Nơi các anh hy sinh giờ thành điểm đến của du khách

17:12, 25/07/2008

(HGĐT)- Đã nhiều lần qua mảnh đất ấy - nơi 11 chiến sỹ đội văn công Trung đoàn 148 năm xưa hy sinh trong đêm bọn phỉ tràn về, tập kích bất ngờ, tôi vẫn không nguôi niềm khắc khoải. Một cái hố sâu bọn phỉ ném xác 7 chiến sỹ đội văn công vẫn còn đó, căn nhà của ông Giàng Seo Dìn, đội văn công dừng chân nghỉ đêm và bị sát hại tuy đã đổ sập theo thời gian nhưng nền nhà vẫn còn như một bằng chứng nhức nhối.


Mảnh đất Nàn Ma (Xín Mần) theo tiếng địa phương là Trạm Ngựa, ngày xưa bọn phỉ thường tràn về cướp phá giờ đã trở thành vùng quê đổi mới, có mận hậu Nàn Ma nổi tiếng được nhiều người biết đến. Giữa mùa mận năm nay, tôi lại ngược con dốc quanh co đến với Nàn Ma. Chuyến đi này không phải để thưởng thức vị ngọt ngào, tan chảy nơi đầu lưỡi của mận hậu, tôi lên Nàn Ma, thả tâm tư ngược dòng chảy của thời gian, hồi tưởng về cái đêm đầy biến động. Đứng trên đất Nàn Ma, đúng nơi chiến sỹ đội văn công hy sinh, đọc lại những trang hồi ký, trong tôi bỗng văng vẳng lời hát như khúc quân hành hoành tráng trước họng súng đen ngòm của bọn phỉ: “Binh đoàn ta 148 tiến lên! Sơn La từ xưa bao gian khổ trường kỳ! Xưa Mương Khương, Than Uyên chiến thắng chớ quên! Sầm Tớ, Pha Long ầm tiếng súng sáng ngời bao gương hy sinh!”. Đứng nơi này, phóng tầm mắt xa xa, dưới thung lũng, lưng chừng núi những bản làng của đồng bào các dân tộc đang sáng lên hoà quện màu nắng tươi nguyên, từng đàn gia súc men theo đường mòn, căng tròn bụng, những chị phụ nữ nặng gùi thóc, đậu tương đang trở về nhà...tất cả toát lên một cuộc sống no ấm. Khắp Nàn Ma đang dâng trào sức sống mới.


Lý lịch di tích lịch sử Nàn Ma có ghi lại những ngày tháng hoạt động, chiến đấu oanh liệt của các chiến sỹ đội văn công Trung đoàn 148. Và ai đã từng đọc, biết về đêm bọn phỉ tràn về, đều cảm nhận sự dũng cảm, can trường của chiến sỹ đội văn công, càng sôi sục căm thù tội ác của bọn phỉ gây ra. Năm 1945, tại xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La), Trung đoàn 148 được thành lập với quân số khoảng 600 người. Trong khoảng thời gian từ 1946-1950, Trung đoàn 148 tham gia chiến đấu ở mặt trận Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và vùng thượng Lào. Đến tháng 4.1950, Trung đoàn bắt đầu hành quân từ Mường Hủa, Mộc Châu (Sơn La) về Lang Chánh (Thanh Hoá) để củng cố, xây dựng lực lượng. Đội văn công Trung đoàn 148 được ra đời trong thời gian này với tên gọi đội Tuyên văn. Diễn viên là những cán bộ, chiến sỹ có năng khiếu ca hát ở các đại đội võ trang tuyên truyền. Đến năm 1951, đội Tuyên văn được đổi tên thành đội văn công Trung đoàn 148 và bắt đầu hành quân từ Lào Cai về Hà Giang. Ngày đó, tuyến đường từ Lào Cai - Hà Giang rất hiểm trở, dọc đường thường có các toán phỉ phục kích. Cùng với việc biểu diễn phục vụ chiến sỹ, nhân dân, đội văn công còn làm công tác dân vận ở những nơi dừng chân như tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Bác Hồ cho đồng bào, hướng dẫn đồng bào thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Trung tuần tháng 5.1952, sau gần 3 tháng phục vụ tại Hà Giang, đội được lệnh trở về Lào Cai. Trên đường trở về, đến thôn Nàn Ma đội văn công dừng chân nghỉ lại.


Hồi ký của ông Đỗ Tùng, người duy nhất của đội văn công Trung đoàn 148 sống sót khiến chúng tôi rất xúc động. Khoảng 3 giờ sáng 15.5.1952, hàng trăm tên phỉ từ Si Ma Cai kéo về khu vực Nàn Ma cướp, phá. Chúng chia thành nhiều toán, lùng sục khắp thôn bản, trong đó 1 toán phát hiện căn nhà ông Giàng Seo Dìn có các chiến sỹ đội văn công đang nghỉ tại đó và chúng tổ chức đánh úp. Lúc đó, đội văn công chỉ có 1 súng tiểu liên, 2 súng trường và dao, gậy nhưng các anh vẫn xông ra đánh trả toán phỉ nhằm mở “đường máu” phá vòng vây thoát ra ngoài, nhiều tên phỉ đã bị các anh tiêu diệt. Nhưng lực lượng của đội mỏng, vũ khí đạn dược hết nên nhiều chiến sỹ đã hy sinh, một số đồng chí thoát ra ngoài. Tuy nhiên do không thuộc địa hình nên đã bị bọn phỉ bắt lại. Trưa hôm sau, tại bờ suối chảy qua thôn Nàn Ma, bọn phỉ đã mang 4 chiến sỹ văn công còn sống sót ra bắn. Trước họng súng của bọn phỉ, các anh đã hát vang lời ca bất khuất và anh dũng hy sinh. Nơi các nằm xuống đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử. Di tích này là chứng tích lịch sử quan trọng, tố cáo tội ác của bọn phỉ. Đồng thời nó phản ánh cuộc đấu tranh gian khổ, tinh thần chiến đấu anh dũng của của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tinh thần phục vụ nhân dân và gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của đội văn công Trung đoàn 148 có tác động rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.


Đã mấy mươi năm kể từ ngày các chiến sỹ đội văn công Trung đoàn 148 hy sinh, trên mảnh đất Nàn Ma, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, người dân luôn đoàn kết, từng bước thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách, vươn lên XĐGN. Huyện Xín Mần cũng có nhiều quyết sách, giúp người dân Nàn Ma cũng như nhân dân các xã trong huyện xoá nghèo bền vững. Sau nhiều nỗ lực bảo tồn của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân, năm 2006 Nhà nước đã công nhận xếp hạng di tích lịch sử Nàn Ma. Di tích này đã được đưa vào tour du lịch nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này. Ông Dương Minh Hoà, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Xín Mần đã trở thành mảnh đất năng động nơi cửa ngõ phía Tây của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Nơi đây có núi Gia Long huyền thoại, cửa khẩu Xín Mần - con đường thông thương mở lối, khai thông quan hệ giữa Xín Mần với nước bạn Trung Quốc, có Di tích lịch sử Nàn Ma, có rừng nguyên sinh, Đèo gió, Bãi đá cổ với niên đại cách đây khoảng 2 nghìn năm. Xín Mần còn nằm trên con đường du lịch sinh thái rất hấp dẫn từ Sa Pa qua Bắc Hà sang Xín Mần sau đó hoà nhập vào các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Con đường du lịch của Xín Mần là sự kết hợp hài hoà giữa các giá trị truyền thống đầy tính nhân văn, tâm linh thông qua việc phát triển các làng nghề sản xuất hàng thủ công, đặc biệt là các sản phẩm văn hoá địa phương, mang đậm bản sắc như dệt thổ cẩm, làm đàn tính, trống và các lễ hội truyền thống. Năm 2007, huyện đã khai trương 2 điểm du lịch đó là suối nước nóng Quảng Nguyên gắn với Làng Văn hoá Du lịch dân tộc Dao và bãi đá cổ Nấm Dẩn gắn với Làng Văn hoá Du lịch dân tộc Nùng. Trong năm nay, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nhà sàn trên đỉnh Đèo gió làm nơi nghỉ chân của du khách trên con đường khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của mảnh đất Xín Mần.


Và một điểm đến không thể bỏ qua của con đường du lịch Xín Mần đó là Di tích lịch sử Nàn Ma. Hiện nay, ngành Văn hoá đang đầu tư phục dựng lại bối cảnh lịch sử để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, đầy ý nghĩa đối với mỗi du khách khi đến Xín Mần.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diễn đàn “SKSS vị thành niên, thanh niên - nỗi lo không của riêng ai”
(HGĐT)- Tối 28.6, tại Trung tâm Văn hoá tỉnh, Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Giáo dục Dân số - Sức khoẻ - Môi trường T.Ư Đoàn và Dự án VNM7PG0001 tỉnh, tổ chức Diễn đàn thanh niên mang tên “Sức khoẻ sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên - nỗi lo không của riêng ai”.
30/06/2008
Ra quân tình nguyện hè
(HGĐT)- * Vừa qua, tại sân xi-măng (thị xã Hà Giang), Thị đoàn Hà Giang phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện (TNTN) hè 2008.
27/06/2008
Trọn nghĩa, vẹn tình với người có công
(HGĐT)- Những năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách trong huyện Bắc Quang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện tới xã, trị trấn đặc biệt quan tâm.
25/07/2008
Gặp mặt đoàn thanh, thiếu niên CTĐ Hà Giang đi dự Hội trại toàn quốc tại Đà Nẵng
(HGĐT)- Chiều 24.7, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, tổ chức buổi gặp mặt đoàn thanh, thiếu niên CTĐ Hà Giang đi dự Hội trại toàn quốc lần thứ 3 tại Đà Nẵng trở về.
25/07/2008