SV ngoại tỉnh khốn đốn... trong “cơn bão giá”

15:55, 28/08/2007

Sau dịp nghỉ hè, SV ngoại tỉnh lại khăn gói lên Hà Nội để bắt đầu năm học mới. Thời buổi giá cả leo thang, nhiều SV không biết phải chi tiêu thế nào cho hợp lý, nhất là khi nguồn “viện trợ” từ gia đình không tăng tỉ lệ thuận...


Ăn mì tôm tiết kiệm
 

Giá cả leo thang khiến SV lao đao. Ảnh: Nguyễn Nga
12h30, căng tin Trường ĐH Lao động – Xã hội, quanh khu nhà ăn rộng hơn 100m2 nằm ngay bên dưới ký túc xá, chỉ thấy khoảng 10-15 SV đang ngồi rải rác ở một vài bàn ăn.

Trong bếp, chị chủ quán nói với nhân viên phục vụ đang nấu thịt phía trong: “Xào ít thịt lợn thôi em, hôm nay SV đến ăn không đông đâu. Phần thịt sống còn lại chiều hãy nấu”.
 
Cầm suất ăn 12 nghìn đồng, gồm: 5 miếng thịt nạc thái mỏng, 2 miếng chả cuốn, 2 miếng đậu phụ, rau cải xào và cà muối, một SV tên Dũng quê Nghệ An thắc mắc: “Sao đợt này ăn cơm đắt thế. Trước hè thế này chỉ 8-9 nghìn đồng là cùng”.
 
Chị chủ quán vừa lấy tiền trả lại vừa thanh minh: “Bọn em thông cảm, đợt này ra chợ mua thức ăn cái gì cũng đắt, nhất là thịt lợn đang trong đợt dịch nhưng chị phải mua 50 nghìn đồng 1 kg thịt nạc. Thời buổi giá cả leo thang, chị cũng  phải tăng thôi”.
 
Bên bàn ăn, Dũng than phiền với bạn cùng bàn: “Hôm ra ngoài này ,ông bà già đưa cho 700 nghìn đồng, nhưng mới chỉ trả mỗi tiền thuê nhà đã gần hết rồi. Tôi mới phải điện về bảo gửi thêm cho 500 nghìn nữa. Định mua cái quần đầu năm học mới mà không biết có được không”.
 
17h45, tại phòng 204, KTX ĐH Lao động - Xã hội, 5-6 SV người thì mua cơm về ăn với ruốc bông, người đang lấy nước pha mì tôm...
 
Mai vừa lôi gói mì tôm ra vừa phân trần: “Ăn cơm bây giờ đắt lắm, nên bọn em phải ăn mì tôm để đợi viện trợ từ gia đình. Ăn quán thì mất vệ sinh. Phòng em đã có nhiều trường hợp ăn cơm bên ngoài bị ngộ độc thức ăn, tối về đau bụng cả đêm, nên bọn em thà ăn mì tôm chứ nhất quyết không đi ăn bên ngoài”.
 
Tại khu tập thể Kim Liên, Hà Nội, Hùng, SV ĐH Bách khoa, đang loay hoay dọn đồ vào thùng cát tông chuẩn bị chuyển vào KTX của trường.

“Phải chuyển thôi. Nhà thuê bây giờ tăng giá lên 1 triệu/tháng rồi, cơm suất cũng tăng gấp rưỡi. Em mới ra nhưng tiêu hết tiền rồi nên đành dọn vào ký túc ở và ăn mỳ tôm mấy hôm. Chờ người nhà gửi tiền lên sau vậy".
 
Giá cả tiêu dùng tăng, khiến các SV ngoại tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc chi tiêu trong sinh hoạt. Họ tằn tiện chi tiêu ngay với cả bữa ăn của chính mình.  
 
Nhọc nhằn xoay vần
 
Để giải quyết bài toán tăng giá, nhiều SV ngoại tỉnh ở Hà Nội đã tìm đến các trung tâm việc làm xin làm thêm để có tiền trang trải thêm trong sinh hoạt và học tập.
 
Sau dịp nghỉ hè, Lê Thị Ngân, SV khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội đem theo số tiền 1,2 triệu đồng do gia đình chu cấp ra Hà Nội.

Trả tiền thuê nhà trọ ở Cầu Giấy và sắm một ít đồ dùng thì cũng vừa hết ngân sách. Trước tình cảnh thiếu tiền chi tiêu, Ngân tìm đến 1 trung tâm gia sư xin đi dạy thêm trên đường Trường Chinh.

“Dạy thêm mỗi buổi được 30 nghìn đồng, đi lại hơn 10km đường bằng xe đạp rất mệt, nhiều hôm đi về mệt quá không còn muốn cầm sách vở học nữa. Nhưng biết sao được, mệt một chút còn hơn là không có tiền chi tiêu” - Ngân chia sẻ.
 
Hiền, SV năm 4 Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Hà Nội thì dễ dàng hơn khi đi dạy cho trung tâm ngoại ngữ trong trường, với mức thù lao 50 nghìn đồng/ buổi.

“50 nghìn với em nhìn thì to thật đấy, nhưng bây giờ tính ra có mua được gì nhiều đâu. Mỗi tuần dạy 2 buổi, nói thật  không đủ để chi tiêu một cách tiết kiệm. Năm cuối rồi có rất nhiều khoản cần chi, mà giá cả lại cứ tăng vùn vụt thế này, chưa biết tới đây em phải làm gì để trang trải cho cuộc sống ăn học ở ngoài này. Xin thêm gia đình thì em không thể”.
 
Nói đến gia đình, Hiền quay mặt đi nơi khác im lặng trong chốc lát. “Bố mẹ em làm nghề nông quanh năm chỉ  nhìn vào mấy sào ruộng, ngoài ra không có việc gì khác để làm thêm cả. Trong khi lại nuôi 2 chị em em ăn học nên khó khăn lắm. Đợt vừa rồi bố em đi vay khắp anh em, họ hàng được gần 2 triệu đồng cộng với bán hết lúa trong nhà được gần 3 triệu đồng, chia cho em và người em trai học ĐH Kinh tế trong tận TP.HCM là hết sạch".
 
Với Ngô Văn Trường, SV năm 2, ĐH Xây dựng Hà Nội, việc phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý trong thời buổi “cơm cao gạo kém” đang trở thành bài toán thật sự nan giải.

Trường sinh ra và lớn lên ở vùng biển nghèo thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, trong một gia đình có bố làm nghề đi biển, mẹ hay ốm đau. Cả nhà chỉ biết trông chờ vào những chuyến ra khơi đánh bắt của người cha gầy yếu.

Trường cho biết: “Trước đây mỗi tháng gia đình gửi cho em 3-4 trăm nghìn đồng, cộng với tiền em đi dạy kèm mỗi tháng được 3 trăm nghìn nữa, cũng đủ để chi tiêu một cách tiết kiệm. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ: tiền nhà trọ tăng, tiền cơm tăng, thậm chí cốc nước chè cũng tăng... nên em phải xin đi phục vụ bàn cho quán bia từ 6h chiều đến 10h tối hàng ngày, mỗi tháng cũng được 6-7 trăm nghìn đồng hi vọng là đủ chi tiêu” .


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thời @ khác gì thời chưa @
Tuổi trẻ ngày nay đang tạo ra một sự khác biệt so với thế hệ trước bằng chữ @ nhưng dường như một bộ phận lại chưa hiểu hết ý nghĩa của nó.
31/07/2007
Tự hào sức trẻ Việt Nam
Đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa gây ra cú sốc tại ASIAN Cup 2007 với tấm vé lọt vào tứ kết. Chính thành công này đã mang đến sự tự tin mỗi khi bước vào sân chơi lớn.
30/07/2007
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự cuộc giao lưu “Tuổi trẻ về nguồn – đền ơn đáp nghĩa” và chương trình cầu truyền hình “Bản hùng ca bất diệt”
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2007 ), ngày 27 –7, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự cuộc giao lưu nghệ thuật “ Tuổi trẻ về nguồn – Đền ơn đáp nghĩa” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại huyện Đại Từ, nơi diễn ra cuộc họp lớn công bố bức thư của Chủ
28/07/2007
Để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao
(HGĐT)- Giải quyết việc làm cho người lao động thông qua công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lên một bước mới.
27/08/2007