Thanh Đức - mảnh đất vùng biên đang vươn lên thoát nghèo

16:47, 24/12/2008

HGĐT- Chúng tôi trở lại Thanh Đức, một xã biên giới của huyện Vị Xuyên, trong bộn bề công việc những ngày cuối năm. Trụ sở làm việc của xã, trạm Y tế…đã chuyển đến vị trí mới, khang trang hơn. Cũng quãng thời gian này của năm 2007, tôi đã vượt hơn chục km đường lởm chởm đá từ Thanh Thủy đến Thanh Đức.


 
 Tư vấn trực tiếp về công tác Dân số - KHHGĐ tại xã Thanh Đức (Vị Xuyên). Ảnh: T.Tiến (Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh)

Khi đó, trụ sở UBND xã vẫn là dãy nhà tạm, ọp ẹp, nhìn quanh quất chỉ thấy đồi núi, vực sâu không có dấu hiệu nào cho thấy mảnh đất, con người nơi đây có thể vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Mành đã khẳng định: Tương lai không xa, Thanh Đức sẽ là vùng đất mở, có nhiều lợi thế cho phát triển nền sản xuất hàng hoá. Có ba yếu tố quan trọng tạo sức bật để vùng đất này khởi sắc đó là: Con đường nối 3 xã biên giới Thanh Thuỷ qua Thanh Đức đến Lao Chải được khởi công xây dựng, điều đó sẽ mở ra cơ hội giao lưu, trao đổi hàng hoá của cư dân vùng biên giới và các vùng lân cận; tiềm năng để phát triển vùng chè, thảo quả và chăn nuôi rất lớn; tư duy, nhận thức được nâng lên rất nhiều, người dân không đẻ dày, đẻ nhiều để tập trung phát triển kinh tế gia đình.


Thanh Đức hiện có trên 130 hộ, gần 700 nhân khẩu, sinh sống ở 4 thôn, trong đó có 2 thôn giáp biên điều kiện canh tác, đi lại hết sức khó khăn. Tại thời điểm cuối năm 2007, toàn xã có trên 50% dân số nằm trong diện nghèo, cả xã mới chỉ có 2 hộ giàu. Trước đó, tình trạng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không áp dụng biện pháp tránh thai nên “nhỡ” đẻ nhiều, đẻ dày thường xảy ra. Nhiều vùng đất của Thanh Đức có lợi thế để phát triển cây trồng có giá trị cao nhưng không được tận dụng, khai thác triệt để. Bình quân mỗi gia đình ở Thanh Đức có từ 2 - 5 ha đất canh tác nhưng nhà nào cũng trồng mỗi thứ một chút, manh mún, dàn trải nên sản phẩm làm ra chỉ để tiêu dùng trong dân, chưa kích thích sản xuất hàng hóa phát triển. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế và thực trạng sản xuất, Thanh Đức đã vận động người dân trồng thảo quả dưới tán rừng nguyên sinh, trồng chè và nuôi trâu hàng hóa. Hướng sản xuất này mới thực hiện được mấy năm nhưng đang mở ra nhiều triển vọng. Kết thúc năm 2008, số hộ nằm trong diện đói nghèo tiếp tục giảm, hộ giàu tăng lên. Sự chuyển dịch này tuy chậm nhưng đã khẳng định chuyển biến lớn trong cách nghĩ, cách làm của người dân.


Nguyên nhân cơ bản của những biến chuyển trên mảnh đất này chính là sự thay đổi nhận thức của người dân. Trước đây, để đưa giống cây mới vào trồng, cán bộ xã, khuyến nông viên phải đi vận động mãi người dân mới làm. Nhưng nay thì khác, chỉ cần có chủ trương, nhân dân đã tự giác thực hiện. Kết quả là trong thời gian ngắn, người dân Thanh Đức đã trồng được trên 240 ha thảo quả, 30 ha bắt đầu cho thu hoạch; diện tích chè của xã hiện có 117,7 ha, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 20 tấn chè khô; đàn trâu của xã hiện có trên 400 con…bình quân mỗi hộ gia đình sở hữu gần 2 ha thảo quả, trên 1 ha chè và 3-4 con trâu. Thảo quả, chè, trâu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh việc phát triển cây, con thế mạnh, người dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống mới có năng suất cao vào trồng. Mục tiêu đặt ra là trồng lúa, ngô để giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, phát triển cây thảo quả, chè, chăn nuôi trâu để từng bước làm giàu.


Vậy còn nhận thức của người dân về công tác dân số, ông Mành khẳng định: Nhờ hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số nên chất lượng dân số của xã cũng có chuyển biến. Tuy mức phụ cấp cho cộng tác viên dân số theo quy định của Nhà nước còn thấp nhưng họ luôn nhiệt tình đến từng nhà tuyên truyền, vận động các chính sách về dân số để mọi người làm theo. Vì vậy, từ cuối năm 2007 đến nay, Thanh Đức chỉ có 15 trẻ được sinh ra, đặc biệt trong số đó không có trẻ nào là con thứ ba. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã nhận thức rõ tác dụng khi áp dụng biện pháp tránh thai, họ nhận thức ý nghĩ của việc sinh ít con, không sinh dày, không phân biệt trai hay gái nên công tác dân số của xã có nhiều chuyển biến. Điều này đã giúp Thanh Đức tập trung nguồn lực, từng bước vươn lên thoát nghèo.


Tiến Chiến

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần, bàn giao Nhà tình nghĩa cho thương binh nặng
HGĐT- Vừa qua, UBND huyện Xín Mần tổ chức bàn giao Nhà tình nghĩa cho thương binh hạng 1/4 Xín Kháy Chà, ở tổ 1, xã Cốc Pài; với tổng vốn hỗ trợ 77 triệu đồng từ các nguồn Quỹ xóa đói, giảm nghèo; vì người nghèo; Hội chữ thập đỏ, xóa nhà tạm và hỗ trợ của Tổng Công ty Lương thực Việt Nam, cộng với tiền đóng góp của gia đình, công giúp đỡ của bà con tổ 1, xã Cốc Pài đã giúp
24/12/2008
Giới trẻ với sắc màu thời trang xanh
Thông qua cuộc thi thiết kế thời trang Hành trình xanh, các nhà tổ chức mong muốn tạo cho giới trẻ thói quen thể hiện phong cách sống thân thiện với môi trường qua phong cách ăn mặc hàng ngày.
24/12/2008
Giảm 10% giá vé xe khách trong dịp Tết cho đối tượng chính sách
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản số 1285/GTVT-QLVT chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động trên địa bàn giảm 10% giá cước vận chuyển trên tất cả các tuyến vận tải khách nội tỉnh, liền kề và liên tỉnh trong thời gian từ ngày 15-1 đến hết ngày 4-2-2009 (tức từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng Kỷ Sửu).
24/12/2008
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước
HGĐT- Năm 2008, có 10/30 hồ chứa nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao phía Bắc được triển khai xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đến nay, 5/10 hồ đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn.
23/12/2008