Ghi từ Hội chợ

17:11, 23/04/2008

(HGĐT)- Sau gần 3 năm liên tiếp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, Hà Giang đã duy trì thường niên các Hội chợ Thương mại - Du lịch - Văn hóa.


 

 Khách mua hàng tại Hội chợ. Ảnh: Nhật Hồng


Khác với các Hội chợ lần trước, Hội chợ kỳ này là sự quảng bá nổi bật những tiềm năng văn hóa, điểm đến tham quan, du lịch để khám phá các nét văn hóa truyền thống đậm bản sắc của hơn 20 dân tộc vùng cao cực Bắc ở cả 11 huyện, thị. Tham gia Hội chợ kỳ này, mọi người không chỉ biết đến hình ảnh, dư âm của Chợ tình Khau Vai được duy trì cả trăm năm lịch sử hình thành, phát triển đến nay và mỗi năm vào ngày 27.3 (âm lịch) “đến hẹn lại về”, mà còn biết đến di tích Bãi đá cổ, Đèo Gió (Xín Mần); biết đến Chợ Phố cổ (Đồng Văn), biết rừng thông Yên Minh reo 4 mùa, hiểu về di tích lịch sử Căng Bắc Mê hay về vùng cam Bắc Quang, vùng chè cổ thụ Thượng Sơn, Lũng Phìn, Túng Sán, Chế Là, biết về điệu khèn Mông hay Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; vùng trọng điểm lúa, về mùa vàng vùng cao... được biểu lộ qua các bức quảng cáo lớn ngay trước trung tâm Hội chợ được mở cửa từ đêm 21.4 đến hết ngày 27.4.2008 ở thị xã Hà Giang.


Ngoài nét biểu trưng quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa cộng đồng, Hội chợ còn là nơi hội tụ của các loại hàng hóa. Vậy nó có khác hàng hóa ở những Hội chợ các kỳ trước không? Khác nhiều lắm. Điểm nhấn của hàng hóa tại Hội chợ lần này “trội” hẳn về phẩm cấp, chất lượng. Với gần 200 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nội, ngoại tỉnh đem về đều phản ánh trong không gian mua sắm: Hàng tốt hơn, nhưng giá cả lại rất hợp lý cho dù lạm phát ở những tháng đầu năm tăng cao trong toàn quốc. Đặc biệt hơn, các loại hàng thực phẩm tiêu dùng không còn loè loẹt “phẩm màu” nữa và được thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn VSTP để tránh các bệnh: Tiêu chảy cùng các bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa.


Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, Hội chợ lần này được tổ chức trong lòng thị xã nhưng “hàng hóa ngoại (cả trong, ngoài nước vẫn “át” hàng “nội”). Ngoài một số doanh nghiệp, cả 11 huyện, thị chỉ có 2 huyện Đồng Văn, Bắc Mê có gian hàng giới thiệu các sản phẩm hàng hóa mang đậm sắc màu Hà Giang. Sự thiếu vắng của 9 huyện, thị cùng số ít hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh phần nào làm hẫng hụt các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội tham quan, mua sắm, khảo sát và nắm bắt ưu thế hàng hóa, tiềm năng phát triển kinh tế, gắn thương mại. Phải chăng nên có sự nhìn nhận lại chiến lược sản xuất, kinh doanh và quảng bá hình ảnh của Hà Giang phải được “đề cao” hơn nữa trong các kỳ hội chợ. Khảo sát thực tế cho thấy: Mặc cho lạm phát, mặc cho giá leo thang, nhưng sức mua vẫn hấp dẫn một cách nhộn nhịp. Rất đông người mua, kẻ bán là “điểm mạnh” phản ánh sức mua tăng, chính là đời sống tốt hơn, giá trị trao đổi nhiều hơn. Lẽ đó còn đồng nghĩa với mặt bằng KT - XH tại Hà Giang đã ngày một nâng cao, đồng đều hơn. Bởi lẽ, xã hội phát triển chính là một xã hội tiêu dùng ngày một cao hơn, chất lượng hơn. Chính ở điểm này đã và đang đòi hỏi các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, các HTX dịch vụ, doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, quảng bá mình sao cho để không thua trên “sân nhà”, vươn ra cái “chợ toàn cầu” đang rộng mở. Nhìn bạn để thấy mình, không phải ngẫu nhiên người Lào Cai họ lại sang Hà Giang bán rượu San Lùng cùng thắng cố ngựa. Và càng không phải các doanh nghiệp của nước bạn Trung Quốc mang hàng sang Hà Giang chỉ để bán và càng không phải ngẫu nhiên các gian hàng từ khắp mọi miền đổ về Hội chợ Hà Giang trong lúc lạm phát lên cao như hiện nay. Cái chính là hàng hóa của họ, tài kinh doanh của họ “đủ chinh phục” người tiêu dùng thị xã. Bên cạnh đó họ còn tìm ở Hà Giang chè cổ thụ Shan tuyết hàng ngàn năm tuổi như một tiềm năng khai thác. Tìm ở Hà Giang cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực: Thủy điện, khoáng vật, khả năng “nối tua” về các vùng văn hóa “đậm” tình “tột Bắc” của Tổ quốc Việt Nam.


Hãy chủ động để “làm giàu” chính cái mình đang có, đang nắm giữ là tài nguyên, sức lao động tạo ra các sản phẩm đậm bản sắc văn hóa Hà Giang để “bán” cho bè bạn khắp trong và ngoài nước. Đồng thời phải biết quảng bá mình để thu hút đầu tư, mời gọi mọi người đến với Hà Giang trong các Hội chợ thường niên, đó là những điều còn trăn trở trong Hội chợ.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐVTN, giai đoạn 2008 – 2012
(HGĐT)- Vừa qua, Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn tổ chức Lễ ký kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐVTN, giai đoạn 2008 - 2012. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chức năng của 2 cơ quan.
31/03/2008
Tọa đàm kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(HGĐT)- Ngày 26.3, Tỉnh đoàn tổ chức tọa đàm kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đến dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; các đồng chí nguyên là cán bộ đoàn qua các thời kỳ và gần 50 đồng chí cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan Tỉnh đoàn.
28/03/2008
Tuổi trẻ báo Đảng trên "Thủ đô Kháng chiến"
(HGĐT)- Cuộc hội ngộ truyền thống của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra trên mảnh đất Tuyên Quang, nơi được mệnh danh “Thủ đô Kháng chiến”, “Thủ đô Khu Giải phóng” với tên gọi “Hành trình về nguồn” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
27/03/2008
Huyện đoàn Đồng Văn Tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn.
(HGĐT)- Nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3), những ngày vừa qua Huyện Đoàn Đồng Văn đã ra sức thi đua, thực hiện “Tháng thanh niên” với nhiều hoạt động sôi nổi như: Vệ sinh môi trường; sửa chữa đường giao thông nông thôn; giao lưu văn nghệ, TDTT… giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện.
26/03/2008