Để người lao động chủ động trên đường lập nghiệp
(HGĐT)- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động có ý nghĩa rất quan trọng, nó phản ánh trình độ dân trí cũng như sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Do đặc thù của tỉnh ta, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ đạo, đồng nghĩa với nó phần lớn lao động làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp theo mùa vụ, chưa có trình độ chuyên môn cao; lao ;động có tay nghề, được đào tạo bài bản, có việc làm thường xuyên, tính ổn định cao còn ít so với tổng số người trong độ tuổi lao động. Trước thực trạng cũng như xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Các cơ chế, chính sách được ban hành gắn với thực tiễn cơ sở như: Nghị quyết về đào tạo, phát triển nghề, giải quyết việc làm trong nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu lao động; phát triển dạy nghề giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2015…đã và đang tạo cơ hội lớn cho người lao động. Triển khai định hướng của tỉnh, các cơ sở đào tạo nghề đã phối hợp với các ngành, huyện, thị, tổ chức tuyên truyền, tuyển sinh với những ngành nghề phù hợp thực tiễn từng địa phương. Từ năm 2005 đến nay, 18.852 người được đào tạo nghề, trong đó 1.016 người được đào tạo nghề dài hạn. Các ngành, nghề đào tạo gồm công nhân kỹ thuật điện, điện tử, kỹ thuật nông - lâm nghiệp, sửa chữa xe máy, may mặc, mây tre đan... Bên cạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, các ngành chức năng còn tiến hành tập huấn nghiệp vụ thực hiện Chương trình Quốc gia giải quyết việc làm gắn với tuyên truyền XKLĐ cho hàng nghìn cán bộ cấp xã, trưởng các thôn, bản. Nhiều chương trình, dự án KT-XH như 135, định canh định cư, XĐGN, trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Đã có khoảng 37 nghìn lao động được giải quyết việc làm trong vòng 3 năm 2005-2007.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, về số lượng lao động được giải quyết việc làm hàng năm tăng vượt chỉ tiêu tỉnh đề ra nhưng chưa có nhiều lao động làm việc ở môi trường đòi hỏi tay nghề, kỷ luật, tác phong công nghiệp cao. Đa phần lao động được giải quyết việc làm tại chỗ, ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, xây dựng cơ bản, thương mại - dịch vụ. Nguyên nhân, do tỉnh ta chưa có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên số lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp hàng năm ít. Toàn tỉnh hiện có trên 450 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng quy mô nhỏ, lẻ nên chưa thu hút được nhiều lao động. Lao động đi xuất khẩu chủ yếu làm việc ở môi trường không đòi hỏi nhiều trí tuệ, chỉ cần sức khỏe và chăm chỉ là đủ… Đối vỡi lĩnh vực dạy nghề, đào tạo nghề cũng gặp những hạn chế nhất định: Hệ thống cơ sở vật chất, lớp học, nhà làm việc, trang thiết bị, giáo viên dạy nghề thiếu, chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù lao động qua đào tạo tăng nhanh về số lượng, quy mô, song hình thức đào tào chủ yếu ngắn hạn, giải quyết nhu cầu trước mắt. Số lao động tham gia các chương trình đào tạo dài hạn đến nay vẫn còn khá khiêm tốn. Nhìn một cách tổng quát, “bức tranh” đào tạo nghề và giải quyết việc làm tuy có chuyển biến nhưng chưa sắc nét.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thời gian tới vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có trên 25% số lao động qua đào tạo, trong đó đào tạo nghề đạt 18% và trong giai đoạn 2006 - 2010 có từ 36 nghìn người trở lên được đào tạo nghề, 4 nghìn người được đào tạo nghề dài hạn, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 7 - 8 nghìn lao động. Cùng đó, khoảng 65 nghìn người được giải quyết việc làm. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh giao cho các ngành, cơ sở đào tạo nghề tập trung tuyển sinh, mở các lớp học nghề dài hạn, ngắn hạn ở các huyện, thị và đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; đa dạng các loại hình đào tạo, nhất là đào tạo nghề phục vụ XKLĐ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà xưởng cho các cơ sở dạy nghề; sau năm 2010, nâng cấp trường Trung cấp Nghề thành trường Cao đẳng Nghề, nâng cấp Trung tâm Dạy nghề Bắc Quang, Yên Minh thành trường Trung cấp Nghề để đào tạo nghề dài hạn theo khu vực, phấn đấu 100% các huyện có Trung tâm Dạy nghề.
Chiến lược đào tạo nghề của tỉnh sẽ tạo ra đội ngũ lao động có trình độ, chuyên môn, tay nghề vững, thích nghi với nhiều công việc khác nhau. Và như vậy, lao động của tỉnh sẽ chủ động hơn trên đường lập nghiệp.
Ý kiến bạn đọc