Bảo đảm an toàn cho sinh viên tình nguyện:
Cần mua bảo hiểm khi hoạt động tại vùng sâu, vùng xa
Liên tục trong các ngày 8, 9 và 10/7 vừa qua đã có 3 sinh viên tử nạn khi hoạt động tình nguyện tại vùng sâu, vùng xa, đưa số đội viên tình nguyện bị tử nạn lên 15 người.
TNTN phá đá mở đường nơi vùng sâu tỉnh Thanh Hóa. |
Chị Hoàng Thị Hồng Hải-Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội cho rằng: Để nâng cao hiệu quả và an toàn, cần tổ chức tuyển chọn những bạn trẻ tiêu biểu, tham gia tình nguyện, chú ý yêu cầu sức khoẻ và kỹ năng hoạt động tình nguyện, ví dụ như phải biết bơi, biết chống rắn cắn, biết sơ cứu và một số kỹ thuật y tế khi cần thiết.
Bản thân mỗi TNTN phải tự ý thức sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của mình khi tham gia hoạt động TN tại cơ sở. Nhiều cơ sở Đoàn tại Hà Nội chỉ tuyển chọn những sinh viên, TN có đơn tình nguyện tham gia, thậm chí một số cơ sở còn yêu cầu có xác nhận của gia đình TNTN.
Nhằm đảm bảo an toàn hơn cho sinh viên tình nguyện, Thành Đoàn Hà Nội khuyến khích các đơn vị, Đoàn trường mua bảo hiểm cho TNTN. TNTN tham gia hoạt động tại vùng sâu, vùng xa trong Hè năm 2006 và nhiều hoạt động tình nguyện khác của Thành Đoàn Hà Nội đã được mua bảo hiểm.
Giá trị bảo hiểm tối đa với mỗi TNTN là 10 triệu đồng. Hội Sinh viên TP Hà Nội đề nghị nên đưa yêu cầu mua bảo hiểm thân thể cho TNTN đi vùng sâu, vùng xa thành điều kiện tổ chức hoạt động cho các trường và đơn vị...
“Bản thân tình nguyện là hoạt động tự thân, xuất phát từ tấm lòng và ý thức của người tình nguyện. Tuy nhiên, phong trào TNTN đang cần được sự quan tâm hơn của nhiều cấp, nhiều ngành như động viên, cổ vũ, biểu dương họ.
Hoạt động tình nguyện hiện chủ yếu do Đoàn và Hội Sinh viên các cấp tổ chức do vậy trách nhiệm của Đoàn, của Hội cũng cần được nâng cao hơn. Tuy nhiên, nếu đặt ra một chính sách cứng cho hoạt động tình nguyện thì e là khó khả thi”- Chị Hoàng Thị Hồng Hải phân tích.
Về vấn đề này, T.Ư Đoàn cho rằng: Chiến dịch Hè học sinh, sinh viên tình nguyện đã phát triển nhanh trong hơn 7 năm qua. Bình quân mỗi năm phong trào TNTN thu hút được từ 5-6 triệu lượt thanh niên tham gia.
Tại cơ sở Đoàn, các trường học đã dành nhiều sự quan tâm cho TNTN. Nhiều cơ sở đã tiếp nhận TNTN có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện về làm việc.
Trong triển khai phong trào TNTN, T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam quán triệt tình thần làm sao tổ chức được thiết thực, hiệu quả và an toàn. Đây là yêu cầu đối với tất cả các cấp bộ Đoàn-Hội phải thực hiện tốt yêu cầu này.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia tổ chức cũng không tránh khỏi sơ suất. Từ quá trình lao động, sinh hoạt, có một số đội viên TNTN chưa ý thức đầy đủ về nhiệm vụ, vai trò của mình nên trong sinh hoạt, ý thức kỷ luật chưa cao do vậy đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Theo Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Lê Mạnh Hùng, với những trường hợp hy sinh dũng cảm vì cộng đồng, có nhiều cống hiến thì T.Ư Đoàn-Hội Sinh viên Việt Nam luôn chia sẻ và có đề xuất với các cấp chính quyền có quan tâm cụ thể.
T.Ư Đoàn cũng yêu cầu các cơ sở Đoàn cần nghiêm khắc hơn, chặt chẽ hơn khi tổ chức các hoạt động tình nguyện. Hàng năm đã có nhiều TNTN vinh dự được nhận Bằng khen của BCH T.Ư Đoàn, Huy hiệu TNTN, những tổ chức và cá nhân xuất sắc còn được các bộ, ngành và Thủ tướng tặng Bằng khen.
T.Ư Đoàn đang tích cực nghiên cứu, soạn thảo những chính sách để phát triển hoạt động TNTN, những chính sách phát triển thanh niên, chính sách đối với TN xung phong, với trí thức trẻ...
Dự kiến đến tháng 10/2007, T.Ư Đoàn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chính sách đối với TNTN trong thời kỳ mới, trong đó bao gồm cả chính sách đối với trí thức trẻ tình nguyện.
Cuốn tiểu thuyết và bản nhạc dang dở Giữa tháng 7/2007, đại diện T.Ư Đoàn, Thành Đoàn Cần Thơ và Tỉnh Đoàn Kiên Giang đã đến thăm, chia buồn và động viên gia đình thanh niên Bùi Phương Nguyên tử nạn ngày 8/7/2007 trong khi đang tham gia chiến dịch tình nguyện hè. Anh bị chết đuối sau một buổi lao động đắp đê tại xã Mỹ Khánh (Phong Điền, TP. Cần Thơ). Trong căn nhà nhỏ ven đường tại xã Mong Thọ (Châu Thành, Kiên Giang), mẹ của Phương Nguyên - Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương đau xót kể: “Nó là đứa con trai duy nhất của gia đình tôi, nó đang học Khoa Luật của Đại học Cần Thơ, chuẩn bị đi thực tập rồi. Từ nhỏ tới nay nó chỉ biết học và làm công tác xã hội thôi”. Cha của Phương Nguyên làm Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của xã, mẹ là giáo viên về hưu. Nhà có 5 chị em thì 4 người đã và đang học đại học, một học trung cấp. Khi còn là học sinh THPT, Phương Nguyên đã đoạt giải học sinh giỏi văn toàn quốc; được báo chí ca ngợi tấm gương hiếu học. Chị gái của Phương Nguyên kể: “Cha mẹ tôi đặt ba chị em đều tên là Nguyên, 2 đứa sau tên khác. Ngoài việc học và hoạt động xã hội, thời gian rỗi Phương Nguyên lại làm thơ, viết văn, nhạc. Nguyên đang viết dở cuốn tiểu thuyết tặng mẹ và hứa sáng tác tặng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, nơi học ngày xưa một bản nhạc”. Hồng Lĩnh |
Ý kiến bạn đọc