Để các phong trào thi đua của Đoàn phát triển sâu rộng và hiệu quả
77 năm qua, kể từ khi thành lập Đoàn và hơn 60 năm từ khi Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ cả nước hưởng ứng lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước phát động, đến nay chúng ta đã chứng kiến nhiều phong trào thi đua yêu nước có tiếng vang rộng lớn.
Đó là các phong trào “Lao động kiến thiết Tổ quốc”, “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch lần thứ nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” của tuổi trẻ hai miền Bắc Nam thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia.
Những năm gần đây là các phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”; phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và hiện nay là phong trào “4 đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp” và “5 xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Các phong trào thi đua của Đoàn chính là sự nối tiếp mang tính kế tục, phát huy và được đẩy mạnh lên tầm cao trong điều kiện mới, góp phần có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở những phong trào chính mang tính chủ đạo do các Đại hội Đoàn toàn quốc phát động, đã hình thành và phát triển ngày càng đa dạng các phong trào nhánh, các cuộc vận động và chương trình hành động phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu nhi và điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị.
Trong thanh niên trường học có phong trào học tập vì ngày mai lập nghiệp, nay là phong trào thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, nghiên cứu khoa học và tập sự nghiên cứu khoa học, hỗ trợ tài năng trẻ, tiếp sức mùa thi…;
Trong thanh niên công nhân, viên chức có phong trào sáng tạo trẻ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thi thợ giỏi, đổi mới công nghệ, đi đầu trong việc xây dựng công sở văn minh, thực hiện cải cách hành chính; Thanh niên nông thôn với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, nay là “Phong trào thi đua thực hiện 4 mới”, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới;
Thanh niên các lực lượng vũ trang có phong trào “Xứng danh bộ độ cụ Hồ”, “Giành 3 đỉnh cao quyết thắng”, đoàn kết 3 lực lượng, Trường Sa thân yêu trong thanh niên Quân đội, phong trào “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” trong thanh niên Công an; Trong đối tượng thiếu niên, nhi đồng có nhiều phong trào nhánh thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các em.
Đặc biệt, phong trào thanh niên tình nguyện – điểm mới của phong trào thi đua những năm gần đây phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu như phong trào trí thức trẻ tình nguyện tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn, miền núi, phong trào xóa cầu khỉ xây cầu bê tông kiên cố ở đồng bằng sông Cửu Long, tình nguyện tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh, xây dựng đảo thanh niên, làm đường giao thông, thủy lợi, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp, trang trại thanh niên, hợp tác xã thanh niên, các hoạt động phòng chống tội phạm, giữ gìn an toàn giao thông, các dự án phát triển kinh tế – xã hội, các hoạt động tình nguyện tại cộng đồng, chiến dịch mùa hè tình nguyện…
Các phong trào hành động cách mạng đã góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước, đồng thời đã khơi dậy tính tích cực chính trị – xã hội, ý chí tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo, tạo ra những mô hình, đội hình, loại hình, cách làm tốt để nhân ra diện rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn những năm qua, phong trào thi đua của Đoàn còn có những tồn tại, hạn chế sau:
Một là, công tác thi đua ở một số đơn vị còn chạy theo thành tích, phong trào phát triển thiếu bền vững, nhiều phong trào khi phát động thì rầm rộ xong không được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao;
Hai là, việc xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến chưa được chú trọng, bồi dưỡng để nhân rộng tại các cơ sở và trong đông đảo các đối tượng thanh niên;
Ba là,việc bố trí cán bộ làm công tác thi đua chưa tương xứng, mặt khác, nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua trong tình hình mới.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua của Đoàn phát triển sâu rộng thiết thực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong tình hình mới, chúng tôi cho rằng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp bộ Đoàn, xác định rõ các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Đoàn, Hội, Đội phải luôn bám sát và phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Đảng, Nhà nước, ở từng địa phương, đơn vị, lấy đó là mục tiêu và yêu cầu để bồi dưỡng và phát huy thanh niên;
Hai, trong các phong trào thi đua, phải xác định động lực chính là đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của ĐV, TN; xác định mục đích cụ thể, rõ ràng, coi đó là yếu tố then chốt tạo nên mối quan hệ hữu cơ nhằm vừa huy động được đông đảo thanh niên tham gia phong trào, vừa tạo môi trường để thanh niên được rèn luyện, cống hiến, trưởng thành;
Ba, cần đa dạng hóa các phong trào thi đua, trên cơ sở phải cụ thể hóa phong trào phù hợp với các đối tượng thanh niên, các địa phương, đơn vị, đồng thời nâng cao chất lượng các hình thức biểu dương, khen thưởng của Đoàn, Hội, Đội;
Bốn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin toàn diện các phong trào, các cuộc vận động do Đoàn, Hội, Đội phát động; cổ vũ, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, chú trọng nhân rộng các mô hình hay từ thực tiễn ở cơ sở;
Năm, củng cố bộ máy, cán bộ, tăng cường đầu tư cán bộ có trình độ, năng lực làm công tác thi đua khen thưởng, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.
Việc triển khai tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, phong trào hành động cách mạng sẽ góp phần có hiệu quả vào việc tham gia phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, là môi trường để bồi dưỡng và phát huy thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Ý kiến bạn đọc