Chuyện trên Cao nguyên đá

16:52, 28/04/2008

(HGĐT)- Ở miền núi có những chuyện thật trăm phần trăm nhưng nhiều lúc người nghe, bạn đọc coi là chuyện bịa như truyện “Nuôi bò trên lưng người”, đây là cách nghĩ, cách làm của đồng bào vùng cao, điều này cũng nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn của bà con miền núi, nhằm duy trì đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và hướng tới làm giàu bằng chính sức lực của mình.


Nơi chỉ toàn núi đá tai mèo, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước triền miền, thiếu đất canh tác (chỉ 15% đất bằng) mà đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng 40%; riêng huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đàn bò hiện có trên 50.000 con, trong tương lai còn phát triển hơn nữa, như vậy chẳng phải là chuyện lạ đó sao.


Ở miền núi con bò chính là tài sản lớn của từng gia đình, nó còn là bạn của người dân, cứ nhìn cách chăm sóc, âu yếm của con người thì biết... Nhà ở cho người có thể sơ sài, nhưng chuồng bò nhất thiết phải kín trên bền dưới, những tấm gỗ lát sàn để bò khỏi tiếp xúc với đất phải đều và phẳng, chiếc máng gỗ dài, sạch sẽ đặt phía trước, người ta lấy đủ thứ: Lá rừng, cỏ dại cho chúng ăn vào những ngày đông lạnh giá, khi quá khan hiếm cỏ người ta còn nấu cháo ngô loãng cho chúng, hun khói mỗi tối để đuổi muỗi, ruồi vàng, che chắn chuồng trại mỗi khi trở trời gió bấc... có lúc người ta còn dắt chúng xuống chợ để khoe bạn bè là mình có con bò tốt, bò đẹp, tất nhiên không thể thiếu những chiếc chuông đồng nho nhỏ xinh xinh đeo ở cổ và bông hoa bằng vải màu đỏ gắn trên trán...


Bò vùng cao là giống bò thuần chủng địa phương, có nhiều ưu điểm và tên gọi: Bò vàng, bò mèo, bò núi... thịt ngon, chắc, thơm và giàu đạm, rất được ưa chuộng ở nhiều thị trường. Do thân hình vừa phải, nên con bò vùng cao ít bị ngã núi, dịch bệnh. Riêng cái sự cày nương đá của nó thì thật giỏi, điệu nghệ, lưỡi cày phải do đồng bào chế tác: Gang pha thép tôi trong lửa theo quy trình nghiêm ngặt nên rất cứng lại dẻo không bị mẻ, bị gãy, con bò nhẫn nại len lỏi giữa những bờ đá, cứ vấp phải đá là nó dừng lại, thậm chí nó thuộc đường, biết rõ vùng nào có đá ngầm, chỉ tiếc là nó không nói được mà thôi...


Vừa rồi tôi có chuyến lên Mèo Vạc công tác, gặp đúng vào phiên chợ Lũng Phìn, cách Mèo Vạc chừng 15km. Chợ Lũng Phìn là một trong những chợ lớn ở vùng cao, đồng bào các nơi đổ về rất đông, hàng vạn con người chen vai thích cánh trong một thung lũng núi non, riêng bò thì nhiều vô kể, tôi thấy những chiếc xe tải hạng nặng, ghé đuôi vào vách ta luy lùa bò lên thùng xe rồi về xuôi. Tôi rất vui khi thấy con bò vùng cao được thị trường nhiều nơi ưa chuộng, nhưng cũng bâng khuâng trước số phận của chúng. Đây là lần đầu tiên đàn bò xa núi rừng, xa Cao nguyên đá thân thương, biết đâu đây cũng là lần cuối cùng, duy nhất đối với cuộc đời của chúng...

Tôi chợt nhớ câu chuyện cách đây ít hôm với người bạn Sở Tư pháp ở miền Nam vừa ra, anh kể trên cung đường Đà Nẵng - Huế, có nhiều nhà hàng treo biển to hấp dẫn "Bò vàng Mèo Vạc". Khách hàng đến thưởng thức đông lắm, nào: Bê thui, bò sào lăn, bò luộc chấm tương gừng, bít tết, thắng cố... Nấu theo cách truyền thống của đồng bào, người bạn của tôi vui ra mặt: Không ngờ con bò vàng vùng cao lại có giá trị như vậy.


Anh Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, gặp tôi tại chợ bò cho biết: Mỗi phiên chợ thế này, có 10 đến 15 xe từ các nơi lên mua bò, ước chừng 400 con được xuất bán, luân chuyển trao đổi trong nhân dân chừng 1.000 con, cứ theo phép tính thông thường: Hàng tuần, mỗi tháng rồi hàng năm là cơ man bò xuất bán, bò luân chuyển trao đổi trong nhân dân, số tiền từ bán bò ngót trăm tỷ đồng là có thực. Hiện tất cả 18 xã của Mèo Vạc đều phát triển đàn bò, riêng xã hạ sơn Pả Vi ngoài mặt hàng bò hàng hóa, đồng bào còn có dịch vụ bỗ béo bò, chăn nuôi bò của huyện chiếm 50% thu nhập.


Anh Tuệ cho biết: Đàn bò Mèo Vạc hiện có 25.000 con (nhiều nhất tỉnh), diện tích đất cằn cỗi đưa sang trồng cỏ là 1.357ha. Từ nay đến 2010, anh Tuệ cho hay sẽ nâng đàn bò lên 48.000 con, trồng mới 500 ha cỏ mỗi năm. Tôi hỏi anh Tuệ, lý do gì mà đàn bò Mèo Vạc phát triển nhanh đến vậy và thực sự trở thành ngành sản xuất chính, mở hướng làm giàu cho bà con, anh cho rằng bắt đầu là chủ trương đúng, cơ chế thông thoáng được đồng bào đồng thuận. Nhà nước đã khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo vay từ 5-15 triệu đồng để mua bò sinh sản. Hỗ trợ 1 triệu đồng/1ha trồng cỏ bằng chương trình nông - lâm nghiệp trọng điểm, cho vay 4 triệu đồng để từng hộ làm chuồng bò xa nhà hợp vệ sinh. Không những vậy, hàng năm Nhà nước còn hỗ trợ tiêm phòng dịch bệnh, hỗ trợ 75% khi đồng bào gặp rủi ro trong chăn nuôi...


Tôi có may mắn một lần cùng huyện Mèo Vạc hội kiến với đoàn đại biểu của huyện Phú Ninh - Vân Nam (Trung Quốc) do ông Vương Nghị, Huyện trưởng làm trưởng đoàn cùng 25 thành viên, chuyến thăm của bạn là nhằm tìm hiểu thị trường, ký kết trao đổi hàng hóa, hợp tác mở rộng khu vực cửa khẩu biên giới: Thượng Phùng, Sơn Vĩ, do đó bạn ghé thăm một số mô hình kinh tế của Mèo Vạc, khi đoàn ngang qua xã hạ sơn Pả Vi, gặp màu xanh ngút ngàn của đồng cỏ Goa-tê-ma-la, bạn cứ ngỡ là đồng mía, khi anh Tuệ giải thích với ông Vương Nghị và các thành viên trong đoàn, đặc biệt anh Tuệ nhấn mạnh con bò Vàng ở Mèo Vạc thì bạn giật mình và cảm phục. Ông Vương Nghị nói ở huyện Phú Ninh chưa làm được mô hình ấy. Ông khẳng định: Chương trình hạ sơn, trồng cỏ phát triển đàn gia súc của Mèo Vạc là độc đáo, khi trở về ông sẽ áp dụng ở huyện miền núi quê ông. Đây cũng chính là con đường đưa đồng bào các dân tộc Mèo Vạc và đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang đi đến ấm no, hạnh phúc.


Mèo Vạc - vùng đất thẳm cùng, thẳm xa của Tổ quốc mang vẻ đẹp dặm trường hoang vắng. Nơi Bí bầu bìu ríu quê hương còn là nơi Đêm mơ ba thước đất bằng/ để bàn chân bớt gập gềnh nắng nôi, còn bao nhiêu chuyện lạ, đầy bí ẩn chưa được viết, chưa được kể ra. Riêng tôi ấn tượng mãi về hai câu thơ nghe được ở Lũng Phìn: Chợ bò tháng họp bốn phiên/ Ai lên Mèo Vạc thì lên với mình.


Cao Xuân Thái

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐVTN, giai đoạn 2008 – 2012
(HGĐT)- Vừa qua, Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn tổ chức Lễ ký kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐVTN, giai đoạn 2008 - 2012. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chức năng của 2 cơ quan.
31/03/2008
Tọa đàm kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(HGĐT)- Ngày 26.3, Tỉnh đoàn tổ chức tọa đàm kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đến dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; các đồng chí nguyên là cán bộ đoàn qua các thời kỳ và gần 50 đồng chí cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan Tỉnh đoàn.
28/03/2008
Tuổi trẻ báo Đảng trên "Thủ đô Kháng chiến"
(HGĐT)- Cuộc hội ngộ truyền thống của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra trên mảnh đất Tuyên Quang, nơi được mệnh danh “Thủ đô Kháng chiến”, “Thủ đô Khu Giải phóng” với tên gọi “Hành trình về nguồn” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
27/03/2008
Huyện đoàn Đồng Văn Tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn.
(HGĐT)- Nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3), những ngày vừa qua Huyện Đoàn Đồng Văn đã ra sức thi đua, thực hiện “Tháng thanh niên” với nhiều hoạt động sôi nổi như: Vệ sinh môi trường; sửa chữa đường giao thông nông thôn; giao lưu văn nghệ, TDTT… giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện.
26/03/2008