Phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm - yếu tố quyết định phát triển KT-XH, XĐGN
(HGĐT)- Nghị quyết 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh ngày 2.10.2006 đã xác định: Phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, XĐGN, phát triển KT-XH địa phương.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng; giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp nông thôn.
Là một tỉnh miền núi có tiềm năng lao động dồi dào, số người trong độ tuổi lao động chiếm 53,5% dân số. Nhưng do đặc thù của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, tỷ lệ lao động khu vực nông thôn ở tỉnh ta còn cao trên 80%. Số lao động qua đào tạo chiếm 14% (năm 2005), trong đó số qua đào tạo nghề mới đạt 9,1%/tổng số lao động. Do trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động còn hạn chế nên việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống còn gặp nhiều khó khăn, năng suất, hiệu quả lao động, mức thu nhập thấp, đời sống của người lao động còn nghèo, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu và vùng xa...
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã đề ra và Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, năm 2007 công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về đào tạo nghề trên phạm vi toàn tỉnh, năm qua Sở Lao động-TBXH đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh, chỉ đạo của Bộ Lao động-TBXH và Tổng cục Dạy nghề để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo sát thực với tình hình KT-XH của địa phương, từ đó kịp thời tham mưu cho tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch giao.
Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện của Bộ Lao động-TBXH, các cơ quan, ban ngành của tỉnh, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh ngày càng phát triển. Năm 2006, toàn tỉnh mới chỉ có 6 cơ sở dạy nghề, thì đến hết năm 2007, toàn tỉnh đã có 8 cơ sở đào tạo nghề góp phần phát triển mở rộng cơ sở đào tạo nghề theo đề án của tỉnh, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các vùng trong tỉnh. Nhìn chung, tất cả các ngành nghề đào tạo của trường Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề đều xây dựng được chương trình đào tạo chi tiết cho từng nghề, số tiết học, nội dung từng môn học đầy đủ, phù hợp với nhận thức của học sinh. Nội dung và chương trình đào tạo thực hiện đúng theo quy định của Bộ Lao động-TBXH và Tổng cục Dạy nghề.
Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề đã chủ động mở rộng về quy mô, lĩnh vực đào tạo, cải tiến nội dung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mở mang được nhiều ngành nghề mới thiết thực cơ bản, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất như: Nhà máy chế biến bột giấy Hải Hà; Nhà máy lắp ráp ô tô; Nhà máy chế biến bột cao lanh; các HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu... góp phần tạo được nguồn lao động có tay nghề kỹ tuật phục vụ thiết thực cho phát triển sản xuất tại địa phương, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, phục vụ kịp thời các chương trình, dự án của tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Để có nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, với phương châm “Hướng về cơ sở”, năm 2007 trường Trung cấp nghề, Trung tâm kỹ thuật Hướng nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị tuyển sinh được 659 học sinh, đạt 120% kế hoạch. Thời gian học từ 12-36 tháng, tùy theo ngành nghề đào tạo, với hình thức tuyển sinh là xét tuyển, nên đã thu hút đông đảo học sinh tốt nghiệp THPT tham gia. Khi vào học tập tại trường, các em đã chọn cho mình một nghề thích hợp để sau khi ra trường thích nghi với thị trường, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế gia đình như: Nông lâm nghiệp, kỹ thuật điện dân dụng, điện tử, sửa chữa ô tô xe máy, công nghệ thông tin...
Trung tâm dạy nghề các huyện mặc dù mới được thành lập nhưng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đào tạo hệ sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn cho 9.081 học sinh, vượt 65% kế hoạch. Thông qua các lớp học thời gian từ 1-3 tháng, chương trình đào tạo nghề đã trang bị cho học sinh những kỹ thuật cơ bản, phục vụ cho phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng ngay tại địa phương như các nghề sửa chữa xe máy, điện dân dụng, kỹ thuật nông lâm, xây dựng, mây tre đan, mộc dân dụng... góp phần thiết thực phục vụ phát triển sản xuất ngay tại địa phương. Đây cũng là năm đầu tiên ngành Lao động-TBXH thực hiện tốt công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Do làm tốt công tác đào tạo nghề, lao động của tỉnh từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản xuất hàng hóa trong sản xuất như: Ngành nông lâm nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm sản, xây dựng dân dụng. Theo báo cáo của các cơ sở dạy nghề của tỉnh có từ 65-70% học sinh sau học nghề có việc làm hoặc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất tại địa phương và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thông qua đào tạo nghề đã dần khôi phục lại các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, may, thêu trang phục dân tộc truyền thống. Các cơ sở khai thác nghiền đá, sản xuất vật liệu xây dựng ở địa phương đã đầu tư mở rộng hoạt động SXKD thu hút thêm lao động. Một mô hình điển hình trong công tác này như lớp dạy nghề chẻ tăm hương ở xã Bằng Lang (Quang Bình) có 30 lao động nhưng nay đã nhân rộng lên 200 người theo nghề làm tăm hương. Hay như nghề thêu ren ở xã Tân Trịnh, Tân Bắc (Quang Bình), nghề mây tre đan xuất khẩu tại huyện Bắc Quang người học nghề vừa học vừa nhận làm sản phẩm cho doanh nghiệp, mức thu nhập ước đạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng.
Có thể nói, công tác đào tạo dạy nghề đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, mở mang được nhiều ngành nghề đào tạo thiết thực và đáp ứng được nhu cầu ngành nghề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tích cực vào công tác XĐGN, phát triển KT-XH, được người dân đồng tình hưởng ứng tham gia học nghề với số lượng ngày một đông và có hiệu quả. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng nhanh qua các năm, nếu như năm 2001 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 6,2%, năm 2005 đạt 9,1%, năm 2006 đạt 10,53% thì đến năm 2007 tỷ lệ qua đào tạo nghề đã nâng lên đạt tới con số 13,12%.
Nhờ công tác đào tạo nghề đã tạo một bước chuyển biến căn bản về số lượng, chất lượng lao động qua đào tạo và đào tạo nghề. Ngành Lao động-TBXH đã tư vấn việc làm, học nghề cho 1.550 người, đạt 287% kế hoạch; giới thiệu việc làm cho 271 lao động, đạt 104% kế hoạch; đưa 850 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và đưa 1.270 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước... Giúp người lao động qua đào tạo có việc làm, từng bước tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Tạo nhiều cơ hội để người lao động ở khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số được tham gia học nghề ở các cấp trình độ để có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Đồng thời phát triển các nghề hiện có, khôi phục và phát triển các nghề thủ công, nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm cho đông đảo người lao động ở nông thôn.
Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Giám đốc Sở Lao động-TBXH nhận định: Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hiện nay công tác tuyên truyền vận động đối với vùng sâu, vùng xa chưa được thường xuyên nên một bộ phận nhân dân chưa ý thức việc học nghề, còn mang nặng tư tưởng chỉ muốn con em mình theo học ở các trường Đại học, Cao đẳng. Hơn nữa, mặc dù có sự tăng nhanh về quy mô đào tạo, số lượng người, ngành nghề đào tạo, song chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn nên chất lượng đào tạo còn hạn chế, số lượng người học nghề trình độ Trung cấp còn chiếm tỷ lệ thấp...
Để đổi mới và phát triển sự nghiệp dạy nghề và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết XIV Đảng bộ tỉnh, trong năm 2008 này Sở Lao động-TBXH sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch, đưa ra chính sách dạy nghề sát thực với tình hình địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức xã hội, các huyện, thị tổ chức thực hiện. Không ngừng nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy tương xứng với quy mô, loại hình đào tạo. Phấn đấu đến hết năm 2008 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 15,5%.
Ý kiến bạn đọc