Xem triển lãm tranh học sinh - sinh viên trường CĐSP

16:36, 30/05/2008

(HGĐT)- Thú thật, khi nhận được giấy mời dự Triển lãm tranh học sinh - sinh viên (HS-SV) lần thứ 4 của Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Hà Giang, hồi đầu tháng 5 vừa qua, thoạt tiên tôi cũng chỉ nghĩ rằng: Đây là một trong những hoạt động phong trào để lấy thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, còn chất lượng tranh chắc cũng vẫn thuộc tầm cỡ... “tranh HS-SV” mà thôi.


 

 “Phút nghỉ ngơi” giải A.
Tác giả: Trần Mai Quỳnh, lớp K5 - Mỹ thuật; chất liệu: Bột Màu.


Nhưng khi được dự Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Vẽ tranh năm học 2007 - 2008, dành cho HS-SV, do Trường CĐSP tỉnh tổ chức để chào mừng 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì những suy nghĩ ban đầu của tôi hoá ra đều sai cả! Xem tranh các em vẽ, tôi nhận thấy có cái gì đó khá chuyên nghiệp, khá “thợ”, được lồng trong những chiếc khung kính rất đẹp. Trên 50 bức tranh được chọn treo tại phòng triển lãm của nhà trường đều là những tác phẩm mang dấu ấn riêng của từng tác giả hiện còn đang là những HS-SV ngồi trên ghế nhà trường. Thầy Vũ Văn Sử, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi “khoe” với các vị khách mời: Cuộc thi này không chỉ dành riêng cho các lớp chuyên ngành mỹ thuật mà là phát động chung tới tất cả HS-SV trong nhà trường. Ba cuộc thi vẽ tranh lần trước chúng tôi chỉ tập trung đề tài vào mảng tranh cổ động, tuyên truyền, riêng cuộc thi lần này lại thiên về mảng tranh nghệ thuật, nhưng số lượng cũng như chất lượng tranh của các em đã cao hơn rất nhiều, nhất là tranh của HS-SV các lớp chuyên ngành mỹ thuật. Điều ấy chứng tỏ việc liên kết đào tạo HS-SV ngành mỹ thuật tại chỗ của nhà trường đã có kết quả tốt.


Vì là người “ngoại đạo” về hội hoạ, tự biết khả năng “đọc tranh” của mình có hạn, tôi lân la đến gần hoạ sĩ kỳ cựu Đình Vượng để hỏi ý kiến ông về chất lượng nghệ thuật của các bức tranh trưng bày tại triển lãm. Ông Vượng cười phấn khởi: Nói chung tranh các HS-SV vẽ rất khá. So với các lần trước thì lần này chất lượng tranh của các HS-SV cao hơn hẳn. Nhưng để đạt tới tiêu chí của những bức tranh nghệ thuật đích thực thì các cháu HS-SV cũng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Gần đây ra chợ tôi thường gặp một số cháu vẽ tranh ở đó, tôi có xem và góp ý với các cháu. Sự say mê và ham học hỏi của các cháu khiến tôi rất vui và tin tưởng về sự tiến bộ của lớp trẻ...


Thầy Đặng Ngọc Căn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi vẽ tranh, cho biết: Từ 3 năm nay, Trường CĐSP Hà Giang đã liên kết với Trường Đại học Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ) để đào tạo chuyên sâu tại chỗ chuyên ngành mỹ thuật, nhờ vậy chất lượng đào tạo mỹ thuật cho HS-SV được nâng lên rất nhiều so với trước. Cuộc thi này nhằm mục đích đánh giá chất lượng chuyên môn, mang tính chất rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và khơi dậy cho các HS-SV (đặc biệt là chuyên ngành mĩ thuật) niềm say mê và khả năng sáng tạo nghệ thuật. Trong tổng số 205 bức tranh dự thi, có tới 166 bức của các lớp chuyên và chỉ có 39 tranh của các lớp không chuyên; có 42/45 tranh đoạt giải là của HS-SV các lớp chuyên ngành mỹ thuật (các lớp không chuyên chỉ có 3 tranh được giải). Các con số nêu trên cho thấy, chất lượng tranh của HS-SV các lớp chuyên có sự chênh lệch rất rõ rệt so với các lớp không chuyên. BTC chúng tôi chọn ra được 10 giải A, 20 giải B, 10 giải C và 5 giải khuyến khích. Kết quả đó là bước đánh dấu sự trưởng thành trong học tập của HS-SV chuyên ngành mĩ thuật của nhà trường...


Khi miệt mài chiêm ngưỡng và chụp ảnh những bức tranh thật đẹp và rất có hồn, do các HS-SV thực hiện, tôi nhận thấy những lời đánh giá trong bản Báo cáo tổng kết cuộc thi, do cô giáo Thảo thay mặt BTC trình bày, thậtchính xác: “... Mặc dù chỉ sau gần hai tháng phát động, cuộc thi vẽ tranh đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao của đông đảo HS-SV trong toàn trường. Số lượng cũng như chất lượng cuộc thi vẽ tranh lần này đã có bước tiến dài so với 3 cuộc thi trước. ở triển lãm này đã xuất hiện nhiều bức tranh không những đạt yêu cầu tốt về nội dung, tư tưởng mà còn phong phú về hình thức và phong cách thể hiện... Thành công lớn nhất của cuộc thi này là: Các em đã khai thác được nhịp điệu cuộc sống ở con người và cảnh vật từ quê hương mình đã từ lâu cùng các em gắn bó; cách vẽ, cách thể hiện cũng không còn đơn điệu, gò bó như trước nữa... Đó chính là dấu hiệu đáng mừng, đáng khích lệ, góp phần nâng cao tính sáng tạo nghệ thuật của các em và cho sự phát triển của nền nghệ thuật tỉnh nhà...”

Nhìn các bức tranh: Ngày mùa của Sân Tiến Hạnh, Biên giới bình yên của Vũ Mạnh Cường, Phút nghỉ ngơi của Trần Mai Quỳnh, Chiều quê hương của Vũ Kim Dung, Hương rừng của Nguyễn Thị Tân Chiến (đều của lớp K5 - Mỹ thuật); Hoa và quả của Đào Thị Năm, lớp K7 - Mĩ thuật; Nắng trong vườn của Trần Thị Phương Thuý, lớp K6 - Mĩ thuật... tôi có cảm giác như được xem những bức tranh của các hoạ sĩ chuyên nghiệp hoặc của những “thợ vẽ” có tay nghề nhiều năm. Đặc biệt, 2 bức tranh Hương rừng của Tân Chiến và Cô gái Mông của Nguyễn Thị Tấm (lớp K5 - Mĩ thuật) thể hiện bằng chất liệu xé dán khiến tôi rất ngỡ ngàng và khâm phục tài năng của hai em.


Một nữ sinh lớp K5 - Mĩ thuật nói với tôi: Cháu hơi buồn vì không được giải trong cuộc thi này, nhưng cháu vui vì lớp của cháu có rất nhiều bạn đoạt giải cao. Việc nhà trường tổ chức cuộc thi vẽ tranh và triển lãm các tranh được giải, các tranh đẹp đã tạo ra một “sân chơi” bổ ích cho HS-SV, là dịp để chúng cháu thi thố tài năng nhằm nâng cao khả năng thực hành và kích thích sự sáng tạo trong học tập. Cháu tin rằng, cứ đà này, lần thi sau cháu sẽ được giải. Nói xong cô nữ sinh cười và chạy theo chúng bạn vào phòng xem tranh.

Nhìn cô nữ sinh tự tin, vui vẻ một cách hồn nhiên, tôi chợt nhận ra rằng: Nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng đúng là một trong những “chất xúc tác” cho cuộc sống, làm cho cuộc sống con người ngày càng tươi đẹp và có ý nghĩa hơn.


Rời phòng triển làm tranh, tôi luôn mang trong mình một niềm hi vọng rằng, trong số các HS-SV được giải trong cuộc thi vẽ tranh lần này sẽ có những em trở thành hoạ sĩ tài năng của tỉnh nhà, hoặc chí ít cũng là những thày cô giáo dạy vẽ giỏi nay mai.


Trần Khánh An

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Triệu chữ ký - Một tấm lòng” vì các nạn nhân Dioxin
Chương trình “Triệu chữ ký-một tấm lòng” đang nỗ lực thu thập chữ ký trên vải để kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ một cách thiết thực hơn nữa các nạn nhân Dioxin.
30/05/2008
Để các phong trào thi đua của Đoàn phát triển sâu rộng và hiệu quả
77 năm qua, kể từ khi thành lập Đoàn và hơn 60 năm từ khi Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ cả nước hưởng ứng lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước phát động, đến nay chúng ta đã chứng kiến nhiều phong trào thi đua yêu nước có tiếng vang rộng lớn.
29/04/2008
Câu lạc bộ “Phương Phương chân trời mới”
(HGĐT)- Theo chân đồng chí cán bộ Ban quản lý (BQL) Chương trình Hỗ trợ – phát triển huyện Vị Xuyên, Tống Văn Thuận, phụ trách chủ đề HIV, bạo lực gia đình và an ninh lương thực; chúng tôi đến Câu lạc bộ (CLB) “Phương Phương chân trời mới” tại thôn Vạt, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.
28/05/2008
Tập huấn và bàn giao thiết bị phục vụ Dự án Công nghệ thông tin
(HGĐT)- Thực hiện kế hoạch triển khai Dự án Công nghệ thông tin 11 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, nhằm tăng cường công tác thông tin KHCN cho thanh niên phục vụ phát triển KT - XH tỉnh Hà Giang.
28/05/2008