Cô gái tuổi 23 nuôi ba chị em khiếm thị
Chỉ mất 2 ngày suy nghĩ, cô sinh viên tình nguyện Thủ đô Nguyễn Hoàng Oanh đã quyết định nhân nuôi ba đứa trẻ bị mù.
“Mở đường” cho những số phận trong bóng tối
Đầu năm nay, đúng ngày lễ tình nhân, trong chuyến đi tình nguyện về huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Hoàng Oanh đã bị mấy em nhỏ khiếm thị thu hút đến mức chẳng thể rời mắt. Dịp đó, trời lạnh cắt da cắt thịt vậy mà các em vẫn chỉ khoác trên mình bộ quần áo mỏng tanh nhưng vẫn chia sẻ khát khao được đi học của mình. Oanh đã ngồi hàng tiếng nói chuyện với các em, biết đó là 3 chị em ruột trong một gia đình nghèo có bảy chị em thì có đến 4 người bị mù. Lúc đó, Oanh đã tự nhủ: “Mình sẽ đưa các em đến trường”.
Thường chia sẻ: “Nhiều người khuyên chị em em đừng đi vì họ nói ở đâu chúng em cũng chỉ là gánh nặng cho người khác. Tất cả mọi người đều nghĩ chúng em là người vô dụng nhưng chị Oanh thì không. Chỉ gặp chị một lần nhưng em biết đó sẽ là người “mở đường” cho cuộc đời chúng em”.
Thế là Oanh, cô gái 23 tuổi trở thành mẹ của ba người con khiếm thị, đứa lớn nhất chỉ kém mẹ ba tuổi và đứa út mới bước sang tuổi 12. Nhiều người biết chuyện phản đối dữ dội: “Điên à?”, đến cả những người đi tình nguyện cùng Oanh cũng “không hiểu nổi việc làm của Oanh” nhưng Oanh lại có sự ủng hộ của bố mẹ và... niềm say mê của bản thân.
Oanh bộc bạch: “Nói có thể nhiều người không tin nhưng bố mẹ mình ủng hộ vì đã biết con gái say mê với các việc làm tình nguyện từ nhỏ, bây giờ cũng chỉ là thêm một việc thôi. Điều mẹ mình luôn răn dạy các con: Sống thì phải tu nhân tích đức”.
Làm những việc mình thấy vui - Tại sao không?
Ngày đón ba em tự Quảng Bình ra, Oanh tất bật đi thuê phòng trọ. Căn phòng chỉ hơn 15m2 ở ngõ 443 Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) với giá thuê phòng 1,2 triệu đồng trở thành tổ ấm mới của Oanh và các em.
Về đến nhà, Oanh lại tất bật chuẩn bị nấu ăn, dọn dẹp ngôi nhà nhỏ và chăm sóc những “người con” của mình. Oanh dạy cho các em tính tự lập, làm những công việc trong khả năng của các em như giặt quần áo, rửa bát, nhặt rau…
Oanh tìm lớp học cho các em, các em còn được học tin học, hiện giờ cả ba chị em đã có thể đánh mười ngón thành thạo. Những lúc rảnh rỗi Oanh còn dẫn các em đi siêu thị, bảo tàng, công viên. Cô em út Phạm Thị Hiếu lúc nào cũng hớn hở: “Nhiều người hỏi chị Oanh, chúng không nhìn thấy dẫn đi làm gì nhưng bây giờ nói siêu thị, bảo tàng như thế nào em biết hết. Đi đến đâu chị Oanh diễn tả lại cho chúng em rất kỹ càng”.
Oanh tốt nghiệp trường Kinh tế Quốc dân năm ngoái, cô đã từng làm việc cho một công ty sản xuất vật liệu xây dựng, từng mở cửa hàng riêng nhưng với Oanh không thể dứt ra được với các hoạt động tình nguyện, mà ngày càng "chìm trong cơn mê"...
Từ khi nhận nuôi ba em, Oanh đã nghỉ việc và dồn sức vào các hoạt động tình nguyện. Không chỉ các hoạt động tình nguyện ở Thủ đô, mà nhiều vùng trong cả nước, Oanh luôn là cái tên được nhiều người “gọi” đầu tiên và không bao giờ Oanh từ chối tham gia. Nhiều lúc Oanh cũng nghĩ không “chạy” nữa nhưng cô lại không làm được: “Quen chân mất rồi!” - Oanh cười.
Vừa rồi, hai em Thắng và Hiếu đã đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, các em không phải chi trả tiền học phí, chỉ phải đóng tiền bảo hiểm gần 800.000 đồng. Hỏi Oanh về vấn đề tiền nong nuôi dưỡng các em, Oanh bộc bạch: “Nhiều người nghĩ mình… giàu lắm nhưng đâu phải thế. Nhưng hình như từ khi sống với các em mình toàn gặp may. Chẳng hạn vừa rồi mình xin được mấy chục suất học bổng cho học sinh nghèo, các em lại chia sẻ một phần để chị Oanh nuôi “con”.
Vòng tay ôm chặt Oanh, em Hiếu nói: “Hôm nào chị Oanh có tiền thì có thịt, có cá còn không thì ăn rau. Ăn gì cũng thấy ngon, cả nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười”.
Nhiều người vẫn không tin nổi việc nhận nuôi ba đứa trẻ khiếm thị của Oanh nhưng với cô gái này, làm những việc cô thấy tâm hồn mình vui vẻ và thanh thản, vậy tại sao không làm? Dù Oanh biết phía trước mình còn rất nhiều khó khăn nhưng Oanh vẫn tự hứa: sẽ theo các em đến khi các em có thể bước vào đời.
“Chúng em sinh ra ở Quảng Bình nhưng cuộc đời của ba chị em chỉ thật sự bắt đầu khi về ở cùng chị Oanh”. Câu nói của em Thường đủ để nói lên “sức mạnh” của việc mà Oanh đang làm.
Ý kiến bạn đọc