Hàn Quốc - Một vài cảm nhận!
HGĐT- Trưởng đoàn Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và mấy anh em trong đoàn báo chí Việt Nam sang Hàn Quốc dự Hội nghị diễn đàn cấp cao Hội Nhà báo châu á (AJA), đều rất cảm động khi thấy ngài Lee Sang Ki, Chủ tịch và ngài Ryong Ol, Tổng Thư ký AJA trực tiếp lái xe ra sân bay Quốc tế Seoul đón đoàn Việt Nam.
Một góc thủ đô Seoul - Hàn Quốc.
|
Gặp nhau, tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày gặp lại, rồi nhanh chóng xếp đồ của anh em trong đoàn lên xe để về nơi nghỉ. Chặng đường từ sân bay về trung tâm thủ đô Seoul hơn 80km, được nối liền bởi tuyến đường đôi mỗi bên 4 làn xe chạy, các dòng xe ô tô nối đuôi nhau, ken dầy trên mặt đường. Với tốc độ khá cao, bởi đường đẹp, xe tốt, tham gia giao thông chỉ có một phương tiện là ô tô... vậy mà 80km từ sân bay về trung tâm Seoul vẫn mất hơn 2 giờ đồng hồ vì liên tục bị ùn tắc, kẹt xe. Ngài Ryong Ol - Tổng thư ký AJA, vừa lái xe vừa giải thích cho chúng tôi: Chuyện kẹt xe ở thủ đô Seoul rất phổ biến, vì lượng ô tô tham gia giao thông quá lớn, tại các ngã tư, ngã sáu, chỉ cần dừng khi có đèn đỏ khoảng 30 - 40giây thì lượng xe xếp hàng sau đèn đỏ đã là cả trăm chiếc, có lúc, lượng xe dừng lại chưa thoát hết thì đèn đỏ lại tiếp tục nhấp nháy, thế là lại xếp hàng, tiếp tục kẹt lại... Để giải quyết nạn kẹt xe, hiện nay, tại nhiều điểm giao cắt giao thông, người Hàn đã cho xây dựng các tuyến đường trên cao, đường ngầm để thoát xe, xóa bỏ đèn đỏ và mục tiêu là đến 2015 tất cả các điểm giao cắt giao thông của Seoul sẽ không còn đèn đỏ, nếu được như vậy thì cơ bản Seoul sẽ giải quyết được nạn kẹt xe. Lần này đến Hàn Quốc, được tham quan thủ đô Seoul, đặc biệt là hệ thống giao thông hai bờ sông Hàn và hệ thống cầu bắc qua sông, chúng tôi mới hiểu rõ hơn tại sao Hàn Quốc lại thắng thầu, vượt qua nhiều nước, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới để được làm chủ dự án xây dựng “Thành phố sông Hồng” dọc hai bờ sông Hồng tại thủ đô Hà Nội của chúng ta. Thủ đô Seoul cũng được trời cho dòng sông Hàn chảy qua như một dải lụa trong xanh, tuyệt đẹp, chứ không đỏ ngầu phù sa như sông Hồng của thủ đô Hà Nội. Trên đoạn sông chảy qua trung tâm Seoul, hiện đã có trên 30 cây cầu nối liền hai bờ, mỗi cây cầu mang một phong cách kiến trúc riêng biệt, phục vụ cho hai loại phương tiện chủ yếu là tàu hỏa và ô tô; đã có trên 30 cây cầu, nhưng tôi vẫn thấy khá nhiều cây cầu nữa đang tiếp tục được xây dựng để nối liền hai bờ sông. Và tại trung tâm thủ đô, hai tuyến đường huyết mạch chạy dọc thành phố chính là hệ thống đường nhiều tầng chạy dọc đôi bờ sông Hàn, chân móng của hệ thống đường ăn sâu xuống hai bờ sông, tuyến đường đôi, mỗi chiều 4 làn xe chạy. Người Hàn chỉ phải lo tiền làm đường, chứ không phải lo tiền đền bù giải phóng mặt bằng như bên ta; có lẽ đây là lý do thuyết phục nhất để các nhà quản lý Việt Nam chấm điểm, thắng thầu cho họ. Hôm chúng tôi đứng từ trên tháp truyền hình nhìn xuống, ngắm toàn cảnh thủ đô Seoul, quan sát hệ thống cầu bắc qua sông Hàn và đường trục dọc hai bờ sông, các tuyến nhánh để phân luồng tạo nên hệ thống đường giao thông ngang dọc, chi chít, dày đặc nhưng lại rất quy củ, được mã hóa, nạp vào phần mềm dữ liệu của hệ thống định vị giao thông (tất cả các xe ô tô tham gia giao thông ở Hàn Quốc đều có máy định vị lắp tại xe để chỉ dẫn cho người lái xe biết vị trí và hướng đi của mình); rồi xuống đi thử, tham quan tuyến đường xe điện ngầm ở Seoul - chúng tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi sự hiện đại và tầm nhìn xa của người Hàn Quốc khi họ xác định đúng và trúng: Giao thông là chìa khóa quan trọng góp phần quyết định cho sự tăng trưởng KT - XH.
Đại biểu của hơn 30 đoàn báo chí các nước châu á đến Hàn Quốc lần này để dự diễn đàn cấp cao AJA, đều có chung một cảm nhận: Seoul vào thu, đẹp tuyệt vời. Hàn Quốc là một bán đảo, địa hình đồi núi, dốc thoải có biển bao bọc vây quanh; thủ đô Seoul san sát nhà cao tầng, ngút ngát tầm mắt chỉ thấy nhà cao tầng nối nhau chạy dài ra mãi, thế nhưng hệ thống nhà cao tầng, chọc trời ấy vẫn được định vị và xây lên từ nền địa hình đồi núi, dốc thoải đó, được quy hoạch, phân cấp, chia lô theo từng mặt bằng có độ cao khác nhau và chen vào giữa những khu nhà cao tầng đó, người ta vẫn quy hoạch, giữ lại những dải cây, vạt rừng tự nhiên mọc rất dầy chỉ có hai loại cây là cây thông và cây Ngân hạnh. Ra khỏi thủ đô, đi về các tỉnh, ở bất cứ đâu, dọc hai bên đường nhìn hết tầm mắt trên các dải đồi núi, vào mùa thu này đều chỉ thấy mầu xanh của cây thông, mầu vàng đỏ rực của câyNgân hạnh. Cây trồng ở trung tâm thành phố, các nhà hàng, khách sạn, công viên cũng chủ yếu là thông và Ngân hạnh... Có lẽ người Hàn đã chọn thông và Ngân hạnh là giống cây trồng để làm nên thương hiệu của đất nước mình.
Các nhà lãnh đạo AJA tổ chức diễn đàn cấp cao lần này với chủ đề: “Thay đổi khí hậu, tác động của báo chí trong cuộc cách mạng xanh mới”, có lẽ vì tính chất và yêu cầu đặt ra của hội nghị thực sự có tầm quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia và toàn châu lục; hơn nữa, hội nghị được tổ chức ở Hàn Quốc, một đất nước mà những bước đi đúng đã tạo nên sự độc đáo, thần kỳ cho con đường phát triển, đi lên; biến một vùng đất khô cằn, nghèo tiềm năng vụt đứng dậy thành một quốc gia tiên tiến, hùng mạnh của châu lục và thế giới. Nên hội nghị đã tạo nên sự thu hút rất lớn: Hơn 100 đại biểu của gần 30 đoàn báo chí các nước thành viên AJA đã có mặt; đồng thời hội nghị cũng tạo dấu ấn, sự quan tâm, theo dõi của Chính phủ và các tổ chức xã hội Hàn Quốc. Ngài Lim Che Châng, Chủ tịch Quốc hội cùng các vị đặc phái viên của Tổng thống, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tham dự và phát biểu chào mừng hội nghị. Hai nội dung quan trọng nhất được tham luận sôi nổi tại hội nghị là: Viết về thảm họa thiên nhiên và vai trò của báo chí trong thông tin về thay đổi khí hậu. Trưởng đoàn Việt Nam Đinh Thế Huynh với bài phát biểu: “Báo chí Việt Nam phối hợp thông tin cùng báo chí châu á để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở châu á” đã thực sự thu hút được sự quan tâm, chú ý của hội nghị, tràng vỗ tay, tán thưởng vang dội và kéo dài nhất trong các bài tham luận đã nói lên điều đó.
Biết tin đoàn báo chí Việt Nam có mặt tại Hàn Quốc, ngài Cô Hiêng Kinh, Nghị sỹ, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa - Thể thao - Du lịch - Báo chí - PTTH của Quốc hội Hàn Quốc đã đăng ký xin gặp, trao đổi với đoàn Việt Nam - và nội dung chính trong buổi tọa đàm được ngài Nghị sỹ đưa ra chính là kinh nghiệm và cách làm của Việt Nam trong việc hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước. Tiếp xúc, lắng nghe tâm sự của ngài Cô Hiêng Kinh; tìm hiểu, chuyện trò với một số người dân và đặc biệt là những ấn tượng, cảm xúc trực tiếp khi đến thăm vùng giới tuyến, vĩ tuyến 38, tạm thời ngăn cách hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, là người Việt Nam, một dân tộc đã từng có 21 năm đất nước bị chia cắt thành hai miền, nhưng hôm nay, nước non đã liền một dải, tôi và anh em đoàn Việt Nam càng thấu hiểu và cảm thông với nỗi buồn đau, sự trĩu nặng trong tâm lý của người Hàn, bởi đến lúc này thời gian đã là 55 năm sau ngày đình chiến, đất nước vẫn hai bên chiến tuyến, vĩ tuyến 38 vẫn như lưỡi dao cắt đôi bán đảo Triều Tiên, hằn sâu vào tâm trí người dân nỗi đau chia cắt. Người Triều Tiên sống trên báo đảo này chỉ có một dân tộc duy nhất: Dân tộc Triều Tiên; một ngôn ngữ duy nhất cho cả dân tộc - tiếng Hàn. Hơn 100 triệu dân của một đất nước tạm thời được tồn tại thành 2 quốc gia, hôm nay có nguồn gốc duy nhất từ một quốc gia một dòng họ Joseon cổ xưa... Đó chính là nét độc đáo, niềm tự hào của đất nước Hàn Quốc, của dân tộc Triều Tiên, nhưng chính nét độc đáo đó, niềm tự hào đó lại đang trở thành một nỗi đau của cả dân tộc, của cả 2 quốc gia Hàn Quốc và Triều Tiên. Trưởng đoàn Đinh Thế Huynh và anh em trong đoàn đã tâm sự, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách nghĩ, cách làm của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước với ngài Cô Hiêng Kinh và tin tưởng sâu sắc rằng nhất định hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước sẽ thành công trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến đi này, tôi gặp và trò chuyện với khá nhiều người Việt Nam đang sống ở Hàn Quốc, anh chị em đều rất vui khi được gặp chúng tôi - từ quê nhà sang, chuyện nổ như ngô rang, ôm chầm lấy nhau vì vui và cảm động. Hôm đoàn làm việc với đại sứ ta tại Hàn Quốc, đại sứ Phạm Tiến Vân cho chúng tôi biết: Hiện tại có hơn 50 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy, tập đoàn kinh tế lớn; phía bạn đánh giá cao ý thức lao động và tay nghề của lao động Việt Nam. Và đến nay hơn 30 nghìn phụ nữ Việt Nam đã kết duyên chồng vợ với các chàng trai sứ Hàn, đa số các cặp vợ chồng sống rất hạnh phúc; tuy nhiên, nhiều câu chuyện ngô nghê, cười ra nước mắt của những cặp vợ chồng bất đồng ngôn ngữ, nói bằng tay, yêu bằng mắt, được các bạn kể cho chúng tôi nghe như là kỷ niệm đẹp về những ngày hạnh phúc đầu tiên nơi quê chồng sứ Hàn. Chúng tôi được biết, đại sứ quán Việt Nam vừa phối hợp với các tổ chức xã hội của Hàn Quốc, tổ chức được 2 chuyến cho đại diện các gia đình “nhà gái quê Việt” sang thăm “nhà trai xứ Hàn”, tìm hiểu cuộc sống của con cái mình khi lấy chồng xa xứ - kết quả rất tốt, tạo sự đồng cảm, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên thông gia mà khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ đã làm cho xa cách, nhớ nhung. Tin tưởng rằng, mối tình này sẽ ngày càng tốt đẹp, gắn bó, đúng như lời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong buổi tiếp Tổng thống Lee myung Bak : “Việt Nam và Hàn Quốc là 2 quốc gia có mối quan hệ thông gia”. Chắc chắn quan hệ thông gia này sẽ đơm hoa kết trái, làm cơ sở cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng bền vững và phát triển.
5 ngày là quá ngắn ngủi cho một chuyến đi có nhiều tham vọng tìm hiểu và học hỏi như tôi, Ban tổ chức của AJA đã thực sự cố gắng khi dành cho các đại biểu 3 ngày đi thăm các địa danh văn hóa du lịch, các vùng quê, các tập đoàn kinh tế của đất nước Kim chi. Đó là thành phố USAN nơi có Nhà máy Ô tô HYUNDAI, một thương hiệu giờ đây đã thực sự chiếm lĩnh lòng tin của thị trường ô tô thế giới; là khu kinh tế mở INCHOWL - một thành phố hải cảng lớn nhất Hàn Quốc, được Chính phủ cho đầu tư xây dựng thành khu vực mậu dịch tự do để thu hút vốn, công nghệ, trí thức và lao động có tay nghề cao vào Hàn Quốc; là ngôi chùa Pét Tam có lịch sử 400 năm tuổi và đền thờ BacKdam ở tỉnh Gangwon - những địa danh giúp cho du khách hiểu biết và ngưỡng mộ sâu sắc bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, tôn giáo của người dân xứ Hàn.
Đặc biệt, buổi gặp và làm việc giữa đoàn ta với đoàn cấp cao Hội Nhà báo Hàn Quốc, do ngài Kim Kung Hô, Chủ tịch dẫn đầu, đã diễn ra rất thân tình, cởi mở; phía bạn đón anh em trong đoàn Việt Nam như đón những người thân lâu ngày gặp lại. Đã từ lâu rồi, hai Hội Nhà báo Hàn Quốc và Việt Nam có quan hệ song phương, gần gũi. Ngài Chủ tịch Kim Kung Hô đã sang thăm Việt Nam, khi tôi hỏi kỷ niệm gì làm cho ngài nhớ Việt Nam nhất? Ông đã cười rất vui và trả lời ngay: “Thịt chó, thịt chó Việt Nam ngon lắm, tuyệt vời lắm”. Bữa tiệc tiếp đoàn ta đã kéo dài hơn 2 tiếng và khi kết thúc, chủ và khách đã gắn bó như những người thân trong một gia đình...
Seoul đã vào thu, tiết trời se lạnh, giờ Seoul sớm hơn giờ Hà Nội 2 tiếng; 5h sáng người Hàn đã dậy, bắt đầu một ngày mới, tôi cũng thức giấc lúc 5h (biết rằng lúc này ở Việt Nam mình mới là 3h sáng, mọi người còn đang ngon giấc lắm!), nhưng ở xứ Hàn lúc này, ông mặt trời đã dậy, dọi những tia nắng đầu tiên xuống mặt đất. Tôi bước ra ban công tầng 15 nơi tôi ngủ, nhìn xuống dưới, thấy tất cả các tuyến đường đã ken kín các làn xe, một ngày mới tất bật, hối hả của thủ đô Seoul lại bắt đầu.
Ý kiến bạn đọc