Học Bác điều giản dị và bao dung
Trung tá Trương Thị Thanh Trúc, người từng có hơn năm năm chăm sóc sức khoẻ cho Bác Hồ (1964-1969) vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc những kỷ niệm về Bác. Giọng cô nghèn nghẹn: “Đọc báo thấy quan chức tỉnh này tỉnh nọ xa hoa, phung phí lại ngậm ngùi nhớ đến Bác. Cả một đời Bác sống giản dị, bao dung như thế để nhiều thế hệ học tập...”.
Cô Thanh Trúc, tóc thắt bím, trong lần dự đại hội Phụ nữ 5 tốt năm 1964. |
Cô Trúc kể: “Cô sinh năm 1940, tại Điện Bàn, Quảng Nam. Đây là khu vực bị quân Pháp chiếm đóng nên gia đình cô tản cư vào Sông Vệ, Quãng ngãi. Năm 15 tuổi, khi đoàn văn công quân đội về biểu diễn và tuyển diễn viên, cô xin phép cha lội sông Vệ xin vào đội múa rồi trở thành đội trưởng đội múa, đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở nhiều nơi”.
Trong một lần đoàn phục vụ cho Bác xem, cô đội trưởng được Bác Hồ đến tận nơi hỏi thăm tình hình quê nhà. Mấy năm sau, cô văn công ấy vinh dự được cử đi dự đại hội Thanh niên tích cực vượt mức kế hoạch toàn miền Bắc rồi được cử đi dự đại hội Phụ nữ 5 tốt năm 1964 và được báo cáo tại hội trường Ba Đình. Bác nhận ra ngay cô văn công năm xưa mà Bác từng trò chuyện. Cô gái ấy giờ đã là vợ liệt sĩ và mẹ của một đứa trẻ lên hai và có tên trong danh sách tình nguyện vào chiến trường B để phục vụ.
Sau đó, cô nhận được quyết định của Bộ Quốc phòng biệt phái về công tác ở Phủ chủ tịch với nhiệm vụ tổ chức các bữa ăn và các hoạt động văn nghệ. Một lần, trong bữa cơm, Bác hỏi: “Cháu đi văn công, thế cháu có biết hát ví dặm không?”. Cô thưa với Bác: “Cháu chuyên về múa nhưng cũng biết chút ít về ví dặm, cháu xin hát Bác nghe”. Bác gật đầu đồng ý, thế là cô hát: “A ơi, muối bao năm muối hãy còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Đôi ta tình nặng nghĩa dày...”.
Nghe xong Bác bảo hay nhưng góp ý một sỗ chỗ chưa đúng phương ngữ Nghệ Tĩnh. Bác bảo: “Chữ “muối” người ta gọi là “mói”, “nghĩa” là “ngãi”... Nghe Bác dạy cô hát lại, Bác chăm chú lắng nghe và dặn dò: “Mình dù có sống xa quê hương, xa nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng mình phải giữ cho được cái hồn quê cháu à”. Cô Trúc nói: “Nghe theo lời Bác, dến bây giờ, cô vẫn giữ giọng Quảng Nam của mình”.
Bác dặn dò: “Mình dù có sống xa quê hương, xa nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng mình phải giữ cho được cái hồn quê cháu à” Cô tự hào: "Bác đã dạy cô cách đối nhân xử thế, lấy tình yêu thương cảm hóa lòng đố kỵ, ganh đua, ghen ghét nhau". |
Gần sáu năm phục vụ ở Phủ Chủ tịch, cô Trúc cũng có dịp được ngồi ăn với Bác, trên bàn ăn lúc nào cũng có món canh riêu cua, đĩa cà muối. Bác thường bảo ăn là phải ăn cho hết, nếu cảm thấy ăn không hết thì để nguyên lại cho người khác ăn.
Sau này, cô nhớ mãi lời dạy của Bác trong công việc và trong sinh hoạt gia đình hàng ngày: Tiết kiệm không có nghĩa với hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn khi cần sẵn sàng chi, khi chưa cần một đồng cũng phải suy nghĩ. Có lần con cô đòi đổi xe máy mới, cô thừa sức làm cho con hài lòng nhưng làm như thế thì con hư. Cô nhỏ nhẹ phân tích, cái xe mình còn xài được thì cứ xài, tiền dư là để hậu thân lỡ như đụng chuyện thì có tiền để xoay sở.
Lòng yêu thương cảm hóa tính đố kỵ
Cô Thanh Trúc bây giờ |
Ngày vào nhận công tác ở Phủ Chủ tịch, cô nghe nhiều lời thị phi của bạn bè: “Con Trúc vào Phủ cũng chỉ muốn làm vợ các ông lớn ấy mà, chứ tốt lành gì”. Cô nghe như muối xát vào ruột. Buồn và khóc một mình...
Một ngày nọ, Bác thấy cô khóc bèn hỏi chuyện. Cô kể hết cho Bác nghe, Bác khuyên: “Cháu à, trong cuộc sống, người ta có quyền nghĩ sai về mình, không cấm được họ. Chuyện đúng sai mình ta hiểu và những người sống cạnh ta hiểu là được rồi. Những ai ghét mình, đố kỵ với mình đó là những con người mắc “bệnh” đó cháu à. Mình phải thương họ mới phải. Họ mắc cái thứ bệnh là ganh tức, ghen tị với người khác rồi thuê dệt nhiều chuyện, khiến người khác nghĩ xấu về ta, làm ta tức giận. Như vậy là ta thua họ. Hãy lấy tình thương của mình để cảm hóa họ”.
Nghe Bác nói xong, cô không còn lo nghĩ nữa. Về sau, gặp lại những người bạn trong đoàn văn công quân khu V, cô không tỏ ra trách móc, hờn giận mà còn gần gũi họ hơn và họ hiểu cô quý cô hơn. Cô tự hào: “Bác đã dạy cô cách đối nhân xử thế, lấy tình yêu thương cảm hoá lòng đối kỵ, ganh đua ghen ghét nhau, mãi đến giờ cô vẫn thấy điều đó đúng”.
Chợt nhớ đến một chuyện, cô nghèn nghẹn nói: “Cả đời Bác sống cho dân tộc, không vợ con, nhưng Bác luôn quan tâm đến chuyện tình cảm của những người xung quanh. Cô kể cho Bác nghe chuyện tình cảm của mình. Cô có gặp và quen với một đồng đội của chồng cô năm xưa. Anh hiểu hoàn cảnh của cô và muốn cùng cô nắm tay nhau sống đến cuối đời. Bác bảo, đấy là người đàn ông tốt. Làm đảng viên không phải là khổ hạnh, một lòng thờ chồng. Dù sao, con gái cháu cũng cần có người chăm nom cùng cháu”. Sau ngày Bác qua đời, cô có điều kiện đi học đại học quân y và kết hôn với người ấy.
Hiện cô chú sống rất hạnh phúc ở phường 2 quận Phú Nhuận với những đứa cháu ngoại, cháu nội nhộn nhịp suốt ngày. Càng hạnh phúc cô càng nhớ đến những lời Bác nhắn nhủ suốt năm năm sống bên Bác mà với cô, “đó là khoảng thời gian đẹp nhất đời mình, vì không chỉ là vinh dự mà còn được học ở Bác sự gần gũi, giản dị và hết mực cầu thị của một vị lãnh tụ”, cô cho biết.
Ý kiến bạn đọc