Việc làm cho thanh niên: "Quả bóng đang nằm trong tay Đoàn"
"Quả bóng đang nằm trong tay Đoàn Thanh niên, các bạn tổ chức chơi tốt thì sẽ có kết quả". Đối thoại với các thủ lĩnh thanh niên tại Đại hội Đoàn toàn quốc chiều 20/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự tin tưởng ở thế hệ trẻ, đồng thời giao cho họ nhiệm vụ tiên phong trong quá trình hội nhập hiện nay: Phát triển nền kinh tế tri thức.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân |
Thiếu vốn, thiếu đất vẫn phát triển nếu nhân lực tốt
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã mở đầu cuộc đối thoại bằng bài phát biểu nhấn mạnh, "Đoàn Thanh niên luôn là lực lượng xung kích trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, là yếu tố quan trọng góp phần ổn định chính trị, một nguồn lực để đất nước phát triển mạnh mẽ, là chỗ dựa tin cậy của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay".
Ông lưu ý các đại biểu dự Đại hội: "Chúng ta vẫn là một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nhưng chưa bao giờ có nhiều cơ hội phát triển như hiện nay, đồng thời cũng chưa bao giờ đứng trước nhiều thách thức như hiện nay".
Với lợi thế của một quốc gia có dân số trẻ, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu có chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hợp lý thì đất nước sẽ phát triển và hội nhập.
"Một quốc gia có thể thiếu vốn, thiếu đất nhưng nhân lực tốt thì vẫn phát triển"."Chúng ta cũng đang đứng trước 3 cơ hội: toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Điều đó đòi hỏi thế hệ trẻ gìn giữ ước mơ sáng tạo".
Trả lời "yêu cầu" của ĐB Trần Hà Giang (Hà Nội) "chia sẻ kinh nghiệm để thanh niên giữ vững bản lĩnh trong thời hội nhập", ông Nhân cho rằng, quan trọng nhất là "phải tự tin", đồng thời chỉ ra cái yếu về ngoại ngữ của lớp trẻ trong hội nhập. Bộ Giáo dục đang bàn và sẽ trình Chính phủ Chương trình phát triển 13 năm ngoại ngữ để giúp thanh niên khắc phục hạn chế này.
Nền kinh tế tri thức cũng được Phó Thủ tướng đề cập đến ở một tầm nhìn xa hơn, đến năm 2050, để trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thế Trung (Hội Liên hiệp Thanh niên VN). Ông Nhân cho hay, có thể công nghệ sinh học sẽ chiếm vị trí cao, thay thế công nghệ thông tin.
"Danh mục nghề nghiệp về sau sẽ thay đổi. Cho tới năm 2050, có thể sẽ có tới 80% các công việc mà hôm nay còn chưa có tên. Mong các bạn trẻ tiếp tục học tập tốt, rèn luyện để có tri thức và sức khỏe để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước", ông Nhân nói.
"Đa số không học đại học mới là bình thường"
Rất nhiều câu hỏi về việc làm - mối quan tâm hàng đầu của thanh niên đã được các đại biểu đặt ra và người trả lời, ngoài Phó Thủ tướng, còn có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Bạch Hồng.
Về Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề, tạo việc làm của TƯ Đoàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay, điều đầu tiên cần làm là "điều chỉnh tâm lý coi nặng việc học đại học, nhẹ việc học nghề trong nhân dân".
"Chính phủ đã giao Đoàn thanh niên, Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền trong 3 năm, từ 2008 đến 2011 về lợi ích của việc học nghề, gương những người thành đạt từ học nghề để thay đổi nhận thức của thanh niên. Ở các nước phát triển, chỉ có 35% người tốt nghiệp PTTH học đại học, còn lại 65% học nghề. Điều đó hoàn toàn là bình thường. Tỷ lệ ngược lại mới là không bình thường", ông Nhân cho hay.
Phó Thủ tướng nêu 4 chương trình tín dụng quan trọng: Cho vay ưu đãi học nghề và đào tạo nghề, cho vay đi lao động nước ngoài, cho vay nâng cấp, mở rộng các trường dạy nghề và cho vay hỗ trợ thanh niên thành lập doanh nghiệp.
"Tổng kinh phí dự kiến của đề án trong 5 năm từ 2008 đến 2012 vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Quả bóng nằm trong tay Đoàn thanh niên, các bạn tổ chức chơi tốt thì sẽ có kết quả", ông Nhân ví von.
Câu hỏi của ĐB Tăng Quốc Lập (Đồng Nai) về việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho là "hóc búa".
Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng khẳng định: "Chính phủ đã đồng ý phương án xây dựng thí điểm Trung tâm hỗ trợ công nhân và lao động trẻ tại Bình Dương và Hải Dương. Hy vọng nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng trong cả nước".
Có chính sách ưu đãi riêng cho thanh niên "yếu thế" ở vùng sâu
ĐB Trương Quốc Hội, dân tộc Dao ở tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn nêu vấn đề với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Chưa lúc nào cơ hội cho thanh niên nhiều như hiện nay nhưng cơ hội đó lại rất ít cho thanh niên yếu thế, ở vùng sâu vùng xa. Phó Thủ tướng nghĩ thế nào về vấn đề này?".
Ông Nhân thừa nhận: "Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Bộ Giáo dục mới quyết định thành lập Vụ Giáo dục dân tộc, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng này. Nếu nói người dân dành 6-8% tổng thu nhập chỉ vài trăm nghìn cho con đi học thì không đủ cho nhiều khoản chi phát sinh như quần áo, đồ dùng học tập… Vì vậy, nếu chúng ta chỉ có chính sách miễn học phí cho những học sinh trong diện này thì có lẽ các em vẫn chưa thể tới trường, mà chúng ta phải cho tiền để các em đi học".
Phó Thủ tướng chỉ ra vai trò của Đoàn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn: "Chúng ta sẽ xây dựng mạng thông tin kinh tế cho nông thôn, mỗi xã là một trung tâm thông tin kinh tế nhờ mạng Internet, bà con phải biết thông tin cây này, con này thị trường bán giá bao nhiêu để quyết định đầu tư đúng đắn, rồi chính sách của Nhà nước hỗ trợ thế nào. Đoàn sẽ là lực lượng chủ công trong việc phổ biến kiến thức này".
"Suy cho cùng, năng lực sáng tạo của mỗi quốc gia quyết định sự suy tồn của mỗi dân tộc", ông Nhân trăn trở. "Quá trình hội nhập yêu cầu phải có chất lượng thực, năng lực thật sự của con người. Cần có môi trường giáo dục thực sự để sau này thanh niên có thể hành nghề thực sự. Ý chí vươn lên là hành trang quan trọng nhất của thanh niên khi bước vào đời", Phó Thủ tướng nói.
Ý kiến bạn đọc