Thị trường XKLĐ: Không thể ngồi, chờ và... đợi
Một quốc gia XKLĐ có hai đặc trưng cơ bản: Lực lượng LĐ dồi dào và thị trường LĐ phong phú. Philippines là một quốc gia như vậy. Họ luôn có khoảng 5 triệu LĐ ở nước ngoài, thị trường mở rộng đến hơn 100 quốc gia ở nhiều khu vực trên thế giới, thu nhập do lao động làm được ở nước ngoài đóng góp quan trọng vào ngân sách quốc gia và bảo đảm cuộc sống hàng triệu gia đình.
Việt Nam ta thì sao? LĐ của chúng ta khá dồi dào nhưng tay nghề lại kém, chủ yếu là LĐ phổ thông. Thị trường hẹp đến mức có thể đếm được trên năm đầu ngón tay: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và mới đây là một số quốc gia khu vực Trung Đông. Các thị trường khác như Australia, Mỹ, Canada, Macau, Brunei... chỉ đếm vào cho vui, chứ LĐ đi có được mấy người?
Hạn chế lớn nhất của chúng ta là thiếu một chiến lược phát triển thị trường đồng bộ. Nhiều năm nay, LĐ ta ra nước ngoài vẫn chỉ "đóng khung" ở hai thị trường tiếp nhận nhiều LĐ nhất là Đài Loan và Malaysia, mỗi nơi hiện có khoảng 100.000 LĐ. Nhưng, thời gian gần đây, do tỉ lệ LĐ bỏ hợp đồng cao, thị trường Đài Loan đóng băng, số lượng LĐ đi được không nhiều; thị trường Malaysia lao động chê lương thấp, điều kiện làm việc có mặt còn vất vả, cho nên thiếu sức hấp dẫn người LĐ...
Theo chúng tôi, muốn mở rộng được thị trường LĐ ngoài nước, cần nhiều yếu tố: Mở rộng thị phần ở thị trường LĐ đã có, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và khu vực Trung Đông; Mở rộng thị trường LĐ của Việt Nam ra nhiều vùng, nhiều quốc gia trên thế giới: Kiên trì các bước đi thích hợp đưa được LĐ vào Australia, Canada, Mỹ, Macau, Brunei...
Nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích DN mở thị trường LĐ mới. Cần đặt vấn đề XKLĐ trong nội dung đàm phán cấp chính phủ trong mối quan hệ song phương hợp tác giữa Việt Nam với một số quốc gia có tiềm năng tiếp nhận LĐ.
Theo hướng này, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Hằng chuẩn bị có chuyến thăm, khảo sát thị trường LĐ các nước Oman, Cộng hoà Czech và Ba Lan. Hy vọng những chuyến đi tìm và giành thị trường cho LĐ Việt Nam cần được thực hiện nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Muốn thêm thị phần và mở rộng thị trường LĐ ngoài nước, điều cốt tử là phải nâng cao được chất lượng của LĐ (tay nghề, sức khoẻ, ngoại ngữ, tính kỷ luật...). Nếu chất lượng LĐ kém, giả sử có tăng thêm được thị phần và thị trường thì cũng chỉ "đứng" được một thời gian ngắn, thị trường lại đóng băng.
Ý kiến bạn đọc