Tuổi trẻ báo Đảng trên "Thủ đô Kháng chiến"

14:07, 27/03/2008

(HGĐT)- Cuộc hội ngộ truyền thống của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra trên mảnh đất Tuyên Quang, nơi được mệnh danh “Thủ đô Kháng chiến”, “Thủ đô Khu Giải phóng” với tên gọi “Hành trình về nguồn” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.


 

 Lãnh đạo, cán bộ, ĐVTN Báo Hà Giang trên lán Nà Lừa. Ảnh: C.T.V


Hành trình này đã giúp những người làm báo Đảng hiểu sâu sắc về cội nguồn lịch sử, tiếp thêm sức mạnh tri thức cho thế hệ trẻ vững bước vào tương lai.


Tạm xa mảnh đất biên cương thân yêu, chúng tôi - những ĐVTN đại diện tuổi trẻ Báo Hà Giang - trở lại “Thủ đô Khu Giải phóng” giữa những ngày các cấp bộ Đoàn đang nô nức trong không khí thi đua sôi nổi của “Tháng Thanh niên”. Đã 3 năm, kể từ cuộc hội ngộ được khởi nguồn tại Bắc Cạn rồi Thái Nguyên, Tuyên Quang, sang năm là Lạng Sơn, tiếp đến Bắc Giang…“Hành trình về nguồn” đã trở thành hoạt động truyền thống của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc. Đối với thế hệ trẻ Báo Hà Giang, “Hành trình về nguồn” ngoài việc tìm về mảnh đất lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa như được trở về mái nhà thân thương của mình. Tuyên Quang - Hà Giang, tuy khác nhau về địa lý nhưng rất gần gũi, thân thương. Bởi lẽ đã có thời gian dài từ năm 1976-1991, Tuyên Quang - Hà Giang cùng chung một tỉnh với tên gọi Hà Tuyên. Năm 1991, Hà Giang tái lập tỉnh, ngày đó nhiều cán bộ Hà Tuyên đã tình nguyện, không ngại khó khăn gian khổ lên xây dựng Hà Giang. Báo Hà Giang cũng có các anh, chị từ Báo Hà Tuyên lên. Những ngày đầu tái lập tỉnh, khó khăn, gian khổ nhiều, các anh, chị luôn gắn bó, cùng chia sẻ khó khăn. Sau đó, một số cán bộ trở lại Báo Tuyên Quang tiếp tục phần việc của mình, người thì ở lại gắn bó cuộc đời với Báo Hà Giang. Nói như vậy để khẳng định những người làm Báo Hà Giang với mảnh đất “Thủ đô Khu Giải phóng” đã gắn bó, cùng uống chung con nước dòng Lô.


Điểm đến của “Hành trình về nguồn” là địa danh Tân Trào (Sơn Dương), mảnh đất lịch sử: Thủ đô lâm thời Khu Giải phóng (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược). Tại đây, chúng tôi đã đến lán Nà Lừa, nằm ở sườn núi Nà Lừa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi dưới các đám cây rậm rạp. Lán do đơn vị Giải phóng quân dựng với 2 gian nhỏ dùng làm nơi ở và làm việc của Bác từ tháng 6-8.1945. Tại đây, ngày 4.6.1945, Hồ Chủ tịch đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu Giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Trong những ngày gian khổ, hào hùng của dân tộc, chính nơi rừng thiêng này, Bác cùng các cán bộ miệt mài làm việc, chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Xung quanh nơi ở, làm việc của Bác, khung cảnh vẫn như xưa, khu rừng vẫn líu lo chim hót, gió vi vu thổi, từng gốc cây, viên đá như vẫn còn hơi ấm của Người. Thăm đình Tân Trào, nơi đây từ ngày 16-17.8.1945, Quốc dân Đại hội thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu UBDT Giải phóng (Chính phủ lâm thời) do Bác Hồ làm Chủ tịch. Quốc dân Tân Trào được ghi nhận là tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là Đại hội mang tầm vóc lịch sử, Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16.8.1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đến thăm Bảo tàng Tân Trào, nơi lưu giữ các hiện vật, hình ảnh tư liệu quý về những ngày hoạt động của Bác Hồ tại chiến khu, chúng tôi - những thế hệ trẻ hôm nay - rất xúc động. Tại nơi này, tuổi trẻ báo Đảng lại được đọc những dòng tư tưởng lớn trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam do Bác Hồ soạn thảo tháng 2.1930…và rất nhiều hình ảnh, hiện vật quý về những ngày Bác hoạt động ở Tân Trào.


Trong “Hành trình về nguồn”, nhiều bạn trẻ mới chỉ nghe, biết các địa danh trên mảnh đất Tuyên Quang qua những trang lịch sử nhưng chưa một lần đến. Và lần trở về này là bài học lịch sử trực quan, sinh động, qua những chứng tích còn đó nó sẽ trang bị, củng cố thêm hành trang kiến thức cho mỗi người. Thu Thuỷ - phóng viên trẻ Báo Vĩnh Phúc đi cùng chúng tôi suốt chặng đường hơn 40 km từ thị xã Tuyên Quang đến Tân Trào - rất ngạc nhiên, hồi hộp và thích thú khi thấy biển báo chỉ khoảng cách quãng đường dần được rút ngắn. Thuỷ cho biết: Những địa danh đã đi vào lịch sử như đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa…em đã được học qua những trang lịch sử và nó là hành trang quan trọng giúp em vững bước trên hành trình lập thân, lập nghiệp. Thuỷ nói với chúng tôi, gần đây tình trạng nhiều bạn trẻ ngại học lịch sử, cho rằng học lịch sử khô khan nên đã hiểu rất ngô nghê về lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông. Đất nước ta có hơn 4.000 năm lịch sử, quá khứ đau thương, gian truân của dân tộc đang lùi xa nhường chỗ cho cuộc sống đủ đầy sung túc. Trong cuộc sống hối hả, có đôi phút ta vô tâm với những dòng lịch sử nhưng khi đến “Thủ đô Khu Giải phóng” với các địa danh lịch sử như đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Nà Lừa và đứng dưới bóng đa Tân Trào - nơi đây chiều 16.8.1945 Quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân dưới sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu đại diện 3 miền về dự Quốc dân Đại hội...ta càng thêm yêu, quý và trân trọng những giá trị lịch sử hào hùng của một thời dựng nước, giữ nước. Qua đó ta càng thấy bản thân phải có trách nhiệm giữ gìn, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang đó.


Một ngày trên “Thủ đô Khu Giải phóng” đã giúp những người làm báo Đảng hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn dân tộc. Đây là hành trang tri thức rất quan trọng, cần thiết cho mỗi người Việt Nam, nhất là những người làm báo Đảng. Trong “Hành trình về nguồn”, tuổi trẻ báo Đảng, không chỉ hiểu truyền thống dân tộc mà còn biết sẻ chia, giúp đỡ những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đã có nhiều suất quà được ĐVTN các báo Đảng trao tặng cho gia đình chính sách, trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó của xã Tân Trào. “Hành trình về nguồn” cũng là dịp để những người làm báo trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt mối quan hệ và tiếp thêm lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ báo Đảng trong “Tháng Thanh niên”.


Thiên Thanh

Cùng chuyên mục

Huyện đoàn Đồng Văn Tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn.
(HGĐT)- Nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3), những ngày vừa qua Huyện Đoàn Đồng Văn đã ra sức thi đua, thực hiện “Tháng thanh niên” với nhiều hoạt động sôi nổi như: Vệ sinh môi trường; sửa chữa đường giao thông nông thôn; giao lưu văn nghệ, TDTT… giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện.
26/03/2008
“Hành trình về nguồn”
(HGĐT)- Trong 2 ngày 21-22.3, tại Tuyên Quang, Đoàn thanh niên Báo Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức chương trình giao lưu “Hành trình về nguồn”. Dự buổi giao lưu có các đồng chí lãnh đạo, ĐVTN báo Đảng 12 tỉnh trung du - miền núi phía Bắc gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội Mới, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn, Yên Bái và Phú Thọ.
25/03/2008
Sức trẻ Đồng Văn
(HGĐT)- Từ những kế hoạch được cấp trên triển khai ngay từ những ngày đầu năm, Huyện đoàn Đồng Văn đã phát động Tháng Thanh niên năm 2008 tới toàn thể ĐVTN trên địa bàn.
24/03/2008
Hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26.3
(HGĐT)- * Thiết thực chào mừng kỷ niệm 77 năm, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tháng Thanh niên năm 2008; từ 19 - 20.3, tại huyện Quản Bạ và Mèo Vạc, Đoàn khối cơ quan T.Ư dự lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa và trao 10 triệu đồng/nhà cho 2 gia đình chính sách: Bà Vàng Tà Mẩy, xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ và chị Lò Thị Phai, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc.
24/03/2008