8X lập nghiệp: Đột phá và chuyên nghiệp
Điểm chung của nhiều doanh nhân thế hệ 8X là không chỉ biết tạo sự nghiệp cho riêng cho mình mà còn khát khao cống hiến, đem lại những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.
Sáng lập công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận chuyển Hiền Linh nổi tiếng với thương hiệu xe ôm Cokbi là hai chị em Trần Thị Thu Hiền (cựu SV ĐH Tài chính kế toán) và Trần Thị Kim Ngân (SV năm cuối ĐH Ngoại thương).
Đến nay, Người Hà thành đã quen dần với dịch vụ vận chuyển khách, hàng hoá, tài liệu có phong cách phục vụ chu đáo, tận tình của công ty này.
Cokbi cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay tự thiết kế và sử dụng đồng hồ tính cước cho xe máy với nhiều thông số tính như số kilômét đường đi, giờ lên, xuống, giá cước... Khách hàng thường xuyên của công ty có nhiều đơn vị như: Siêu thị Big C, máy tính Trần Anh, điện tử Daewoo Hanel...
Cũng lập nghiệp khi còn là SV (Khoa Tạo dáng công nghiệp Viện ĐH Mở HN), tháng 10-2006, Đoàn Thị Thanh Huyền thành lập công ty TNHH dịch vụ thương mại Yên Hưng chuyên sản xuất một mặt hàng khá đặc biệt - túi ngủ.
Loại túi ngủ này khác biệt với những loại đang có trên thị trường bởi được làm từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên. Nhưng hiện công ty đang gặp một số khó khăn vì sản phẩm túi ngủ của cô sau một thời gian tung ra thị trường đã bị ăn cắp, nhái lại kiểu dáng.
Do vậy, Huyền tạm thời dừng sản xuất mặt hàng túi ngủ (chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng) và đang tích cực dành thời gian nghiên cứu mặt hàng mới là gối sinh thái - một sản phẩm tâm huyết khác của cô với mong muốn đem lại giấc ngủ tốt cho sức khoẻ con người.
Gắn doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội
Hai cô chủ nhỏ xứ Nghệ của Cokbi đang quản lý gần 100 lao động. GĐ Thu Hiền cho biết:
"Khối LĐ gián tiếp (điều hành, kinh doanh, kế toán...) bọn mình toàn nhận SV mới tốt nghiệp; còn với lái xe, công ty nhận đủ các độ tuổi, công việc. Từ các bác về hưu đến học sinh thi trượt đại học... Công ty đảm bảo việc làm thường xuyên với mức thu nhập cho lao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/ người /tháng. Họ cũng được công ty đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người thứ ba (khách hàng)".
Tuy còn khá nhiều khó khăn, song hai cô chủ nhỏ cũng đã "kịp" thành lập tổ chức công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực cho người lao động.
Hiền tâm sự: Lợi nhuận không phải là mục đích chính của công ty mà chúng tôi muốn xã hội sẽ nhìn nhận người lao động, nhất là người làm nghề xe ôm, với thái độ thiện chí và tích cực hơn. Chúng tôi cũng muốn giúp những người về hưu, không may mắn trong cuộc sống, có được một cái nghề để biết rằng mình luôn có ích cho xã hội.
Còn Công ty Yên Hưng, trước những khó khăn ban đầu của công ty, không ít đồng nghiệp đã ra đi nên hiện công ty Huyền chỉ có 6 lao động và đội ngũ cộng tác viên khoảng 10 sinh viên lo tìm đầu ra cho sản phẩm.
Một nỗi lo lắng nữa là các sản phẩm của cô đòi hỏi thợ may không chỉ lành nghề, hiểu biết về thời trang mà rất cần sự khéo léo, tỉ mẩn, nhưng để tuyển dụng lao động có tay nghề và gắn bó với công ty không phải là chuyện dễ.
Tuy vậy, cô và các bạn vẫn hăm hở, quyết tâm bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho công ty. Trước khi lập công ty, Huyền đã có 2 năm làm công nhân ở xưởng may nên hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của công nhân.
Do đó, thành lập công ty, Huyền muốn tạo việc làm cho những lao động trẻ đang thất nghiệp, cho người lao động về nghỉ hưu muốn tăng thêm thu nhập. Cô cũng đang lên kế hoạch tổ chức một số hoạt động nhằm thu hút nguồn tài chính để xây dựng quỹ dạy nghề cho trẻ em khuyết tật.
Ý kiến bạn đọc