Tâm tư của hoa khôi bóng chuyền
Trong lúc giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2007 diễn ra rất sôi động ở TP HCM, tuyển thủ Kim Huệ lại đang dưỡng thương ở Hà Nội.
Nhớ chiếc áo số 5
Nhắc đến Phạm Kim Huệ, người hâm mộ nhớ ngay đến hoa khôi của đội tuyển bóng chuyền nữ VN trong suốt nhiều năm qua. Huệ nói về con số 5: "Tôi có duyên với con số 5. Dù có cả những con số 5 buồn, nhưng tôi vẫn muốn cám ơn những con số 5 trong cuộc đời mình".
Kim Huệ là một trong bốn người của đội hình tuyển bóng chuyền quốc gia không có mặt ở VTV Cup lần này. Sự vắng mặt của họ không chỉ để lại một khoảng trống trên sân bóng mà còn cả trong trái tim người hâm mộ. Sau 3 kỳ VTV Cup, đây là lần đầu tiên thủ quân đội tuyển phải chứng kiến giải đấu này như khán giả vì một chấn thương kéo dài suốt 5 tháng nay.
Năm tháng không được chơi bóng chuyền với Huệ là những ngày buồn nhất từ khi bước chân vào nghiệp thể thao. Cú chạy bật cao một chân đánh bóng đã khiến Huệ phải đi mổ xương ống quyển lần thứ hai.
Kim Huệ nói: "Tự nhiên tôi thấy nhớ chiếc áo số 5". Số áo đó với Kim Huệ vừa là một sự tự hào vừa là một trách nhiệm vinh quang. Vì thế, tôi hiểu được nỗi buồn trong mắt cô.
Chấn thương quái ác
Ước mơ làm chủ shop thời trang Đang học năm thứ ba Đại học TDTT, Huệ vẫn ấp ủ dự định kinh doanh riêng, mở một cửa hàng quần áo. Tuy vậy, sau này, kết thúc sự nghiệp VĐV, Huệ có thể sẽ là một HLV bóng chuyền. |
Bác sĩ Ngô Văn Toàn, Trưởng khoa xương (bệnh viện Việt Đức), cho biết: "Chấn thương của Huệ là một chấn thương rất hiếm gặp ở các VĐV bóng chuyền VN. Thông thường, họ chỉ gặp phải những chấn thương đầu gối, cổ chân, vai, lưng chứ ít gặp phải những tai nạn dãn u xương chày (ống quyển) như Huệ. Cô ấy đã tập quá sức trong nhiều năm".
Kim Huệ tâm sự: "Tôi không muốn vắng mặt ở SEA Games 24 tới tại Thái Lan vì đây sẽ là lần thứ 5 tôi tham gia giải đấu trong sự nghiệp".
Cô đang phải tập phục hồi, tập thể lực để một ngày gần nhất có thể trở lại với những pha bật cao, những quả đập bóng và bỏ nhỏ thông minh. Huệ tự tin: "Tôi muốn lúc trở lại còn phải chơi hay hơn trước khi gặp chấn thương".
12 năm trước, khi ấy cô nữ sinh Phạm Kim Huệ mới học lớp 6 trường An Dương (Tây Hồ) mà đã cao 1m68. Bóng chuyền đến với cuộc đời Huệ rất tình cờ. Trong một cuộc thi điền kinh của học sinh Hà Nội, Huệ lọt vào mắt xanh của những nhà chuyên môn.
Thủ quân đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia kể: "Một lần, có bác hàng xóm gọi ra bảo sao cao thế mà không thi vào đội bóng chuyền, BTLTT đang tuyển người đấy". Thế là Huệ nằng nặc đòi mẹ dẫn đi thi tuyển. Năm ấy, Huệ là thí sinh cuối cùng trong số 100 người dự thi để chọn ra 30 VĐV. Ba năm sau, 30 người ấy chỉ còn lại 9 được chơi trong đội trẻ của BTLTT. Đến nay, trong số 9 người đồng đội ngày ấy, chỉ còn duy nhất Huệ đi theo con đường chuyên nghiệp.
Trúng tuyển vào môi trường quân đội, Huệ đã được huấn luyện để trở thành một quân nhân chơi thể thao. Cái hồi mới chân ướt chân ráo chơi bóng chuyền, Huệ tập ở sân đất, ngoài trời không có mái che mấy năm trời. Từ sân đất đến xi-măng rồi bây giờ là sàn gỗ, nhiều điều đã khác xưa nhưng cái tình với bóng chuyền của cô vẫn không thay đổi.
Kim Huệ ưu tư: "Ngày ấy, vật chất và điều kiện tập luyện khó khăn nhưng tình cảm ở đội bóng lúc nào cũng như trong một gia đình. Có khi sống ở CLB còn được các HLV chăm sóc hơn bố mẹ chăm sóc con ở nhà. Nhưng bây giờ thì...". Huệ bỏ lửng câu nói ấy rồi nhắc lại những người thầy cũ như Nguyễn Kim Thanh, Nguyễn Hữu Đông. Năm lần cùng BTLTT giành chức vô địch các đội mạnh toàn quốc.
Ý kiến bạn đọc