Cùng mùa hoa đào Quản Bạ

16:55, 31/12/2008

HGĐT- Sáng. Quản Bạ vào Xuân, trời nhẹ gió, từng đợt gió nhẹ nhàng thổi lên từ thung lũng mang cái lạnh ngọt ngào, đào nở hồng lên trong nắng. Thị trấn Tam Sơn với cặp núi Đôi kiêu hãnh yên bình trong thung lũng mù sương.


 

 Núi đôi. Ảnh: Đức Quý


Anh vẫn thường khoe với tôi rằng: Mùa Xuân Quản Bạ đẹp lắm, cái đẹp mà chẳng có nơi nào giống nổi. Đất, trời, cỏ, cây, hoa, lá cùng đồng bào bừng lên sức sống. Ai ai cũng uống rượu ngô mà say sưa trong tiếng khèn điệu múa, vui lắm. Vui để xua đi cái vất vả của một năm lao động.


Tôi biết...

Những bản làng người Mông hạ sơn bên dãy núi Bát Đại Sơn, người Tày, người Giấy trong thung lũng Nà Khoang thơ mộng. Đẹp như lời anh kể vậy. ở đó, đồng bào sống trong những ngôi nhà chình tường ấm áp, chân thật đến say lòng. Sự khắc nghiệt của đất trời với cái nghèo, cái đói chẳng bao giờ dập tắt tiếng cười của đồng bào khi mùa Xuân về, đúng không? Tôi đang lang thang theo mùa hoa đào nơi Quản Bạ quê anh. Tôi thấy ngạc nhiên quá, quê anh đang từng ngày, từng giờ khởi sắc. ở đây, nhắc đến tên anh: Lệnh Phong Minh, Giám đốc Ngân hàng No&PTNT huyện Quản Bạ, là không ai không biết cả. Họ mừng lắm, kể chuyện về anh nhiều. Tôi định gọi điện cho anh cùng mừng nhưng nơi này không có sóng điện thoại, đành phải uống thêm rượu giùm anh. Trong chén rượu, quê anh hiện về đầm ấm biết nhường nào.


Quản Bạ quê anh chỉ cách trung tâm thị xã Hà Giang 40 km, là huyện cửa ngõ vùng Cao nguyên đá cực Bắc Tổ quốc. Du khách có về, qua con dốc Bắc Sum ngoằn ngoèo chạy cao lên đến cổng trời để đặt chân vào đất Quản Bạ là thấy ngay gian khó. Song, anh là người sinh ra trên mảnh đất này anh biết rồi còn gì. Đồng bào bao nhiêu đời vẫn đạp đá mà lớn lên. Hàng năm, rét về thì rét cắt da, cắt thịt, đến mùa hạn thì cả vùng gồng lên khát nước, khi mưa về thì xối xả nhưng có bao giờ làm nản lòng dân đâu. Cây ngô, cây lúa, đàn bò, đàn dê cũng chẳng phụ công người, cứ thế mà lớn lên, mà nuôi sống hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc luôn một lòng nghe Bác Hồ, theo Đảng.


Anh còn nhớ bát mèn mén ngày nào anh ăn đến ngọt lòng để ươm cái chữ. Anh là niềm tin, là niềm hy vọng của cả bản Tày - Nà Khoang ngày ấy đúng không? Khó khăn vậy mà đồng bào vẫn dang tay che trở. Thương yêu quá còn gì! Phải chăng vì đó mà anh yêu thương, cùng Ngân hàng Nông nghiệp gắn bó với quê hương.


Bản Nà Khoang quê anh có 136 hộ. Trưởng xóm Viên Bình Tươi, khoe với tôi rằng: Giờ cả bản đã có 57 hộ khá, chỉ còn 3 hộ nghèo, nghèo là do lười lao động, do cái bụng không hay. Cả một vùng Quản Bạ khởi sắc từng ngày. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng. Tôi phải mừng vui lên bởi con số 37% đói nghèo ở đây, thấp hơn Đồng Văn, Mèo Vạc rất nhiều. Đồng bào phá lên cười sau cái giọng lơ lớ của thanh niên dân tộc Mông Giàng Mí Cấu: “Thường thôi! Rồi sẽ không còn hộ nào nghèo đói”. Đúng thật, sao tôi lúc đấy ngơ ngẩn vậy, nói đến đói nghèo mà cứ mừng cuống lên.

Phải là: Không còn hộ nào nghèo đói.

Làm cách nào mà người dân có được như ngày hôm nay?

Chẳng đơn giản chút nào, hơn chục năm về trước, cái nghèo phủ lên hầu như khắp vùng Quản Bạ. Bản Nà Khoang quê anh nằm ngay cạnh kề huyện lỵ song cũng chẳng thoát nổi cái nghèo. Giao thông đi lại khó khăn. Người dân quanh năm chỉ biết nhìn nhau mà đói. Bắp ngô nướng bẻ đôi qua bữa, nồi củ mài vừa kịp sôi đã vội chia nhau để tiếp sức cho một ngày lao động, lao động hăng say. Chỉ có sức, không có khoa học kỹ thuật, không có vốn thì làm sao thắng nổi cái nghèo?


Nông dân Dương Mí Vàng, dân tộc Mông thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân rít một hơi thuốc lào thật mạnh, tiếng kêu phá tan không gian tĩnh lặng của quá khứ buồn da diết, cảm giác đói nghèo xa kia trong ông dường như đang dâng đầy cổ họng. Trong làn khói thuốc, tiếng ông sang sảng: Cám ơn Nhà nước, cám ơn Ngân hàng Nông nghiệp nhiều không thì người Mông sẽ chẳng còn ở cái đất Lùng Cáng này. Nhà nước mở đường giao thông về tận thôn bản, người Mông dễ đi, dễ nhìn thấy cái hay, cái tốt. Trường học được xây to, bọn trẻ có điều kiện được đến trường. Trạm xá khang trang, ai cũng đợc chăm sóc y tế, khoẻ để có sức làm theo cán bộ khuyến nông chỉ bảo, mọi người cứ nghe theo cán bộ mà làm, không có vốn đã có giám đốc Minh, có Ngân hàng Nông nghiệp cho vay vốn rồi. Nói xong, ông đưa tay chỉ về phía đàn bò, đàn dê đến gần trăm con bên kia đồi: Đấy! đàn bò, dê đó là nhờ cán bộ, nhờ Ngân hàng Nông nghiệp mà có cả đấy, chỉ vài hôm nữa thôi là ông sẽ cho chúng lên xe 88 (xe ô-tô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) về xuôi ăn Tết hết. Nói xong, ông thản nhiên cười mãn nguyện.


Trưa. Trời Quản Bạ bừng lên một ngày nắng đẹp. Đẹp như lời anh kể vậy.

Bây giờ đất này có nhiều người như nông dân Dương Mí Vàng lắm, cái nghèo lùi xa. Bác Long Đình Kính nhà ở Nà Khoang quê anh bảo: Sáng nay anh vào nhà, thấy nhà tềnh toàng vậy anh đừng chê tôi nghèo nhé. Nhờ đồng vốn Ngân hàng Nông nghiệp các anh mà tôi sắp có nhà to rồi đấy, đang xây, Tết là uống rượu tại nhà mới rồi. Vui quá còn gì.


Chị Vàng Thị Máy, ở Lùng Tám, nơi mà hoa đào luôn nở sớm hơn mọi vùng, giờ đang rộ. Nhắc đến anh, chị mừng và kể chuyện anh nhiều. Lấy chồng 5 năm cũng là 5 năm chị biết làm kinh tế. Ngoài chăn nuôi bò lợn, chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng về mua máy dệt, máy may, nguyên liệu về dệt vải thổ cẩm may áo, váy dân tộc mình để bán cho đồng bào. Tuy chưa giàu được nhưng cũng giúp gia đình chị đủ ăn, nhà có ti-vi, xe máy, các con chị được đến trường. Chị tâm sự: Ngày ra Ngân hàng Nông nghiệp, chị sợ lắm, sợ mọi người không tin, không cho chị vay tiền. Chị nghèo, tài sản chẳng có gì, ai tin. Nhưng rồi chị thấy mừng vì mọi người tin, cho chị vay tiền mà vay đến 50 triệu đồng. Tình cảm của Ngân hàng Nông nghiệp đã thôi thúc chị làm và giờ tuy không còn nợ song Ngân hàng Nông nghiệp luôn là nơi chị tìm về thăm mỗi khi mùa Xuân về... Hôm đấy chị khóc anh biết không... Vui quá mà khóc thôi. Sống trên mảnh đất Lùng Tám đầy khó khăn này mà được như chị hôm nay sao không vui. ở đây còn nhiều hộ nghèo lắm. Phải nói Lùng Tám là một trong những xã có tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất nhì huyện.


Mải lang thang với mầu đào phai, cùng với những hộ làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu, tôi vẫn không quên tìm về một gia đình nghèo Giàng Vả Tủa, dân tộc Mông, 32 tuổi, ở Cán Tỷ. Tủa có một vợ bốn con, ba trai một gái, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa bé nhất 2 tuổi. Nghe là thấy nghèo. Đẻ nhiều quá. Ngôi nhà nhỏ và rách tả tơi bên cạnh dòng Tráng Kìm lặng chảy. Tôi khom người qua cửa bước vào trong, nhìn ngôi nhà tềnh toàng, hai đứa bé sơ sài manh áo co ro bên nồi rau cải nguội. Trông chúng lòng tôi như thắt lại. Chủ nhà như muốn giấu đi sự nghèo đói, nhưng chẳng thể nào giấu nổi. Anh cuốn vội chiếc chăn mỏng nơi xó bếp, mang ghế kê ra chỗ cửa ra vào, nơi duy nhất trong căn nhà mà ánh sáng có thể dọi vào. Tôi liền chủ động hỏi: Nhà có đủ ăn không? Anh cười. Tôi hỏi tiếp: Sao không vay tiền Ngân hàng làm kinh tế. Anh liền trả lời: Có vay 10 triệu, mua được con lợn, còn mua ngô cho con ăn hết rồi... Chẳng thể hỏi gì thêm nữa, tôi mang nỗi buồn từ căn nhà nhỏ lang thang. Lời Trưởng xóm Nà Khoang, Viên Bình Tươi, vọng về trong trí óc: “Nghèo là do lười lao động, do cái bụng không hay...”


Rồi nỗi buồn cũng tan biến trong phiên chợ Tráng Kìm cuối năm. Đồng bào từ khắp các nẻo đường nô nức về chợ, sản phẩm của đồng bào được thương lái vùng xuôi lên thu mua. Bán hàng xong đồng bào lại tìm mua cho mình đồ dùng sinh hoạt, quần áo mới. Trông ai cũng rạng ngời, vui lắm. Họ mời tôi nhiều rượu lắm, họ bảo yêu thì mời.Vả Thàng Hai trên Cao Mã Pờ đi xe máy mới, Thàng Hai bảo hôm nay sẽ mời mọi người thật nhiều rượu để cùng mừng cho anh vừa mua được chiếc ti-vi tại phiên chợ này. Chiếc ti-vi có từ mùa thảo quả. Lại nói về thảo quả, anh đã kể cho tôi, trên Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài, nhà nào cũng bạt ngàn thảo quả. Vốn Ngân hàng Nông nghiệp đã cho thảo quả thành hàng hoá, thành thương hiệu “Thảo quả muối” của Công ty 567 thơm ngon khắp mọi vùng.


Tôi không biết nhiều về thảo quả. Anh, mùa Xuân thảo quả cho hoa hay cho quả, hay mùa Xuân cho thảo quả nảy mầm mới lên xanh. Hẹn khi khác tôi sẽ về thăm quê anh với những vùng thảo quả.


Chiều. Gió vẫn thổi lên nhè nhẹ từ thung lũng, hoa đào vẫn hồng lên trong Xuân. Mùa Xuân quê anh đẹp thật...

  
Đồng Văn, tháng 12/2008


Đức Hào

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đón xuân trong tư thế sẵn sàng
HGĐT- Cuối năm, các anh không nghỉ ăn Tết? Thượng tá Lê Thành Mai, Chỉ huy trưởng Huyện đội Xín Mần lắc đầu, ngày lễ tết, là những ngày cao điểm cần đề phòng biến cố. Tết, LLVT vẫn ăn, rượu có uống, quân vẫn thường trực chiến đấu.
31/12/2008
Bắc Mê sung sức tuổi 25
HGĐT- 25 năm trước, vào ngày 1.1.1984 tại km 64, nơi gần Căng Bắc Mê lịch sử, diễn ra một sự kiện trọng đại đó là công bố Quyết định thành lập huyện Bắc Mê, được tách ra từ huyện Vị Xuyên. Hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê đã từng bước vượt qua những khó khăn thủa ban đầu, giành được những
31/12/2008
Đoàn Dân chính tỉnh: Học tập Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) và Tổng kết công tác Đoàn, phong trào TTN năm 2008
HGĐT- Ngày 26.12.2008, Đoàn Dân chính tỉnh tổ chức học tập Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X) của Đảng và tổng kết công tác Đoàn, phong trào TTN năm 2008.
29/12/2008
Diễn đàn “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”
HGĐT- Tối 25.12, tại Hội trường Thị ủy, Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo: Tỉnh đoàn, Sở VHTT&DL; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hội Khuyến học tỉnh cùng đông đảo học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn thị xã…
29/12/2008