Học cách tiết kiệm khi Xăng dầu tăng giá

16:36, 29/02/2008

(HGĐT)- Đợt điều chỉnh giá xăng, dầu đầu tiên của năm 2008 diễn ra trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đang leo thang mạnh nên đã có tác động lớn đến đời sống của đại bộ phận người dân.


Nhưng khác với tâm trạng lo lắng của những lần tăng giá trước, người tiêu dùng đã hiểu chính sách không bù lỗ xăng, dầu của Nhà nước nhằm tiết kiệm ngân sách. Để giảm thiểu những chi phí phát sinh, giải pháp tối ưu được người tiêu dùng lựa chọn là: Tiết kiệm.


Đợt điều chỉnh giá xăng, dầu lần này, Nhà nước chính thức trao quyền tự quyết về giá bán cho các doanh nghiệp trên cơ sở có sự giám sát chặt chẽ của liên bộ Tài chính - Công thương. Do vậy, giá dầu diezel 0,25S và dầu hoả được điều chỉnh tăng từ 10.200 đồng/lít lên 13.900 đồng/lít (tăng 3.700 đồng/lít), dầu mazút tăng từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng/lít; giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.500 đồng/lít. Tỉnh ta thuộc vùng II, là địa phương xa cảng tiếp nhận xăng dầu, chi phí kinh doanh cao nên giá định hướng được tăng thêm 2%. Do vậy, giá bán xăng, dầu trên địa bàn tỉnh được duy trì ở mức 15.090 đồng/lít đối với xăng không chì RON 95; 14.790 đồng/lít xăng A92; 14.220 đồng/lít dầu diezen 0,05S; 14.170 đồng/lít diezen 0,25S và dầu hoả; 9.740 đồng/lít dầu mazut 3S và 9.690 đồng/lít dầu mazut 3,5S.


Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Quan sát của chúng tôi tại khu vực bến xe phía Nam của tỉnh, nơi có 25 HTX vận tải đăng ký hoạt động tại bến với số lượng 60-70 lượt xe/ngày cho thấy: Tại bảng niêm yết giá vé xe khách các tuyến chưa có sự điều chỉnh. Giá vé xe tuyến Hà Giang - Thái Nguyên vẫn giữ ở mức 50 nghìn đồng/người/lượt; Hà Giang - Tuyên Quang 43 nghìn đồng/người/lượt. Nhưng qua tiếp xúc với hành khách đi xe và thâm nhập thực tế, mặc dù giá vé ghi tại cửa xe chưa thay đổi nhưng một vài tuyến nhà xe đã thu tăng thêm, bình quân 10 nghìn đồng/người/lượt. Nhiều nhà xe thực hiện thu theo phương thức khách hàng bù lỗ cho nhau. Chẳng hạn như khách đi tuyến Hà Giang - Thái Nguyên 50 nghìn đồng nhưng khách chỉ đi 2/3 tuyến nhà xe cũng thu 50 nghìn đồng. Ngoài các xe thu vé theo giá được niêm yết, một số xe chất lượng cao chạy tuyến Hà Giang - Hà Nội giá vé đã tăng lên 100 nghìn đồng/người/lượt.


Trao đổi với các HTX kinh doanh vận tải chúng tôi được biết: Mức giá đang áp dụng cho các tuyến được duy trì ổn định từ khi dầu ở mức 7 nghìn đồng/lít. Thời gian qua, mặc dù giá xăng, dầu liên tục tăng nhưng các HTX vận tải chưa tăng giá, họ chấp nhận một phần doanh thu bị giảm để cùng chia sẻ với hành khách. Bà Lê Thị Tuyên, đại diện HTX vận tải Cầu Mè (thị xã Hà Giang) khẳng định: Khi giá xăng, dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng loạt các dịch vụ khác tăng theo. Với mức giá đang duy trì, nhiều chuyến xe, nhà xe phải bù lỗ và nếu không tăng giá thì sẽ không duy trì được hoạt động. Bà cho biết thêm, HTX vận tải Cầu Mè hiện có 10 xe khách chạy các tuyến nội tỉnh với 30 lao động làm việc thường xuyên. Mức lương HTX trả trung bình từ 1-1,8 triệu đồng/người/tháng và HTX lo toàn bộ chi phí ăn, nghỉ. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá cả mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng quá mạnh, chi phí ăn, nghỉ của lao động bị đội lên rất nhiều, doanh thu của HTX cũng vì thế bị giảm. Còn anh Nguyễn Văn Lam, lái xe 20K-7355 thuộc HTX vận tải Tân Phú (Thái Nguyên) cho biết : Các HTX vận tải ở Thái Nguyên đã có thông báo tăng giá vé trên tất cả các tuyến với mức bình quân 10-15 nghìn đồng/người/lượt. Sự điều chỉnh giá này có thể ảnh hưởng đến khách hàng nhưng trong bối cảnh như vậy, giữa khách hàng và nhà xe cần có sự chia sẻ để giảm bớt khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, đại diện các HTX vận tải trên địa bàn tỉnh cũng khẳng định: Việc điều chỉnh một đợt giá vé mới theo giá xăng, dầu là cần thiết để duy trì hoạt động. Hiện các HTX đang kiến nghị cơ quan chức năng, xin phép được điều chỉnh giá, còn mức tăng bao nhiêu thì các HTX sẽ tính sao cho hợp lý, cân bằng được quyền lợi giữa nhà xe và hành khách.


Cũng như mặt hàng xăng, dầu, hiện nay các mặt hàng thiết yếu, phục vụ tiêu dùng hàng ngày cũng đang rục rịch tăng giá. Thời gian giáp Tết, người tiêu dùng đã phải đắn đo, cân nhắc khi mua sắm sao cho hợp lý thì nay càng phải căn cơ, tính toán. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng leo thang mạnh từ trước Tết đến nay chưa hề giảm xuống mà còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Đợt rét đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, rau xanh, hoa quả tươi trên thị trường. Mấy hôm nay, khi giá xăng, dầu tăng thì nhiều mặt hàng cũng bắt đầu tăng giá. Khảo sát một vòng quanh các chợ trên địa bàn thị xã chúng tôi nhận thấy giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng bình quân từ 2-5% so với trước thời điểm giá xăng, dầu tăng. Chẳng hạn như 1 mớ rau cải trước đây chỉ có 1,5 nghìn đồng, nay đã tăng lên 2 nghìn đồng. Do địa bàn của tỉnh nằm xa các vùng cung ứng hàng hoá, nhiều mặt hàng phải vận chuyển từ dưới xuôi lên, do vậy giá thành sản phẩm khi bán ra được cộng thêm cả chi phí xăng, dầu và cùng một sản phẩm nhưng ở mỗi địa bàn giá bán lại có sự giao động tuỳ thuộc vào quãng đường vận chuyển.


Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế: Xăng, dầu là yếu tố đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, khi giá đầu vào tăng sẽ kéo theo giá đầu ra các sản phẩm tăng theo và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của xã hội. Chẳng hạn như khi giá dầu mazut tăng 1 nghìn đồng/lít thì giá thép tăng thêm 40 nghìn đồng/tấn. Giá cả các mặt hàng đã tăng theo giá xăng, dầu và có tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, người tiêu dùng đều chấp nhận, cùng chia sẻ những khó khăn với Nhà nước. Nếu như trước đây Nhà nước thực hiện chính sách bù lỗ xăng, dầu thì mỗi năm ngân sách phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy khi Nhà nước không can thiệp sâu mà thực hiện trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tự quyết định theo quy luật của thị trường đã tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng/năm. Nguồn ngân sách này có thể đầu tư vào các công trình quốc kế dân sinh, giải quyết các chế độ xã hội cho người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp để cải thiện đời sống của một bộ phận người dân, nhất là người dân nghèo ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.


Xăng, dầu tăng giá, kéo theo các mặt hàng khác cũng tăng giá, đó là quy luật chung. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải tuân theo quy luật vận động của thị trường. Chỉ có điều trong bối cảnh giá cả đắt đỏ, người tiêu dùng phải tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định nào có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của mình. Để giảm thiểu các chi phí liên quan do sự biến động của giá xăng, dầu, mọi người nên học cách tiết kiệm.


Thiên Thanh - Phan Hùng

Cùng chuyên mục

Giới trẻ và những giá trị cuộc sống cùng sinh viên về quê vui Tết
Sáng 29.1, chuyến xe đầu tiên chở theo những niềm vui háo hức của nhiều sinh viên (SV) về quê đón Tết và sum họp với gia đình đã lăn bánh...
30/01/2008
Mênh mang mùa Xuân biên giới
(HGĐT)- Những năm gần đây, tôi có thói quen cứ chuyến công tác Mèo Vạc, Đồng Văn nếu thuận lợi là tôi lại ngược Lũng Cú để trò chuyện với chiến sĩ biên phòng, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo xã, sang trường PTCS thăm hỏi các thầy, cô giáo, rồi tạt qua trạm biên phòng tiền tiêu.
30/01/2008
Thiêng liêng chủ quyền biên giới
(HGĐT)- Bao năm gắn bó với mảnh đất biên cương đầy khó khăn, khắc nghiệt, bàn chân đặt lên nhiều bản làng heo hút, nơi cuộc sống còn kham khổ, tôi luôn thầm hỏi có nơi nào trên dải đất Việt lại thân thương, anh dũng, kiên cường như đất, người Hà Giang?
30/01/2008
Đoàn cán bộ T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chúc Tết tại tỉnh ta
(HGĐT)- Ngày 28-29.1, đoàn cán bộ T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí Thư T.Ư Đoàn dẫn đầu đã lên thăm, chúc Tết tại tỉnh ta.
30/01/2008