Trọn nghĩa, vẹn tình với người có công
(HGĐT)- Những năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách trong huyện Bắc Quang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện tới xã, trị trấn đặc biệt quan tâm.
Nhân dân thôn Tân Thành, xã Việt Vinh (Bắc Quang) giúp gia đình CCB Phùng Chung Thủy làm nhà mới. |
Là huyện có số lượng đối tượng chính sách nhiều, gồm 1.327 đối tượng, chiếm tỷ lệ 38,9% so với tổng đối tượng chính sách toàn tỉnh, trong đó, có 398 thương binh, bệnh binh và người hưởng chế độ như thương binh (có 4 thương binh hạng đặc biệt); 279 gia đình liệt sỹ; 56 cán bộ tiền khởi nghĩa; 1 cán bộ lão thành cách mạng; 312 nguời bị nhiễm chất độc màu da cam; 278 sinh viên, học sinh được hưởng trợ cấp hàng tháng. Toàn huyện có 16 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) và đến nay còn duy nhất một mẹ Vi Thị Uẩn, hiện ở xã Đồng Yên.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thời gian qua, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng được các cấp, các ngành, xã, thị trấn duy trì và nhân rộng, như: Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phong trào đồi cây, vườn cây tình nghĩa, phong trào nâng cao mức sống cho gia đình chính sách đảm bảo cao hơn mức trung bình của nhân dân nơi cư trú...Với lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đóng góp xây dựng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” mỗi năm được trên 100 triệu đồng. Theo định kỳ hàng năm, huyện tổ chức cho thương binh, bệnh binh đi giám định thương tật, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, xe lăn cho thương binh nặng, tổ chức đi điều dưỡng tập trung và tại chỗ theo chỉ tiêu phân bổ của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý, chăm sóc tôn tạo bia mộ nghĩa trang liệt sỹ luôn được huyện quan tâm thực hiện. Được sự quan tâm của Sở LĐ-TBXH, 2 nghĩa trang liệt sỹ và Đài tưởng niệm của huyện đã được đầu tư tu sửa tôn tạo với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng, xây dựng 3 nhà bia ghi tên tại 3 xã Quang Minh, Bằng Hành và Hùng An, với tổng kinh phí xây dựng trên 600 triệu đồng; công tác chi trả chế độ trợ cấp cho các đối tượng chính sách, thực hiện đảm bảo, đúng quy trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng hưởng chế độ. Song song với hoạt động trên, nhiều cơ quan, đơn vịtrong huyện cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Đoàn thanh niên tặng áo lụa cho các Bà mẹ VNAH; Uỷ ban MTTQ xã, thị trấn đã tặng trên 10 vườn cây, đồi cây “Tình nghĩa” cho các gia đình chính sách; Hội Phụ nữ huyện mỗi năm tặng trên 10 sổ tiết kiệm; ngành Y tế tổ chức khám, chữa bệnh thường xuyên cho các thương, bệnh binh. Phong trào “Trần Quốc Toản” của ngành Giáo dục luôn được duy trì và có nhiều hoạt động thiết thực; cơ quan chi nhánh điện đã nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Vi Thị Uẩn với mức trợ cấp hàng tháng 500 nghìn đồng, nhiều ngành trong huyện nhận đỡ đầu, chăm sóc con thương binh, con liệt sỹ, mẹ liệt sỹ về cuộc sống và giúp đỡ các cháu về học hành. Đặc biệt, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong 5 năm qua, huyện Bắc Quang đã hỗ trợ xây dựng được 21 nhà tình nghĩa, với mức bình quân 60 triệu đồng/nhà, nâng tổng số nhà tình nghĩa trong toàn huyện từ trước đến nay 97 nhà; hỗ trợ tu sửa nhà ở cho gia đình chính sách được trên 300 nhà. Ngoài ra, huyện còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách nhân ngày Lễ, ngày Tết. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức vận động nhân dân trong thôn, bản, các đơn vị trường học tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ gia đình chính sách, người có công. Qua những việc làm cụ thể, thiết thực trên đã tạo động lực giúp anh chị em thương, bệnh binh, người có công, gia đình chính sách vượt khó đi lên, nhiều người đã trở thành những tấm gương sáng được các cấp khen thưởng.
Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thực sự trở thành phong trào sâu rộng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Bắc Quang đã thường xuyên nắm chắc các văn bản chế độ chính sách của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp và văn bản hướng dẫn của ngành để kịp thời cụ thể hoá, tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền vận động các lực lượng trong xã hội tham gia chăm sóc đối tượng người có công theo “thế chân kiềng”, Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cộng đồng giúp đỡ, bản thân đối tượng tự vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc