“Làng Biên phòng” trên cao nguyên đá
HGĐT- Trước đây, tôi đã có dịp đến thăm các gia đình công nhân tại một số lâm trường ở Đồng Văn, Hà Giang - những mẫu hình khi còn bao cấp gọi là “Gia đình Nhà nước”, khoảng mươi năm nay đã thành Làng Công nhân. Giờ, lại được chứng kiến mẫu hình “Làng Biên phòng” đang bắt đầu xuất hiện trên vùng cao nguyên đá - nơi “tóc vờn mây bay, chân đạp gió núi” với những tổ ấm luôn đầy ắp tiếng cười…
Cảnh thường ngày ở làng biên phòng Đồng Văn.
|
“An cư để lạc nghiệp”
Nghe nói về “Làng Liên phòng” đồn Đồng Văn từ lâu, đầu Xuân Kỷ Sửu này, tôi mới có dịp gặp Thiếu tá Hoàng Ngọc Cửu - Chính trị viên Đồn Biên phòng (BP) Đồng Văn và được anh tâm sự ngắn gọn: Bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới Quốc gia là sự nghiệp của toàn quân và toàn dân ta, lấy lực lượng BP làm trụ cột. Cha ông dạy “an cư để lạc nghiệp”, cấp trên khuyến khích những sĩ quan tại các trạm, các đồn có điều kiện cứ hợp lý hoá lập gia đình để làm tròn đôi việc chung - riêng. Và khu gia binh đồn BP Đồng Văn với mấy chục gia đình dần dần định hình từ những “định hướng” như thế. Hiện, khoảng 40 % quân số trong đồn có vợ là người địa phương, phần lớn đều công tác trong ngành giáo dục, y tế và trên phần nửa số đó đã đưa vợ con lên xây dựng tổ ấm để“an cư lạc nghiệp” nơi miền biên cương còn nhiều heo hút này...
Những lời tâm sự chân tình, dung dị, hết sức “biên phòng” ấy cứ theo tôi suốt chặng đường “khám phá” Làng BP Đồng Văn. Còn nhớ, trên đường vào Đồn BP Đồng Văn, tôi đã “lân la” trò chuyện với một chị còn trẻ trên cùng chuyến xe khách cho quên “chặng đường gió bụi”. Thật bất ngờ, chị lại đang là công dân của Làng BP đồn Đồng Văn theo “công thức”: Bộ đội - giáo viên. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nữ giáo sinh Lê Thị Lan liền trở thành “lính tăng cường” cho mặt trận giáo dục vùng biên tỉnh bạn. Thấm thoắt đã xong thời hạn 5 năm, thời vàng son của cuộc đời thiếu nữ với ước mơ cháy bỏng, với đôi má ửng hồng đã hoà vào màu xanh đại ngàn lúc nào không nhớ nữa. Thế là chị tự nguyện gắn đời mình với vùng biên, rồi sau đó lấy chồng, có con với chàng sỹ quan trẻ Khổng Tuấn Hải. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, bây giờ, họ đã có mái ấm nho nhỏ suốt ngày tràn ngập tiếng cười giữa cao nguyên đá Đồng Văn - vùng đất đang chuyển mình cùng cả nước.
Hạnh phúc đơn sơ giữa đại ngàn
Cuối giờ chiều ngày hôm đó, vừa đến nơi, theo chân chị Lan, tôi bắt đầu “xâm nhập” làng BP đồn Đồng Văn. Đó là một khu gia binh “thứ thiệt” với những ngôi nhà khá khang trang kiến trúc na ná nhau. Thấy có người vào, mấy đứa trẻ đồng thanh vòng tay chào rất lễ phép. Chị Lan cười: “Bọn trẻ ở đây ngoan lắm em ạ. Chẳng là chúng được sinh ra trong môi trường “kỷ luật thép” quân đội mà...”.
Ghé thăm gia đình đồn trưởng Nguyễn Hải Lý, tôi được anh kể cho nghe câu chuyện về những ngày đầu “bén duyên” mảnh đất này. Anh và vợ đều quê ở Phú Thọ. Năm 1997, anh chị sinh con gái đầu lòng. Sinh xong, chị mắc bệnh bùn túi mật. Nghe theo lời “tham mưu” của anh, hai mẹ con bồng bế nhau đến Đồng Văn để chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền rồi “tiện thể”, chị xin tạm nghỉ việc bám trụ lại luôn. Đến năm 1998, sau khi sinh cháu thứ hai, chị quyết định chuyển hẳn công tác về huyện Đồng Văn, và từ đó, trở thành công dân chính thức của làng BP.
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình Thượng úy Phạm Văn Căn, Đội phó Đội vũ trang đồn Đồng Văn, tôi lại được nghe những lời tâm tình thật cảm động. Anh Căn là con đầu trong gia đình nên khi làm nhiệm vụ tại Hà Giang, anh không nghĩ là mình sẽ ở đây. Rồi sự xuất hiện của chị Hoàng Thị Thơm, người con gái quê ở Bắc Quang, Hà Giang đã làm anh thay đổi ý nghĩ ban đầu. Năm 1998, anh chị lấy nhau và định cư luôn ở thị trấn này. Chị làm y sĩ tại Bệnh viện Đồng Văn. Anh Căn tâm sự: Tôi thường xuyên phải lăn lộn dưới địa bàn nên vắng nhà thường xuyên. Ngay cả khi vợ sinh con mình cũng không ở nhà. Đời lính mà, may mà vợ hiểu và thông cảm cho mình. Chứ không thì...”. Chị Thơm tiếp chuyện luôn: “Nhà em đi suốt, nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân nhưng không thể trách anh ấy được. Bù lại, mỗi khi về nhà là anh lại luôn tay luôn chân giúp em”. Tôi hỏi bí quyết nào giúp anh chị giữ gìn được hạnh phúc của mình. Chị Thủy cười hiền: “Nói là bí quyết thì to tát quá. Đã là vợ lính thì phải biết chấp nhận những thiệt thòi mất mát. Đơn giản thế thôi em ạ…”.
Vĩ thanh
Tôi tạm biệt làng BP Đồng Văn để trở lại đồng bằng đúng lúc mấy “phu nhân” biên phòng tíu tít cùng nhau chuẩn bị nghỉ phép về thăm quê sau Tết vì “Tết Kỷ Sửu, anh nhà chị phải trực chiến đấu, cả nhà ở lại ăn Tết trên này, chưa về thăm hai bên nội ngoại được”. Dăm bữa, nửa tháng nữa, họ lại dắt díu nhau lên với vùng biên, lên với những gia đình biên phòng đang nảy nở sinh sôi giữa non ngàn. Nơi ấy những sĩ quan quân hàm xanh vừa là trụ cột bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia, vừa là trụ cột của các mái ấm gia đình. Chứng kiến hạnh phúc đơn sơ của gia đình những người lính, trong đầu tôi thoáng một ý nghĩ: Từ những gia đình BP hiện có, chắc chắn, một ngày không xa sẽ hiện hữu những làng BP khác bên cạnh làng BP Đồng Văn để cuộc sống vùng biên Hà Giang thêm sắc thêm hương.
Ý kiến bạn đọc