Mênh mang mùa Xuân biên giới

16:55, 30/01/2008

(HGĐT)- Những năm gần đây, tôi có thói quen cứ chuyến công tác Mèo Vạc, Đồng Văn nếu thuận lợi là tôi lại ngược Lũng Cú để trò chuyện với chiến sĩ biên phòng, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo xã, sang trường PTCS thăm hỏi các thầy, cô giáo, rồi tạt qua trạm biên phòng tiền tiêu.


Nếu rộng dài thời gian thì leo lên cột cờ ngắm núi non làng bản. Đêm nghỉ nhà khách Lũng Cú nghe cờ Tổ quốc reo trong gió... Thói quen ấy cứ lặp đi lặp lại mà không nhàm chán, bởi mỗi lần lên Lũng Cú tôi đều phát hiện ra điều mới rất tự hào, thiêng liêng...


Thi thoảng điện thoại trên ấy nhắn xuống. Lúc thì Vàng Mý Cấu, Phó Chủ tịch UBND xã, thông báo: Nhà khách Lũng Cú hoàn thành rồi bác bố trí lên vài hôm. Chợ Lũng Cú dưới chân núi Rồng, tổ chức họp vào ngày Chủ nhật hàng tháng đông vui lắm, có cả món thắng cố mà bác ưa thích, tuần tới bác lên được không? Khi thì Lầu Dũng Páo, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBNDxã Lũng Cú đề nghị: Bác bố trí lên vài hôm, nói chuyện thơ, văn chuyên đề về Lũng Cú cho đoàn viên, thanh niên xã, giao lưu với thầy, cô giáo, rồi giúp địa phương làm đề cương cho cuốn lịch sử đảng bộ... Tôi trở thành người con của đồng bào Lũng Cú từ ngày nào chẳng rõ. Chỉ là theo dõi bước đi của xã trong lộ trình XĐGN rồi thể hiện bằng tác phẩm văn học, báo chí vậy thôi. Tôi thực sự hạnh phúc về điều ấy. Chẳng thế bạn bè từng bảo: Ông chọn Hà Giang để lập nghiệp và làm văn chương quả là đắc địa. Đúng vậy, nếu ở vùng quê khác chắc gì tôi đã viết được nhiều đến thế. Còn mình có tấm lòng chân thật, đồng bào coi như người thân là lẽ đương nhiên rồi.

Bỏ qua đêm Phố cổ Đồng Văn, với nhiều sinh hoạt đặc sắc, tôi lên thẳng Lũng Cú, đến Ma Lé, trong lòng bỗng rạo rực trước sắc trắng hoa lê đã le lói ở nách lá. Chạm cổng trời Pán Tính, dọc đường vào trụ sở xã, kéo qua trạm biên phòng tiền tiêu đến chân núi Rồng, hoa đào đã bập bùng đỏ rực, hoa lê, hoa mận miên man trắng. Để xây dựng Lũng Cú thành xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng, ý tưởng đó quả là lãng mạn và đang dần thành hiện thực.


Nhận phòng nghỉ, đặt cơm nhà khách Lũng Cú xong, tôi dạo một vòng. Sương chiều ẩm ướt, rét hanh, cánh đồng Thèn Pả im lìm sau mùa gặt, cũng là lúc mùa hoa cải vàng rực làm cho đất đai Lũng Cú ấm lên. Từ khu chợ trung tâm trở về nhà khách đã nhọ mặt người, ánh điện bừng sáng trong từng ngôi nhà dân, lấp lánh như những ngôi sao đêm mờ ảo.


Bữa cơm tối được tổ chức tại phòng ăn của nhà nghỉ. Đây là khu nhà riêng giáp với trạm biên phòng tiền tiêu, rộng rãi, tiện nghi tương đối khang trang. Món ăn truyền thống của Lũng Cú vẫn là thịt bò xào, gà đen luộc, gà đen nấu canh gừng, rau cải, rượu ngô... Tôi cảm thấy rất ngon, yên tâm hơn bất cứ nhà hàng sang trọng nào mà tôi đã từng dùng bữa. Cùng lúc các thầy, cô giáo trường Lũng Cú cũng ùa vào. Chẳng là chiều nay nhà trường tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở, tối liên hoan mừng thành công Đại hội. Tôi đề nghị các bạn ngồi ăn xen kẽ cho vui, chị Vương Thị Sinh, dân tộc La Chí, phụ trách nhà nghỉ, nói: Chẳng mấy khi nhà thơ lên Lũng Cú, xin được nâng ly chúc mừng và đề nghị anh lát nữa đọc thơ cho chúng ta nghe. Các thầy, cô giáo vỗ tay râm ran, nói cười tíu tít... Thế là chén rượu cứ nâng lên đặt xuống, trao qua gửi lại thật vui thật ấm cúng. Men rượu làm con người linh hoạt hơn, thích được bộc lộ tâm tư. Tôi đã trình bày hai bài thơ về Lũng Cú tự tin, mạch lạc và cảm xúc: Tôi ngắm nhìn mê đắm một ban mai/Séo Lủng ơi còn đâu cao hơn thế/Những kho báu nằm im trong ruột đá/Đang hừng lên lồng lộng dưới mặt trời... Vừa dứt thì các thầy, cô giáo ồ lên và cười rất hồn nhiên, khiến tôi lúng túng, hay là mình có sơ xuất gì chăng? Nhưng không phải, bỗng một cô giáo trẻ tách đám đông, tay nâng chén rượu đầy đi thẳng đến chỗ tôi: Em xin cảm ơn nhà thơ đã dành tình cảm cho Séo Lủng.Mặc dù tửu lượng có hạn nhưng với Séo Lủng với Lũng Cú thì tôi không từ chối. Đó là Ly Thị Máy, cô giáo dân tộc Lô Lô, 22 tuổi, giáo viên trường Mầm non ở cái thôn chót vót “tột bắc” ấy. Chồng em là Khánh Văn Thuật, 30 tuổi, dân tộc Tày, giáo viên cùng trường, quê ở Bắc Quang. Tôi hỏi Máy có biết cụ Ly Chúa Dềnh không? Em không ngần ngại: Là bà con ruột thịt mà. Tôi kể cho Máy nghe là vào mùa thu 1964, nhà văn Nguyễn Tuân đã ngồi ở Séo Lủng, được cụ Dềnh khuôn những bìa đậu phụ nóng để ông nhắm rượu, giúp nhà văn treo tấm bản đồ Tổ quốc lên vách đất ngôi nhà của mình, tạo cho ông có thêm nguồn cảm hứng và cho ra đời thiên bút ký nổi tiếng “mỏm Lũng Cú - tột Bắc”. Máy chỉ bảo chi tiết ấy em biết, vì được đọc trong tác phẩm. Rồi Máy bùi ngùi: Vào nhữngnăm 1980, Séo Lủng có nhiều biến động, bọn người xấu đã đốt làng mấy lần, rồi đói khát, rồi ngờ vực nặng nề lắm. Nhưng mảnh đất ông cha làm sao bỏ được, cũng là sứ mệnh dân tộc giao cho người dân Séo Lủng, người dân Lũng Cú bảo vệ cái chóp nón bài thơ muôn đời của Tổ quốc. Em tâm sự thêm: Hiện giờ Séo Lủng đã có nhiều đổi khác, với 42 hộ dân đều có mức sống khá. Mốc 17 đoạn 3 Hà Giang - Vân Nam được dựng lên từ đời Mãn Thanh (1887) nay đã thay thế cột mốc mới: Mốc 422. Và dòng sông Nho Quế mang vẻ đẹp ghềnh thác dữ dội ngàn năm nay đã bị thuần phục bởi sức lực, trí tuệ con người, chuẩn bị cho cả cao nguyên đá dòng diện mới...


Trở về nhà khách trời đã vào khuya, phòng nghỉ rộng rãi khang trang, chăn gối thơm phức, nhưng tôi không tài nào ngủ được. Đã quen với ầm ào, náo nhiệt phố thị, còn Lũng Cú đêm nay im vắng quá, im vắng đến cô đơn mênh mông, cái sự im vắng này cũng khiến con người trở nên khó ngủ, bởi vậy tiếng cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng càng rõ, càng mạnh, ở Séo Lủng, Lô Lô Chải, Tả Giá Khâu đều nghe được tiếng cờ, lúc thì như tiếng xé gió, bão cồn, lúc lại rì rầm mênh mang như biển buổi êm trời... Lũng Cú đêm đêm không ngủ, Cà Mau đêm đêm thao thức lắng nghe tiếng sự sống sinh sôi ở hai đầu Tổ quốc.


Buổi sáng trở dậy, nhiều giọng nói lao xao phía Trạm biên phòng tiền tiêu vọng sang. Chị Vương Thị Sinh bảo: Hôm nay các chiến sỹ thay cờ Tổ quốc. Tôi vội vàng giày dép, lặng lẽ cùng các chiến sỹ chuẩn bị lên ngọn tháp. Lá cờ Tổ quốc mới tinh xếp gọn, đặt trên chiếc khay lớn, các chiến sỹ chỉnh tề quân phục, súng ống... Trạm trưởng đồn tiền tiêu Nguyễn Ngọc Minh, 30 tuổi, quê ở Phú Thọ, nâng lá cờ Tổ quốc trước ngực đi trước, hai chiến sỹ đi sau. Gió buổi sớm mạnh, buốt giá, những cành cây vươn ra bên đường, trên mặt lá còn nguyên sương muối, lạo xạo trắng muốt. Vượt qua 283 bậc đá chúng tôi đã có mặt dưới chân cột cờ, ngắm núi non, làng bản một lượt, các anh xếp hàng ngang làm lễ chào cờ. Lời quốc ca trầm hùng, rạo rực, vang xa... ánh mắt chúng tôi đăm đắm ngước nhìn lá cờ bạc màu sương gió và nhiều chỗ đã bị rách... Xong xuôi, một chiến sỹ trẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh ôm lá cờ mới đi ngược lên đỉnh ngọn tháp cao gần 20 mét bằng chiếc thang sắt đặt phía trong. Trái tim tôi rộn ràng, hồi hộp nhìn theo bóng dáng của người lính trẻ trên đỉnh ngọn tháp, bàn tay khéo léo thuần thục tháo gỡ lá cờ cũ, lồng lá cờ mới vào trụ thép, neo dây vào mép vải cẩn thận, chắc chắn... Lá cờ đỏ sao vàng rừng rực tung bay lồng lộng trong một biển sương, các anh xếp hàng, chào cờ lần nữa rồi xuống núi...


Lúc ngồi uống nước ở Trạm biên phòng tiền tiêu, Nguyễn Ngọc Minh giải thích: Không cứ một ngày, ba ngày, hay một tuần, khi cờ Tổ quốc bạc màu, rách sờn vì gió đều phải thay ngay. Lũng Cú cao hơn mặt nước biển từ 1.600 đến 1.800 m, kèm theo gió mạnh lá cờ lại rộng 54m2, sức bền của vải như vậy cũng là tốt rồi.


Tiền may cờ mỗi năm hơn 100 triệu đồng, với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện, của đồn, của xã con số đó thực tình không nhỏ. Tôi đề xuất: Hay làm cuộc vận động bà con cả nước đóng góp kinh phí để giảm bớt khó khăn cho Đồng Văn, cũng là tấm lòng của người dân Việt Nam với địa đầu Tổ quốc, nên lắm! Nguyễn Ngọc Minh bảo: Điều ấy chúng em chưa nghĩ tới và cũng cần sự chỉ đạo của cấp trên...


Lũng Cú hôm nay không còn là biểu tượng của sự xa cách, hoang vắng, Lũng Cú thật sự đầm ấm, gần gũi trong lòng tôi, trong lòng bao người. ở Lũng Cúkhông chỉ có hai dân tộc đặc trưng là Mông và Lô Lô, mà tuổi trẻ các dân tộc khác nhiều vùng miền Tổ quốc đang lên với Lũng Cú và coi Lũng Cú như quê hương máu thịt của mình...


Năm chuột, 2008 Cao Xuân Thái

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn cán bộ T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chúc Tết tại tỉnh ta
(HGĐT)- Ngày 28-29.1, đoàn cán bộ T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí Thư T.Ư Đoàn dẫn đầu đã lên thăm, chúc Tết tại tỉnh ta.
30/01/2008
Thiêng liêng chủ quyền biên giới
(HGĐT)- Bao năm gắn bó với mảnh đất biên cương đầy khó khăn, khắc nghiệt, bàn chân đặt lên nhiều bản làng heo hút, nơi cuộc sống còn kham khổ, tôi luôn thầm hỏi có nơi nào trên dải đất Việt lại thân thương, anh dũng, kiên cường như đất, người Hà Giang?
30/01/2008
Giới trẻ và những giá trị cuộc sống cùng sinh viên về quê vui Tết
Sáng 29.1, chuyến xe đầu tiên chở theo những niềm vui háo hức của nhiều sinh viên (SV) về quê đón Tết và sum họp với gia đình đã lăn bánh...
30/01/2008
29 chuyến xe đặc biệt những ngày cuối năm
Từ mấy năm trở lại đây, chương trình tặng vé xe miễn phí cho sinh viên vào dịp Tết Nguyên đán đã được thực hiện tại tất cả các trường đại học.
25/01/2008