Thiêng liêng chủ quyền biên giới
(HGĐT)- Bao năm gắn bó với mảnh đất biên cương đầy khó khăn, khắc nghiệt, bàn chân đặt lên nhiều bản làng heo hút, nơi cuộc sống còn kham khổ, tôi luôn thầm hỏi có nơi nào trên dải đất Việt lại thân thương, anh dũng, kiên cường như đất, người Hà Giang?
Một góc trời đầy đá núi, những cung đường quanh co, đèo cao, vực thẳm, cổng trời vời vợi…đều để lại cảm giác khó quên với mỗi ai dù chỉ một lần đến. Con số hơn 270 km chiều dài đường biên tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, chạy qua 34 xã, thị trấn của 7 huyện thật ấn tượng, hùng vĩ, thiêng liêng. Đã có lần tôi thực hiện chuyến viễn hành dọc miền biên giới. Khi chân đặt lên đường biên, nhìn thật lâu về Tổ quốc, thấy tự hào biết bao. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu đặt chân lên đường biên giới ở điểm mờ xa mãi tận xã Xín Cái (Mèo Vạc). Năm 2003, khi tiết trời sang Xuân, trên vùng cao những bông hoa mơ nở trắng như tuyết, mưa nhè nhẹ bay là thời điểm tôi thực hiện hành trình lên miền biên viễn. Chiếc xe máy đưa tôi vượt qua những khúc cua, đèo cao, theo Quốc lộ 4C thẳng tiến phương Bắc. Không gian mênh mang, choáng ngợp. Mỗi vùng đất, mỗi làng quê tôi đặt chân đến đều gợi sự ngạc nhiên, thán phục. Những bản làng với ngôi nhà cheo leo nơi sườn núi, cuộc sống khó khăn nhưng người dân vẫn bám trụ, bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới thân yêu của Tổ quốc. Lúc đó, tôi - một chàng trai miền xuôi, sống giữa phồn hoa phố thị chưa hiểu, chưa cảm nhận hết sự thiêng liêng của đường biên, mốc giới Quốc gia. Chỉ đến khi đặt chân lên đường biên, nghe nhịp tim rung động mạnh, tôi mới cảm nhận được sự thiêng liêng đó. Đường biên giới, nơi ta khẳng định chủ quyền dân tộc, khẳng định hồn thiêng sông núi, khí phách người Việt.
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, trong tôi lại rộn rã ước muốn được ngắm những cánh đào phai vương trên bước đường tuần tra của người chiến sỹ Biên phòng. Cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Xuân Hồng, Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng khi Tết cổ truyền đang đến gần càng khơi thêm nỗi nhớ. Mỗi khi hoa đào nở, người dân trong tỉnh nói chung và người dân vùng biên giới nói riêng lại nhộn nhịp trong không khí chuẩn bị vào hội. Nhịp chuyển của thời gian đã khẳng định những đổi thay trong cuộc sống của người dân vùng biên giới. Cảm nhận chung là ấm no hơn, sung túc hơn, điều này có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng. Với 12 đồn, 11 trạm kiểm soát Biên phòng trải dài trên tuyến biên giới, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đã tham gia hầu hết các lĩnh vực ở địa phương như xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã, thị trấn biên giới; phát triển KT-XH; xây dựng nền Biên phòng toàn dân…
Thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, khẳng định niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Biên phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tuyển chọn, điều động 34 cán bộ tăng cường cho các xã, thị trấn đảm nhiệm chức Bí thư, phó Bí thư đảng uỷ xã. Các đồn Biên phòng chủ động, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị. Chỉ tính trong vòng 4 năm 2004-2007, 34 xã, thị trấn biên giới đã kết nạp được 618 đảng viên, nâng tổng số đảng viên từ 2.748 năm 2004 lên 3.366 năm 2007; thành lập mới 22 chi bộ, nâng tổng số chi bộ từ 376 năm 2004 lên 398 chi bộ năm 2007.
Những ngày này, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đang vui mừng, phấn khởi chuẩn bị đón Tết cổ truyền và hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ năm 2008. Năm 2008, chúng ta quyết tâm tăng tốc để đến năm 2009 sẽ hoàn thành chỉ tiêu, nghị quyết Đại hội đảng các cấp đề ra. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi người dân ngay từ cơ sở và việc triển khai hàng loạt dự án phát triển KT-XH của lực lượng Biên phòng thời gian qua sẽ là đòn bẩy quan trọng để các xã biên giới cùng các xã nội địa biến quyết tâm của tỉnh thành hiện thực. Từ năm 2004 đến nay, BĐBP tỉnh được cấp trên đầu tư, giao làm chủ đầu tư 9 dự án phát triển KT-XH khu vực biên giới với tổng kinh phí trên 93,6 tỷ đồng. Sau mấy năm triển khai, đã có 31 km đường ô tô, trên 56 km đường giao thông nông thôn; 170 bể nước, trên 11,436 nghìn m đường ống dẫn nước; 100 ha ruộng khai hoang, 70 ha ngô nương xếp đá…được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng còn xây dựng được nhiều mô hình phát triển KT-XH, XĐGN như quy hoạch dân cư, xoá nhà tạm, xoá hộ nghèo, trồng cỏ chăn nuôi gia súc, trồng thảo quả, xây dựng điểm sáng văn hoá. Lực lượng Biên phòng đã trồng được 61 ha rừng, bảo vệ trên 707 ha rừng; tham mưu cho địa phương xoá 410 nhà tạm, trực tiếp sửa chữa và làm mới 71 nhà; tiếp nhận 27 hộ, 131 khẩu từ các xã nội địa đến định cư ở khu vực biên giới; 175 hộ với 1.320 khẩu ra sống ở khu vực giáp biên; điều chuyển, ổn định dân cư 106 hộ với 396 khẩu.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ngày nào còn lạ lẫm, choáng ngợp trước thiên nhiên, nét độc đáo trong sinh hoạt của đồng bào, đến nay tôi đã trở thành người Hà Giang. Qua đó, tôi có điều kiện đi nhiều hơn, nhiều lần đặt chân đến các xã biên giới như Sơn Vĩ, Thượng Phùng, Xín Cái (Mèo Vạc), Bản Máy (Hoàng Su Phì), Pà Vầy Sủ (Xín Mần)... Càng đi, càng thấy đất quê mình rộng lớn, hùng vĩ, người quê mình thân thương. Đêm mùa Xuân năm trước ở đồn Biên phòng Bản Máy (Hoàng Su Phì), tôi cứ năn nỉ xin đi tuần cùng các chiến sỹ. Đêm đen, từng bước chân trên đường tuần tra mau lẹ, mỗi bước chân tuần tra, người lính gánh trên vai cả vinh quang và trách nhiệm. Người lính thời bình, cuộc sống tuy đỡ vất vả hơn nhưng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thời nào cũng giống nhau. Khi người dân vui mùa Xuân xum họp, người lính vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ. Đón Tết sớm ở cùng các chiến sỹ Biên phòng, nhận khoanh bánh chưng xanh, miếng giò hoa tự tay chiến sỹ làm mà thấy lòng thêm ấm áp. Mỗi lần đón Tết cùng người lính Biên phòng, ký ức ngày thơ ấu lại tràn về trong trí nhớ. Ngày còn nhỏ, cuộc sống kham khổ, cái nghèo, cái đói những năm 80 của thế kỷ trước đâu chỉ riêng gia đình tôi. Chúng tôi những đứa trẻ luôn mong đến Tết để mẹ may quần áo mới, để được ăn bánh chưng. Ôi chao, ngày thơ sao thời gian trôi chậm quá. 365 ngày dài lê thê, mong dài cổ vẫn chưa thấy Tết về. Hôm nay, chúng ta được sống trong mùa Xuân thanh bình, sung túc và ấm ấp càng thấy yêu quý những người lính. Dù khó khăn khắc nghiệt, các anh vẫn chắc tay súng, bảo vệ mùa Xuân thanh bình, cuộc sống bình yên trong mỗi người.
Xuân về, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh ta, đặc biệt những cán bộ, chiến sỹ Biên phòng càng vinh dự, tự hào khi được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm. Nói chuyện, chúc tết cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tại đồn Biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn), Chủ tịch nước biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong các mặt công tác của lực lượng Biên phòng. Chủ tịch nước mong cán bộ, chiến sỹ cố gắng khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới. Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng tiếp tục gắn bó với nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, phát triển KT-XH trên tuyến biên giới, xây dựng biên giới ổn định, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển… Những lời căn dặn của Chủ tịch nước là nguồn động viên, khích lệ rất lớn dành cho cán bộ, chiến sỹ Biên phòng nơi vùng trời cực Bắc khó khăn nhất của cả nước. Những ngày này, đào phai, một biểu tượng đặc trưng của mùa Xuân nơi cực Bắc bắt đầu nở. Mới hôm qua thôi, trong cái giá lạnh, những nụ hoa còn e ấp thì nay đã vươn chồi thể hiện sức sống mãnh liệt. Những bông hoa đào nở trên đường tuần tra, cánh đào vương theo vành mũ người chiến sỹ Biên phòng là hình ảnh rất đậm có lẽ sẽ không bao giờ phai trong tâm trí mỗi ai một lần được sống những ngày Xuân biên giới. Mùa Xuân biên giới là niềm tự hào, sự linh thiêng trong mỗi con dân đất Việt.
Ý kiến bạn đọc