Những người lính trẻ trên trạm VTV

16:47, 20/02/2009

HGĐT- Trên chót vót đỉnh núi không tên của bản Xín mần, huyện Xín Mần chỉ có hai người. Họ là bộ đội của Đoàn B14 có nhiệm vụ thu,phát, chuyển tiếp thông tin các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam và địa phương tới đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi có Trạm VTV do Cục Chính trị Quân khu lắp tặng, nhiều người phải ngỡ ngàng về sự thay đổi cuộc sống ở đây. Đã 4 năm trôi qua vậy mà hai người lính ấy vẫn chưa chịu xuống núi…


 

 Trạm trưởng Đào Chung Duy trước giờ phát sóng.


Khoảng thời gian đó đủ để nhiều lần mùa đông nước đóng băng trên mặt bể khiến con đường nhỏ chạy hình xoắn ốc dưới chân núi không tạo cảm giác ấm hơn mặc dù thi thoảng vẫn có vài người qua lại. Chiều tà, núi đang dựa mình vào bóng tối, tôi cúi gập người, vội vã trèo qua từng bậc đá lên đỉnh núi để gặp Trạm trưởng, Trung uý Đào Quang Chung và nhân viên Ngô Văn Huỳnh trước khi trời tắt nắng. Mấy năm trước, tôi cũng trèo như thế nhưng khi ấy nó là bậc đất. Tôi leo mãi mới lên đến đỉnh. Đúng là không gì tĩnh lặng bằng đêm vùng cao, lặng đến mức người ta phân biệt một cách chính xác đâu là tiếng lá và đâu là sương rơi. Mặc dù chưa khuya nhưng hầu như tất cả bản người Mông đã đóng xập cửa. Đứng trên đỉnh núi tôi thấy 15 nóc nhà dưới chân le lói ánh điện song cũng bị khuất tầm nhìn bởi những cây ngô đang trổ cờ. Ngày Đoàn B14 mới thành lập, khi ấy Trạm VTV chưa lắp đặt, điệp khúc đơn thuần lặp đi, lặp lại là ngày đồng bào lên nương, tối thu mình vào căn nhà đất trình tường. Sau khi té nước vào bếp than hồng, bà con chỉ còn mỗi việc là đi ngủ. Khi biết tin Trạm VTV lắp xong sẽ giúp chiếc ti vi nhà mình “bắt” và xem được các chương trình của Truyền hình Việt Nam bà con vô cùng phấn khởi và mong đợi từng ngày. Đúng trước đêm phát sóng thử nghiệm, cô giáo Lê Thị Thanh Huyền vượt qua 127 km đường rừng lên thăm chồng. Cả đêm ấy, Trạm trưởng Đào Quang Chung gần như thức trắng. Trong anh đan xen niềm vui lớn nhưng cũng không giấu được tâm trạng và nỗi niềm sâu nặng riêng tư anh dành cho đồng bào. Sau nhiều ngày cùng đồng đội vật lộn với nắng mưa, nhọc nhằn, ngày mai, chính xác hơn là chưa đầy 12 tiếng nữa, Trạm phát sóng VTV bắt đầu khởi phát thử nghiệm. Liệu có xảy ra sự cố về mặt kỹ thuật không? Có tiếp và truyền được những hình ảnh lên ti vi mà nhiều người cả đời chưa nhìn thấy lần nào không? Dưới kia, ngay lưng chừng núi, dân từ bản khác đến đây đang nằm trong những túp lều trồng ngô của người Mông để chờ sáng mai xem khiến lòng anh như lửa đốt.


Cái giây phút ngóng đợi đó của bà con trong bản như đứa trẻ nén lòng đợi ngày cắp sách đến trường, bàng hoàng đến khó tả. Vì vậy, áp lực toàn bộ thời gian chuẩn bị cho ngày thử nghiệm và những tối anh em lặn lội đến từng nhà, từng bản thông báo cho bà con biết chỉ dồn vào đúng một đêm cuối cùng này. Thao thức bên người vợ trẻ nhưng Trạm trưởng lại thương đồng đội của mình. Nhân viên Ngô Văn Huỳnh quê tận Thái Bình. Anh tình nguyện lên đây lập nghiệp. Lần đầu tiên Huỳnh đặt chiếc ba lô lên đá, nhìn đá cuốn nhau mà thương dân bản. Cuộc sống nơi anh đi và mảnh đất anh vừa tới có một sự cách biệt quá lớn cả về không gian và thời gian. Hơn 20 tuổi đời nhưng lòng còn trắng trong tuổi thanh xuân. Nghe bảo ngày anh khoác ba lô lên đường, bạn bè níu lại đưa giấy báo trúng tuyển đại học nhưng anh đã cất nó xuống đáy hòm làm kỷ niệm. Dù ở đâu mà chả phải làm việc. Nhưng không phải ai thích làm lính cũng được. Bàn tay người trai trẻ ấy cũng trầy xước, chai lỳ vì cõng đá, gùi xi cùng dân bản dựng cột, lắp chảo. Có lẽ giờ này anh còn ở Sán Cuốn Sủ hay Tả Mù Cán để báo cho bà con sáng mai nhớ mở ti vi xem chương trình phát thử nghiệm của Trạm VTV. Mấy tháng chỉ để chờ một đêm thế mà saodài vô tận. Gió lùa qua khe vách, Trạm trưởng cũng giật mình tưởng tiếng gà gáy đổi canh. Nhớ hôm xe ô tô của bộ đội chở cột ăng ten, chảo thu, máy phát và một số thiết bị khác đêm mưa như trút nước, nhưng những ngọn đuốc trong tay dân bản cứ sáng rực dưới chiếc ô soi đường cho xe nhích bánh. Bà con tự bảo nhau cho ngựa thồ lên núi. Cái cột sắt dựng lên cao ngất ngưởng trên nền bê tông vững chắc. Tìm khắp bản không có cái cột thứ hai cao như thế kể cả cây rừng. Trưởng bản Sùng Seo Chúng chạy từ chân núi lên xem bộ đội làm và chỉ vào chiếc chảo thu màu trắng dán chữ VTV màu xanh, đỏ: “Ô, cái mắt này nhìn sang được cả Nàn Xỉn, Hậu Cấu, Chí Cà mìnhđấy”. Ông Giàng Seo Tờ thích quá định chạy về khoe với bà con nhưng bộ đội ngăn lại: “Không phải nó nhìn thấy bản ta mà ta nhìn thấy bản nó thôi”. Giờ thì ông Seo Tờ đã hiểu. Bao năm sống trong cảnh tăm tối, khái niệm “chiếc ti vi” chỉ dành cho người đã “gặp” nó tại nhà ông chủ quán mỗi lần đi chợ phiên ăn phở. Xín Mần có điện song bà con không biết dùng để làm gì ngoài việc thắp sáng mỗi chiếc bóng ở cánh cửa ra vào và bậc đá đi xuống chuồng trâu. Trẻ con thèm nhìn thấy ti vi nhưng người lớn không mua sợ nó lại giống cái của trưởng bản suốt ngày chỉ kêu “xẹt, xẹt” mà không thấy hình đâu. Đó là chuyện của ngày xưa.


Bốn năm trôi qua, đêm nay bà con Xín Mần lại thức, nghe tiếng lục lạc của con ngựa kêu leng keng vì chủ nó vừa cho thêm cỏ vào chuồng. Hai người lính trên núi cũng thế, chiếc phòng nhỏ đủ để họ bắt gặp ánh mắt của nhau. Tối nay, Trạm sẽ thu và phát cho mọi người xem chương trình VTV5. Chuyện cái đài “đi nương” theo người nay đã thay bằng chiếc ti vi đặt trong nhà và có cả một chương trình dành riêng cho dân mình rồi hướng dẫn cách làm ăn, phương pháp trồng ngô, trồng lúa thì bà con mừng quá. Không vui sao được khi chính những người dân dưới chân cột VTV cũng được lên ti vi trong phần “Gương sáng cộng đồng”.Bậc đất ngày nào đã nằm sâu dưới nền đá xám nhưng hai người lính trên Trạm VTV ấy vẫn kiên trì bám trụ. Núi đá xanh trở lại màu xanh cây ngô, lúa do các nóc nhà của bà con gắn thêm nhiều cột ăngten...


Hoàng Nghiệp (Quân khu 2)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lo Tết cho mọi nhà
HGĐT- Ngày 17 và 18.1, đồng chí Hoàng Trung Luyến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Hà Giang đến thăm, tặng quà, chúc Tết các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn TXHG.
19/01/2009
Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ
HGĐT- Đoàn cơ sở Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (No-PTNT) tỉnh có 42 đoàn viên đang công tác tại hầu hết các phòng chuyên môn và phòng Giao dịch Yên Biên, Minh Khai.
19/01/2009
Thanh niên Hà Giang với phong trào lập thân lập nghiệp
HGĐT- Trong những năm qua, phong trào 4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp được đoàn thanh niên các cấp tỉnh ta tổ chức triển khai có hiệu quả. Đây thực sự là phong trào có ý nghĩa thiết thực với mỗi ĐVTN, bởi vậy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ.
18/02/2009
Ra quân trí thức trẻ tình nguyện nhận công tác tại cơ sở xã đợt VI năm 2009
HGĐT- Sáng 16.2, tại trường Chính trị tỉnh, tỉnh ta đã long trọng tổ chức Lễ ra quân trí thức trẻ tình nguyện về nhận công tác tại cơ sở xã đợt VI.
18/02/2009