Trường Trung cấp Nghề:
Nơi cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật
(HGĐT)- Trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau một năm, kể từ khi trở thành trường Trung cấp nghề, công tác đào tạo nghề tại nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở, vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên của Tổng Cục dạy nghề, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành trong tỉnh.
Lô xe tải hạng nhẹ vừa được nhà trường nhận về, phục vụ
công tác đào tạo lái xe.
Công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và hình thức đào tạo, từng bước đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề của người lao động, nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, đáp ứng cơ bản được mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh…
Với phương châm đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh và sự nghiệp CNH - HĐH của đất nước trong thời kỳ nền kinh tế hội nhập Quốc tế, nhà trường đã thực hiện nhiều phương thức đào tạo như: Đào tạo tại trường, đào tạo ngắn hạn tại các xã, phường, huyện, thị… do vậy đã tạo điều kiện thuận lợi và thu hút người lao động đi học nghề ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, nhà trường đã duy trì thực hiện kế hoạch đào tạo, phân công, điều động giáo viên thực hiện giảng dạy các lớp học nghề tại trường và các huyện; thực hiện xây dựng, thẩm định sơ bộ 06 Chương trình dạy nghề trình độ Trung cấp theo Quy định của Bộ Lao động -TBXH. Đặc biệt trong năm 2007, nhà trường được giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo 3.030 học sinh, trong đó hệ dài hạn 850 học sinh, hệ ngắn hạn 2.180 học sinh. Tính đến nay, hệ đào tạo dài hạn, nhà trường đã thực hiện được trên 44% kế hoạch giao và đang tiếp tục tuyển sinh học sinh mới vào các hệ trung cấp kỹ thuật với các nghề: Kỹ thuật điện công nghiệp; điện dân dụng, điện tử dân dụng; sửa chữa xe ô tô, gắn máy; nông, lâm nghiệp và công nghệ thông tin. Đối với đào tạo nghề ngắn hạn, trong 9 tháng qua, nhà trường đã đào tạo các nghề như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình mục tiêu được 1.223 người; đào tạo lái xe ô tô được 103 người; tiếng Hàn 43 người và Tin học Văn phòng 26 người,… đạt trên 64% kế hoạch được giao. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với trường Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên, tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho 29 giáo viên thuộc các trường và Trung tâm dạy nghề trong tỉnh. Với mục tiêu ngày càng nâng cao hiệu quả trong đào tạo, thời gian qua, nhà trường đặc biệt chú trọng đến năng lực quản lý cũng như năng lực giảng dạy của từng cán bộ, giáo viên, thường xuyên có kế hoạch cử cán bộ, giáo viên đi học các lớp đại học chuyên ngành, các lớp tập huấn… do Tổng Cục dạy nghề tổ chức, nhằm ngày càng nâng cao về kỹ năng sư phạm và năng lực chuyên môn của từng đồng chí. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường đã triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, đến nay 100% cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường được học tập 5 chuyên đề “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Có thể nói, trường Trung cấp nghề của tỉnh ta trong giai đoạn hiện nay tuy còn nhiều khó khăn, thử thách, do cơ sở, vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với số lượng học sinh đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo ở các doanh nghiệp chưa cao… song đã và đang là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn nhân lực và là cái nôi đào tạo nghề, rèn luyện các thế hệ học sinh sau khi ra trường đều có đủ đức, tài, có trình độ kỹ thuật, phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH tại địa phương.
Ý kiến bạn đọc