Thanh bình nơi thượng nguồn sông Bạc

17:04, 21/01/2008

(HGĐT)- Lần này lên Hà Giang, tôi dừng chân ở huyện vùng thấp Quang Bình. Nói là vùng thấp để so với một vùng cao núi đá rộng mênh mông ở phía Bắc của tỉnh, chứ thực tế địa hình Quang Bình cũng chủ yếu là đồi núi.


Từ Quốc lộ 2 vào huyện lỵ là Quốc lộ 279 mới được cải tạo, nâng cấp cách đây vài ba năm, song con đường này vẫn khá quanh co, nhiều chỗ đã xuất hiện ổ gà trên bề mặt nên ngồi trong xe ô tô khách cảm tưởng thân thể có lúc như bị “sóc đĩa”. Được tách ra từ huyện Bắc Quang (cũ) đầu năm 2004. Vì thế, vừa mới bước chân xuống “thủ phủ” của huyện ở xã Yên Bình, trước mặt tôi là một “đại công trường” ngổn ngang với nhiều cơ quan, công sở, đường ngang lối dọc đang trong quá trình thi công xây dựng rất hối hả, khẩn trương. Bụi đường bay mù mịt. Tiếng máy trộn bê tông, máy ủi làm ồn ào, náo nhiệt cả một vùng thị tứ.


Đứng trên tầng hai cơ quan quân sự huyện vừa mới được khánh thành, miệng nói tay chỉ về phía con đường trục chính của huyện, Chính trị viên phó kiêm chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Quang Bình - Trung tá Trần Quốc Tuấn giới thiệu niềm nở với tôi:


- Cách đây bốn năm, xã Yên Bình vẫn như một cô thôn nữ vùng sơn cước bị “ngủ quên” giữa đại ngàn xanh thẳm. Từ khi được xác định là trung tâm hành chính của huyện Quang Bình, xã được cấp trên đầu tư xây dựng để trở thành động lực phát triển KT-XH của cả huyện. Chợ Yên Bình trước đây chỉ họp mỗi tuần hai lần, hàng hóa lèo tèo lắm.Còn bây giờ, như nhà báo thấy đấy, chợ họp hàng ngày với người mua kẻ bán qua lại đông đúc, nhộn nhịp không khác mấy các phiên chợ dưới xuôi.


Qua tìm hiểu tôi được biết, sau khi biết xã Yên Bình sẽ trở thành trung tâm huyện lỵ, nhiều người dân trong xã đã ồ ạt mua đất ở hai bên mặt đường để làm nơi kinh doanh buôn bán. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, xây dựng cửa hàng, quán xá khá lộn xộn, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Đầu năm 2006, để lập lại kỷ cương và mở rộng con đường trục chính của xã, huyện đã ra quân thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông. Trong khi phần lớn các hộ kinh doanh thực hiện triệt để việc giải phóng mặt bằng vẫn còn 4 gia đình chây ỳ, dây dưa kéo dài để đòi hỏi tiền đền bù cao hơn. Được UBND huyện giao nhiệm vụ, lực lượng công an và trung đội dân quân cơ động xã Yên Bình đã phối hợp tiến hành cưỡng chế các trường hợp cố tình sai phạm đó một cách nhanh gọn, an toàn và giao mặt bằng cho huyện đúng thời gian quy định. Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, nói với tôi:


- Trong những thời điểm khó khăn và tình huống “nóng” ở địa phương, các LLVT trong huyện đã tỏ rõ vị trí, vai trò là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện, trong đó DQTV luôn là lực lượng xung kích đi đầu, dám xông pha vào những nơi gian nan nhất.


Giọng nói điềm đạm, lời kể mạch lạc với một tâm trạng hưng phấn và cảm xúc chân thành, anh Hưng đã kể cho tôi nghe về vụ cháy rừng và những câu chuyện cảm động trong ngày mùng hai Tết Đinh Hợi vừa rồi. Trời đã gần về trưa, các gia đình đang chuẩn bị lên mâm vui Tết thì anh Hưng nhận được tin “dữ” là xảy ra cháy rừng ở xã Yên Thành. Không kịp ăn cơm cùng vợ con, anh đã nhanh chóng phóng xe máy đến địa điểm cháy rừng. Đến nơi, anh đã thấy lực lượng dân quân xã Yên Thành cùng với lực lượng kiểm lâm, công an xã và số cán bộ, chiến sỹ trực Tết của cơ quan quân sự huyện cầm đủ thứ dụng cụ như dao, cuốc, xẻng, xô, thùng, chậu, câu liêm, bùi nhùi đang tới tấp lao vào dập các đám cháy với tinh thần hết sức khẩn trương và dũng cảm. Lúc đó gió khá mạnh, thời tiết lại khô hanh, đám cháy mỗi lúc thêm dữ dội. Khói bụi bay mù mịt, tiếng người hô, tiếng kẻng dồn dập làm náo động cả một vùng. Cùng với sự tiếp sức của lực lượng dân quân xã Yên Bình, sau gần 3 tiếng quần lộn với “giặc lửa”, các anh đã dập tắt được hoàn toàn đám cháy, cứu lấy màu xanh cho cả cánh rừng rộng 226 ha của xã Yên Thành.


Anh Hưng tâm sự:

- Vụ cháy thiêu rụi gần 3 ha rừng là do ý thức chủ quan trong việc sử dụng lửa bếp nấu nướng của một số người dân sống gần rừng. Đó là tình huống không ai mong muốn trong những ngày đầu tiên của một năm mới. Nhưng đúng là qua khó khăn, thử thách thì phẩm chất, bản lĩnh của con người mới bộc lộ rõ ràng nhất. Huyện ủy, UBND huyện đánh giá rất cao lực lượng dân quân xã Yên Thành, vì chính các anh là người phát hiện đầu tiên, xông vào dập lửa cứu rừng đầu tiên và chỉ dừng tay khi đám cháy đã không còn một làn khói. Là người trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến tại chỗ, hôm đó nhìn thấy các chiến sỹ dân quân người nào cũng mặt mày nhem nhuốc, quần áo bám đầy than tro, tóc tai bù xù, tôi thực sự cảm động tinh thần cứu rừng của anh em.


Hàng ngàn đời này, đồng bào các dân tộc trong huyện Quang Bình quần tụ trên những triền đồi núi với những cánh rừng xanh bát ngát. Trong tổng số 77.463 ha diện tích tự nhiên của huyện thì đất lâm nghiệp chiếm tới gần 60%. Người dân chủ yếu sống nhờ rừng và kinh tế lâm nghiệp hiện nay cũng là thế mạnh chủ yếu của huyện Quang Bình. Một số khu rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện hiện vẫn còn một số loại cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Đó là “món mồi” rất “hấp dẫn” đối với những kẻ hám lợi và bọn lâm tặc. Hồi đầu tháng 6 mới đây, bọn người “mặt xanh đầu đỏ” (từ chỉ những kẻ hay đi chặt phá rừng trộm mà người dân địa phương thường gọi) ở xã Xuân Giang đã lén lút vào rừng chặt cây chai. Nhận được tin báo của nhân dân, lực lượng công an, kiểm lâm xã phối hợp với một tiểu đội dân quân cơ động xã Xuân Giang đã mai phục và tóm gọn tại chỗ được 6 kẻ phá rừng, thu 4 con dao và 4 cây chai chúng vừa đốn xuống. Trung đội trưởng dân quân xã Xuân Giang Hoàng Ngọc Vấn cho chúng tôi biết: “Bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của trung đội dân quân xã. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an xã thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát ở những khu rừng trọng điểm. Mỗi đợt tuần tra gồm 5 người, trong đó có 2 công an viên, 1 tiểu đội trưởng và 2 chiến sỹ thuộc trung đội dân quân cơ động”.


Trung tá Hoàng Quang át, Phó chỉ huy trưởng - tham mưu trưởng Ban CHQS huyện, là người dân bản địa ở Quang Bình. Xuất thân từ dân tộc Tày, qua tiếp xúc mới biết bên ngoài cái vẻ thâm trầm, ít nói của anh là một lối suy nghĩ điềm đạm, chín chắn. Tôi hỏi:


- Về Quang Bình, qua tìm hiểu tôi được biết nhiều việc làm tốt của dân quân quân địa phương. Nhưng còn khó khăn và hạn chế của dân quân huyện nhà, anh có thể mạnh dạn “tiết lộ” được không?


Anh át bộc bạch:

- Vì mới thành lập chưa đầy 4 năm, do điều kiện khách quan và lịch sử để lại, kết cấu và cơ sở hạ tầng kinh tế - công nghiệp - dịch vụ ở Quang Bình hầu như chưa có gì đáng kể. Đời sống của đồng bào 12 dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất này còn nhiều khó khăn với tỉ lệ đói nghèo hiện nay theo tiêu chí mới là 38%. Toàn huyện có 17 đơn vị cơ sở DQTV thì chỉ có 2 đơn vị tự vệ thuộc khối cơ quan Huyện ủy và UBND huyện, còn lại là 15 đơn vị dân quân ở các xã. Phần lớn lực lượng DQTV là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ chiến sỹ dân quân này có ưu điểm là sống chân thật, hiền lành, làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, ứng xử với nhau có nghĩa, có tình, nhưng trình độ học vấn hạn chế. Mỗi dịp đến mùa huấn luyện hay cần hoạt động tập trung, cơ quan quân sự huyện và xã huy động thì chiến sỹ dân quân có mặt rất khẩn trương, đầy đủ và luôn ở tư thế sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ đến nơi đến chốn. Tinh thần, trách nhiệm của quân dân “miễn phải bàn”, nhưng khả năng nhận thức của anh em có hạn nên quá trình tổ chức học tập, giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự, độingũ cán bộ các cấp phải cố gắng rất nhiều để truyền đạt, giảng giải thì dân quân mới dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng.


- Xuất phát từ lý do nhận thức, trình độ như vậy - Trung tá Trần Quốc Tuấn tiếp lời - cũng là một “lực cản” tác động không thuận đến việc phát triển Đảng trong lực lượng dân quân của địa phương, kể cả số cán bộ là thôn đội trưởng. Hiện nay, trong số 130 thôn đội trưởng của huyện, mới có 55 đồng chí là đảng viên (chiếm 42,3%), còn lại là đoàn viên và quần chúng, số tốt nghiệp THPT mới có 15 người, còn lại tốt nghiệp THCS và 11 thôn đội trưởng mới hoàn thành xong chương trình tiểu học. Có những trường hợp thôn đội trưởng rất trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác và có ý thức phấn đấu tốt nhưng vì lý do trình độ học vấn thấp nên cấp ủy cơ sở cũng chưa đưa vào nguồn phát triển Đảng.


- Vậy các anh giải “bài toán khó” này ra sao để từng bước nâng cao tỉ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân? - Tôi hỏi.


Anh Tuấn trả lời:

- Tới đây, Ban CHQS huyện phối hợp với Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và xã hội huyện kiểm tra, rà soát, phân loại và có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng bổ túc văn hóa cho lực lượng dân quân nòng cốt trong huyện.Trước mắt, chúng tôi tập trung mở các lớp bồi dưỡng bổ túc cho các đồng chí thôn đội trưởng để đội ngũ này được “chuẩn hóa” về mặt bằng kiến thức, làm cơ sở và điều kiện tạo nguồn phát triển Đảng cho anh em.


Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, những thôn đội trưởng giàu nghị lực sẽ càng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý và duy trì lực lượng dân quân hoạt động có nền nếp từ cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ này luôn là chỗ dựa trung thành và tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.


Một buổi tối mùa thu, ánh trăng soi lồng lộng xuống dòng sông Nậm Bạc. Màu nước trong vắt long lanh bên những dải cát trắng mịn màng lấp lánh của dòng sông hiện ra trước mắt tôi trông thật gợi cảm và thanh bình. Qua cầu Nậm Bạc, ngược lên phía thượng nguồn dòng sông, tôi nghe thấy rõ tiếng máy ủi, máy khoan rền vang đang san gạt đất đồi, đắp đập, ngăn sông. Công trình thuỷ điện Nậm Bạc lớn nhất huyện đã khởi công như một ngọn lửa làm ấm áp thêm niềm hy vọng về tương lai tươi sáng trên mảnh đất này. Giữ cho môi trường ổn định, tạo đà thuận lợi cho kinh tế phát triển, cuộc sống của đồng bào no ấm, đầy đủ hơn, đó cũng là khát vọng cháy bỏng bấy lâu nay của những “chiến sỹ sao vuông” trên miền sơn cước Quang Bình.


Nguyễn Văn Hải (HT: 3NB-20 - Phú Thọ)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chiến lược phát triển thanh niên VN đến 2010: Nhiều nơi thờ ơ
Sau hơn bốn năm rưỡi chiến lược phát triển thanh niên (TN) VN đến 2010 được Thủ tướng phê duyệt (4-2003), đến nay mới chỉ có 46 đơn vị (44 tỉnh, thành phố và hai bộ) có các hình thức khác nhau triển khai thực hiện.
30/12/2007
Những mối tình từ một con tàu
Trong suốt 34 năm, con tàu Nippon Maru gắn liền với chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP) đã se duyên cho biết bao đôi lứa... Cha, mẹ, con và SSEAYP
28/12/2007
Việc làm cho thanh niên: "Quả bóng đang nằm trong tay Đoàn"
"Quả bóng đang nằm trong tay Đoàn Thanh niên, các bạn tổ chức chơi tốt thì sẽ có kết quả". Đối thoại với các thủ lĩnh thanh niên tại Đại hội Đoàn toàn quốc chiều 20/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự tin tưởng ở thế hệ trẻ, đồng thời giao cho họ nhiệm vụ tiên phong trong quá trình hội nhập hiện nay: Phát triển nền kinh tế tri thức.
21/12/2007
Báo động tai nạn lao động!
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2007 cả nước đã xảy ra 2.996 vụ tai nạn lao động làm 3.057 người bị nạn, trong đó có 197 vụ làm 224 người chết, 457 người bị thương nặng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đầy đủ và còn thấp hơn so với thực tế nhiều lần.
21/01/2008