Kết thúc năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Quang Bình giảm còn 16%. Theo kế hoạch, Quang Bình phấn đấu hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm xuống dưới 10%.
19/01/2009
Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ
HGĐT- Đoàn cơ sở Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (No-PTNT) tỉnh có 42 đoàn viên đang công tác tại hầu hết các phòng chuyên môn và phòng Giao dịch Yên Biên, Minh Khai.
19/01/2009
Bắc Mê “đem Tết” về những gia đình chính sách
HGĐT- Giống như nhiều địa phương trong tỉnh, không khí những ngày cuối năm ở Bắc Mê dường như đang được sưởi ấm hơn bởi những hoạt động tình nghĩa dành cho người nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn huyện trong dịp Tết Nguyên đán.
15/01/2009