Về căng bắc mê giữa mùa thu tháng 8

16:03, 31/08/2007

(HGĐT)- Mùa thu năm nay, đất nước ta, dân tộc ta đã đi được chặng đường 62 năm xây nền độc lập. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra trang sử mới cho nước nhà, xua đi bao đêm trường nô lệ, thắp sáng ước mơ cho bao kiếp người và đưa nước ta vững bước tiến lên con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn.


Với niềm hân hoan được sống trong thanh bình, chúng tôi tìm về Căng Bắc Mê, một địa danh lịch sử, mảnh đất đã ghi dấu những ngày hoạt động trong lao tù của các chiến sỹ cách mạng bị thực dân Pháp giam giữ. Căng Bắc Mê được thực dân Pháp lập lên nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến đường giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang. Căng Bắc Mê cũng đã giam giữ, cầm tù nhiều chiến sỹ cách mạng như Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Lê Giản… Năm 1991, Căng Bắc Mê được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng.

 

Mỗi lần đến đây, khi chạm bước chân đầu tiên trên con đường đá dẫn vào Căng Bắc Mê, chúng tôi lại có cảm giác như lạc vào một khu rừng trong chuyện cổ tích. Một rừng tếch (cây báng súng) cổ thụ rợp bóng mát, khí hậu trong lành, yên tĩnh, chỉ có gió từ sông Gâm đưa tới và lá rơi xào xạc. Tôi đã nhiều lần thả bước quanh bức tường rêu phong đầy lỗ châu mai, đi trong phòng giam đặc biệt, sờ tay vào những bức tường lạnh lẽo để cảm nhận sự gian khổ cũng như ý chí sắt đá của các chiến sỹ cách mạng bị cầm tù nơi đây. Căng Bắc Mê được xây dựng trên sườn núi Rồng thuộc xóm Pắc Mìa, xã Yên Cường. Vị trí xây dựng là sườn núi cao, lưng tựa vào đỉnh núi, trước mặt là sông Gâm. Thực dân Pháp chọn vị trí này để lập đồn bốt bởi nơi đây rất thuận lợi cho việc quan sát, khống chế cả vùng rộng lớn. Căng được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin của thực dân Pháp... Khu nhà giam được sử dụng để giam giữ các chiến sỹ cách mạng bị bắt nhưng chưa kết án. Xung quanh Căng là hệ thống tường thành bảo vệ, bức tường ngoài dài khoảng 190m, cao 2m, tường thành được xây bằng đá vỉa dày 40cm, cứ 5-10 m có 1 lỗ châu mai hình vuông. Trước năm 1938, Căng Bắc Mê chỉ là một đồn binh nhỏ của thực dân Pháp nhưng chúng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, rừng thiêng nước độc và biến nơi đây thành trại giam các cán bộ hoạt động cách mạng. Từ năm 1938-1942, thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng 300 người. Hàng ngày thực dân Pháp bắt các tù nhân lao động khổ sai với hy vọng điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chế độ hà khắc, cuộc sống kham khổ chốn lao tù sẽ khuất phục tinh thần đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng. Thế nhưng những khó khăn, thiếu thốn không dập tắt ý chí đấu tranh cách mạng mà nó còn mãnh liệt hơn. Trong nhà giam, các tù nhân đã thành lập chi bộ đảng, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Hoạt động của chi bộ đảng nhà tù đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng địa phương, một số bản làng quanh vùng đã trở thành cơ sở hoạt động của Đảng. Đến năm 1943, trước tình hình cách mạng phát triển mạnh mẽ trong cả nước và tinh thần đấu tranh quyết liệt của các tù nhân ở Căng Bắc Mê, thực dân Pháp đã chuyển tù nhân đi giam giữ ở nơi khác.

 

Trải qua bao năm tháng cùng biến đổi của thiên nhiên, Căng Bắc Mê bị hư hỏng nghiêm trọng, dãy nhà giam gần cổng ra vào Căng bị sập đổ hết, cỏ dại xanh um trong những phòng giam. Đã có thời người dân quanh vùng vào đập tường lấy gạch khiến cho nhiều hạng mục trong Căng Bắc Mê bị xóa sổ. Rất may, năm 2003 ngành Văn hóa đã đầu tư vốn trùng tu lại một số hạng mục như đắp tường, làm bậc thang lên xuống bằng đá xẻ, dựng vọng gác... Tuy nhiên, đợt trùng tu này chỉ tái tạo lại được dáng vẻ bên ngoài, còn những nội dung phản ánh quá trình hoạt động của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù vẫn chưa được đề cập. Đến thăm Căng Bắc Mê, không chỉ tôi mà nhiều du khách sẽ đi tìm và tự hỏi: Trong những buồng giam đặc biệt đó, nơi nào dùng để giam giữ đồng chí Xuân Thủy, Đặng Việt Châu, Lê Giản. Những cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong nhà giam, những ngày lao động khổ sai ở Căng Bắc Mê vẫn chỉ có trong sử sách, không có bất cứ mô hình, bức ảnh nào để mỗi người đến Căng cảm nhận được điều đó.

 

Tương lai của di tích lịch sử cách mạng Căng Bắc Mê sẽ đi về đâu và thế hệ sau, sau nữa có ai còn biết đến nơi này? Câu hỏi này khiến chúng tôi suy nghĩ, trăn trở. Hàng năm, di tích lịch sử vẫn lặng lẽ, khiêm nhường và chịu sự tác động, bào mòn của thời gian, họa hoằn lắm mới có người đến thăm nên khu di tích càng trở lên hoang vắng. Được biết, trong Nghị quyết phát triển du lịch của Bắc Mê đến năm 2010 có định hướng đến 2015, Căng Bắc Mê cũng được quy hoạch thành một điểm trong tuyến du lịch của huyện. Theo đó, Căng Bắc Mê, hang Đán Cúm, hang Nà Chảo sẽ tạo thành một quần thể du lịch vừa có ý nghĩa cách mạng, vừa có ý nghĩa khảo cổ. Theo đánh giá của Viện Khảo cổ học: Quá trình khảo cổ ở hang Đán Cúm, Nà Chảo đã khai quật được nhiều công cụ đánh dấu sự chuyển đổi từ thời đá cũ sang đá mới, từ thời săn bắn, hái lượm sang thời trồng trọt, chăn nuôi. 2 hang động này đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử là nơi cư trú của người nguyên thủy sống cách đây trên 10 nghìn năm. Thế nhưng, để tuyến du lịch này được khơi thông thì có rất nhiều việc phải làm và không dễ gì thực hiện trong một sớm một chiều. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn: Để Căng Bắc Mê thực sự trở thành điểm nhấn cần phải có sự phục chế và quy hoạch lại. Vừa qua, phòng Văn hóa huyện đã có tờ trình xin chủ trương bảo tồn di tích lịch sử căng Bắc Mê. Dự kiến quy hoạch Căng Bắc Mê gồm các phần việc như: Tái dựng lại dãy nhà gỗ 7 gian cột tròn, lợp lá, vách nứa; đắp tượng hình ảnh hoạt động của một số đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt giam như Xuân Thủy, Trần Các, Nguyên Hồng… Nếu tờ trình này được nhất trí thì đây được coi như hướng mở để làm sống lại những giá trị lịch sử, những năm tháng hoạt động của những chiến sỹ cách mạng bị giam cầm nơi đây.

 

Mỗi lần đến Căng Bắc Mê là một lần ra về tràn đầy suy tư trong tâm trí. Rất may trong chuyến thăm lại Căng Bắc Mê này đã thắp lên cho chúng tôi niềm hy vọng mới. Dù tất cả dự định vẫn chỉ nằm trên giấy, để thực hiện được nó phải có nhiều thời gian, phải tốn nhiều tiền của trong khi ngân sách của địa phương lại rất eo hẹp. Nhưng ít ra các cơ quan chuyên môn cũng đã nghĩ đến tương lai của một di tích lịch sử cách mạng. Việc trùng tu, đầu tư vào đây không chỉ để cho đẹp, đểm làm du lịch mà quan trọng hơn Căng Bắc Mê sẽ trở thành một trong những điểm giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử cho các thế hệ sau.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sinh viên với ý thức văn hóa nơi giảng đường
Xả rác bừa bãi, viết vẽ bậy trên tường... lâu nay chúng ta mới chỉ bắt gặp ngoài đường, vỉa hè... nơi công cộng có nhiều tầng lớp người. Thế nhưng giờ đây, những hành động được mọi người đánh giá là không đẹp mắt này lại diễn ra ngay trên giảng đường ĐH, một môi trường giáo dục văn hoá được mọi người nâng niu, gìn giữ và kính trọng, còn đau lòng hơn khi đối tượng của những
29/08/2007
Tuổi trẻ Hà Giang hôm nay
(HGĐT)- Là một tỉnh có dân số trẻ, lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của Hà Giang chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh và chiếm trên 70% lực lượng lao động xã hội.
29/08/2007
SV ngoại tỉnh khốn đốn... trong “cơn bão giá”
Sau dịp nghỉ hè, SV ngoại tỉnh lại khăn gói lên Hà Nội để bắt đầu năm học mới. Thời buổi giá cả leo thang, nhiều SV không biết phải chi tiêu thế nào cho hợp lý, nhất là khi nguồn “viện trợ” từ gia đình không tăng tỉ lệ thuận...
28/08/2007
Để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao
(HGĐT)- Giải quyết việc làm cho người lao động thông qua công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lên một bước mới.
27/08/2007