Nơi “giữ lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ Hà Giang hôm nay
(HGĐT)- Nằm ngay trung tâm thị xã Hà Giang, Bảo tàng tỉnh mang dáng dấp của một đoá sen. Được xây dựng và khánh thành trong năm 2002, bao gồm 2 tầng với tổng diện tích sử dụng hơn 1.000 m2. Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá của của vùng đất và người Hà Giang; hơn thế, đây chính là nơi “giữ lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ Hà Giang hôm nay.
Góc trưng bày trang phục các dân tộc tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Yến Khanh |
Có thể nói Bảo tàng tỉnh như là cuốn sách lịch sử về con người và thiên nhiên Hà Giang. Mỗi hiện vật như những lát cắt, hé mở nhiều điều để từ đó giúp chúng ta có được cái nhìn toàn diện về mảnh đất này trong sự vận động phát triển của cả dân tộc.
Là mảnh đất biên viễn xa xôi của Tổ quốc, nhưng từ thủa hồng hoang nơi đây đã có con người sinh sống. Các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều di chỉ cư trú của người nguyên thuỷ có niên đại từ 6 vạn năm đến 4 nghìn năm cách ngày nay, điển hình như các di chỉ Đồi Thông (thị xã Hà Giang), di chỉ hang Đán Cúm, Nà Chảo (Bắc Mê)… Với hàng nghìn hiện vật là công cụ đồ đá từ thô sơ đến chế tác tinh xảo, giúp chúng ta hình dung được phần nào đời sống của người nguyên thuỷ xưa kia. Nhìn những mảnh tước được tạo ra từ đá cuội khiến chúng ta ngạc nghiên, họ đã làm thế nào để có thể tách đôi được viên đá cuội vốn còn rắn hơn cả sắt chỉ với đôi bàn tay trần…? Bước sang thời kỳ đồ đồng, trên địa bàn Hà Giang đã phát hiện khá nhiều hiện vật từ công cụ sản xuất, đến vũ khí chiến đấu như: Dao găm, mũi tên… Tiêu biểu cho thời kỳ này phải kể đến những chiếc trống đồng. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 20 chiếc trống đồng. Chiếc có niên đại sớm nhất là 2.500 năm, muộn nhất là cách đây 300 năm. Tiếp nối dòng chảy của lịch sử, dấu tích các triều vua nước Việt cũng được tìm thấy như bia đá, chuông đồng thời Trần…
Bảo tàng tỉnh còn cho chúng ta những bài học quý báu về truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông ta trên mảnh đất này. Ngay từ những năm đầu chống thực dân Pháp, Hà Giang đã được biết đến với cuộc khởi nghĩa của Sùng Mí Chảng. Người anh hùng của cao nguyên Đồng Văn là biểu tượng kiên cường của người dân nơi đây thà chết chứ không chấp nhận làm thân nô lệ. Tiếp tục truyền thống đó, từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Hà Giang phát triển rộng khắp. Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp 1946-1954, lợi dụng trình độ của người dân còn thấp, thực dân Pháp đã tuyên truyền cái gọi là thành lập xứ Mèo tự trị, xứ Nùng tự trị… tiếp tế vũ khí đạn dược cho phỉ chống phá cách mạng. Chính vì vậy, nhiệm vụ của tỉnh Hà Giang lúc đó là tiễu trừ thổ phỉ. Trong cuộc chiến đấu này đã xuất hiện rất nhiều tấm gương anh dũng. Điển hình như anh hùng Sùng Dúng Lù, tay không vào hang ổ thổ phỉ thuyết phục chúng ra đầu hàng…
Cũng trong những năm tháng hào hùng này, con đường Hạnh Phúc đã được mở với sự tiếp sức của hàng nghìn thanh niên các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Không có máy móc hiện đại, chỉ có sức người và lòng quyết tâm, hàng trăm cây số đường đá treo leo đã được hoàn thành, mở ra một thời kỳ mới cho vùng cao Hà Giang. Bảo tàng tỉnh cũng là nơi lưu giữ rất nhiều bức ảnh về các sự kiện quan trọng của tỉnh ta qua các thời kỳ, đặc biệt là thành tựu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang từ năm 1991 đến nay.
Cùng với nội dung trưng bày giới thiệu về lịch sử Hà Giang từ thời tiền sử đến nay, nội dung trưng bày về phần dân tộc học cũng là thế mạnh của Bảo tàng Hà Giang. Bảo tàng tỉnh đã trưng bày trang phục và những nét văn hoá đặc trưng của 14 dân tộc. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng được 4 tổ hợp với 4 dân tộc có số dân đông nhất của tỉnh, đó là: Dân tộc Mông với nét sinh hoạt văn hoá chợ; người Tày với sinh hoạt gia đình bên bếp lửa; người Dao với nghề chạm khắc bạc; người Kinh với mái đình, cây đa…
Với những giá trị to lớn đó, Bảo tàng tỉnh đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Như đã nói ở trên, Bảo tàng tỉnh còn là nơi “giữ lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ Hà Giang hôm nay. Mỗi hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là một câu chuyện lịch sử sinh động cho các em. Từ đó, giúp các em có được những hiểu biết về mảnh đất nơi mình đang sinh sống, biết đến những hy sinh anh dũng của cha anh đi trước để thêm yêu, thêm quý trọng cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, việc khai thác những giá trị từ Bảo tàng nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy trong các nhà trường ở tỉnh tachưa được chú ý đúng mức. Việc tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng tỉnh vẫn còn là một cái gì đó quá xa lạ. Vẫn biết rằng thời lượng dành cho lịch sử địa phương trong các nhà trường là rất ít nhưng thiết nghĩ việc bố trí các buổi tham quan bảo tàng cho học sinh như một hoạt động ngoại khoá không phải là quá khó. Đi tham quan theo tập thể, có sự hướng dẫn, thuyết minh của cán bộ Bảo tàng sẽ giúp các em hiểu sâu hơn về những giá trị mà cha ông đã tạo dựng nên. Đây sẽ là những bài học bổ ích, là nền tảng xây dựng lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.