Để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao
(HGĐT)- Giải quyết việc làm cho người lao động thông qua công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lên một bước mới.
Năm 2006, tỉnh ta triển khai rất tốt công tác XKLĐ. Theo thống kê, đã xuất khẩu được trên 1.000 lao động đi làm việc tại một số nước như Malaixia, Đài Loan, Hàn Quốc... vượt 200% chỉ tiêu giao. Một số huyện làm tốt công tác này đó là Bắc Quang, Đồng Văn, Yên Minh... Đặc biệt, đối với huyện Bắc Quang, theo điều tra năm 2006 huyện có 22.000 hộ dân với trên 11 vạn dân, trong đó số lao động trong độ tuổi là trên 60.000 người, thời giờ làm việc ở nông thôn mới chiếm 81%, ở thị trấn tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7,5%, số lao động có thu nhập thấp ở mức nghèo chiếm 30%, người lao động được đào tạo chiếm 19%. Chính từ thực trạng trên mà huyện Bắc Quang đã coi XKLĐ là một trong những giải pháp giảm nghèo hữu hiệu nhất và trong năm 2006 huyện đã XKLĐ được trên 300 lao động đi các nước Đài Loan, Malaixia. Hiện tại số lao động đang làm việc tại nước ngoài có thu nhập rất khá, bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2007, chỉ tiêu của tỉnh phấn đấu xuất khẩu khoảng 1.000 lao động, tuy nhiên đến thời điểm này công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh diễn ra rất chậm, đạt khoảng trên 50%. Theo anh Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Lao động việc làm Sở Lao động TBXH, cho biết: Nguyên nhân của việc triển khai chậm là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương không quan tâm, chú ý đến công tác này; việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về hiệu quả của việc XKLĐ là rất thấp; thông tin của một số người đi từ những năm trước về truyền đạt không được tốt dẫn tới ảnh hưởng đến tâm lý những người có nhu cầu đi đợt sau. Đặc biệt, một số huyện có tỷ lệ XKLĐ rất khá trong năm 2006 như huyện Đồng Văn thì bước sang năm 2007 tỷ lệ giảm một cách đáng kể, lý do là trong những tháng đầu năm người dân trong huyện tập trung đi đào quặng lậu là chính hoặc là bỏ đi làm thuê cho bên Trung Quốc ... Một số huyện từ đầu năm đến nay có tỷ lệ XKLĐ đi nước ngoài cao đó là các huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Mèo Vạc; điển hình như huyện Yên Minh từ đầu năm đến nay đã XKLĐ được gần 100 người, trong đó do làm tốt khâu tuyên truyền, vận động mà riêng xã biên giới Bạch Đích đã có tới 30 người đi XKLĐ; huyện Mèo Vạc năm nay mới triển khai nhưng có tín hiệu rất khả quan, hiện tại có khoảng 100 người đang được giáo dục, định hướng chuẩn bị đi xuất khẩu sang Malaixia, huyện đã trích 100 triệu thuộc ngân sách huyện cho mỗi người vay 1 triệu đồng để làm thủ tục ban đầu như: Khám sức khỏe, làm hộ chiếu - đó cũng là một trong những việc làm hiệu quả góp phần khuyến khích, động viên người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc.
Được biết, tới đây tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá và bàn giải pháp đẩy mạnh công tác này, đồng thời rút kinh nghiệm một số những vướng mắc trong quá trình triển khai như công tác tuyên truyền, vận động, sự quan tâm của cấp uỷ chính quyền địa phương cũng như việc đẩy mạnh công tác giải ngân của Ngân hàng, một số doanh nghiệp chọn đơn hàng ở nước ngoài chưa chuẩn dẫn tới người lao động sang bên đó chưa có việc làm thường xuyên dẫn tới tình trạng một số lao động bỏ về nước; đa số lao động hiện nay tham gia dự tuyển đều chưa qua đào tạo, không biết tiếng…
Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đối với việc triển khai thực hiện công tác này, cụ thể như: Trong đào tạo cần mở rộng mạng lưới, quy mô, nội dung, chương trình đào tạo để cho lực lượng này có kỹ thuật, kỹ năng thành thạo, nâng cao năng suất lao động, giảm tốn kém cho các hộ gia đình và trực tiếp là người lao động trước khi xuất khẩu; có cơ chế chính sách khuyến khích lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách; thành lập quỹ giải quyết việc làm của địa phương để cho người lao động vay đi XKLĐ và hỗ trợ người lao động gặp rủi ro trong XKLĐ… Có như vậy công tác XKLĐ mới đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tiến tới XĐGN một cách bền vững.
Ý kiến bạn đọc