Cử tri 8X và lá phiếu công dân đầu tiên
Những cử tri trẻ tuổi lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong kỳ Bầu cử Quốc hội khóa XII chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc, kỳ vọng và cả một chút tiếc nuối của mình.
Trong số khoảng 56 triệu cử tri trên cả nước hôm nay thực hiện quyền công dân qua lá phiếu bầu cử ĐBQH, rất nhiều người lần đầu tiên cầm lá phiếu cử tri. Đó là những cử tri 8X, đang ở độ tuổi 18 đến 23. Lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân thông qua lá phiếu cử tri, tất cả đều hồi hộp, và mang nhiều kỳ vọng.
Không chen chúc, SV xếp thành hàng lối vào bỏ phiếu. Ảnh chụp tại khu KTX trường ĐH Kinh tế TP.HCM |
Với số lượng HSSV đông đảo, các điểm bầu cử tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước có số cử tri đông nhất tại các tỉnh, thành phố.
Tại Hà Nội, nhiều trường ĐH như ĐHSP Hà Nội, Học viện Tài chính... do số lượng cử tri quá đông, đã được tổ chức thành nhiều điểm bầu cử (mỗi trường có tới 3 điểm bầu cử).
Trong khi đó, tại TP.HCM, các trường ĐH và khu ký túc xá ở gần nhau được tổ chức thành một khu vực bầu cử. Số lượng cử tri là HSSV lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu chiếm đa số. (Cụm Trường ĐH Y Dược, Trường Thể dục Thể Thao, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM có 1074 cử tri sinh viên; cụm ĐH Kinh tế, ĐH KHXH&NV, ĐH Khoa học Tự nhiên có 1.862 SV, HV Hành chính Quốc gia có 1.074 HSSV...)
Từ sáng sớm, tại các điểm bầu cử này đã đông nghịt cử tri. Trên những khuôn mặt trẻ trung, nụ cười rạng rỡ. Không chen chúc, đúng 7h đoàn SV xếp hàng dài ngay ngắn vào khu vực bầu cử. Một số tranh thủ đọc kỹ lý lịch những ứng cử viên thêm một lần trước khi chắc chắn sự lựa chọn của mình.
Để tiện cho việc theo dõi, tổ chức bầu cử, đảm bảo cho tất cả các cử tri trẻ được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của mình, thời gian và địa điểm bỏ phiếu cụ thể cho từng lớp, từng khoa, từng khóa học đã được ban chỉ đạo bầu cử từng khu vực quy định rất chặt chẽ. (Tại Học viện Tài chính, mỗi lớp có thời gian 30 phút để bỏ phiếu).
Ấn tượng sâu đậm trong lòng Trần Quang Thắng, SV ĐH Kinh tế TP.HCM về lần đầu tiên bỏ phiếu chính là khung cảnh khu vực bỏ phiếu. "Trước mắt là bàn thờ Tổ quốc, phảng phất hương trầm, hình ảnh cờ đỏ sao vàng trang nghiêm rực rỡ... Trong không khí ấy thấy mình trở nên có ý thức hơn, thấy cảm xúc thiêng liêng lẫn phấn chấn xen trong lòng rất lạ”.
"Tôi thấy mình trưởng thành hơn và có trách nhiệm hơn khi lần đầu tiên bỏ phiếu". |
"Lần đầu tiên đi bỏ phiếu, mình rất lúng túng, không biết quy trình thủ tục như thế nào. Run lắm". Bạn Thu Hòa, SV ĐH Luật Hà Nội tâm sự.
Với nhiều SV, lần đầu tiên đi bỏ phiếu, “thấy… oai”, “thấy vui”… bởi lần đầu tiên tự mình có quyền quyết định chọn ai, bỏ ai: " “Lần đầu tiên em thấy mình cũng có quyền bình đẳng như bố, mẹ và bà nội trong nhà. Mẹ chỉ gợi ý rằng, chọn ai phải đọc cho kỹ, xem người đó có xứng đáng không, còn quyền thì tự em quyết định” – Trịnh Thanh Tâm (P4, Q3, TP. HCM) cho biết
Mỗi lá phiếu là một sự cân nhắc kỹ lưỡng
Nguyễn Mai Hoa, 18 tuổi, SV ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: "Dù là lần đầu tiên thực hiện quyền công dân thông qua lá phiếu, tôi ý thức rất rõ giá trị của mỗi phiếu bầu. Tôi đã cố gắng tìm hiểu nhiều nhất về danh sách ứng cử đại biểu QH ở khu vực bỏ phiếu của mình và tôi nghĩ mình đã có quyết định cuối cùng".
"Nhưng theo tôi, không quan trọng là việc sẽ bầu ra ai, mà quan trọng là những người như chúng tôi ý thức được quyền công dân của mình, ý thức được đây chính là hành động thể hiện tính làm chủ của mình", bạn Hồng Vân, HV QHQT nói.
Nguyễn Ánh Tuyết, 22 tuổi, SV ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội nói "tôi cảm thấy rất buồn khi một số bạn vẫn còn mang suy nghĩ "bầu hộ, bầu thay" với lý do này hay khác. Mặc dù họ chỉ là thiểu số...". Bạn nói thêm, "mình đang được trao cho cơ hội thể hiện tiếng nói của mình, chính kiến của mình. Không tự đi bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu với thái độ "cho có" chính là các bạn đang rũ bỏ cơ hội đó".
Với nhiều SV, lần bầu cử đầu tiên cũng là sự khởi đầu của những nhận thức mới. Lê Thị Tú Anh, SV ĐHDL Phương Đông, Hà Nội: "đến nơi bỏ phiếu, tận mắt thấy không khí nghiêm túc của khu vực bỏ phiếu, thấy mọi người ai ai cũng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt bút, tôi thấy cần có trách nhiệm hơn. Giật mình vì trước đây đã có suy nghĩ "đi bầu vì mình đã đủ lớn, đủ tuổi".
Vẫn có những nuối tiếc
Nhiều bạn chia sẻ nỗi buồn khi một số bạn bè của họ "khi đi bầu, chỉ quay sang tham khảo ý kiến bè bạn để "viết theo" vì cho rằng "bỏ ai chọn ai cũng thế thôi", thậm chí "tôi chọn ứng cử viên vì ông ấy/bà ấy là đồng hương", hay đơn giản "vì người đó cũng là 8x" mà không cần suy xét kỹ lưỡng.
Hoặc một số trường hợp SV ở trọ, thiếu giấy tạm trú tạm vắng, không có thẻ cử tri ở nơi đang sinh hoạt, cũng không bận tâm tới chuyện đi bầu cử với tâm lý “vắng cô thì chợ vẫn đông”.
Do số lượng cử tri tại khu vực bỏ phiếu quá đông, hành lang đi vào phòng kín bỏ phiếu khá dài và chật chội, nhiều SV cảm thấy có phần "ngán" và "mệt mỏi" khi phải chờ đợi quá lâu. "Cũng may thời tiết nắng đẹp chứ không mưa dầm hay nắng gắt. Và điều đó không làm giảm bớt hứng thú của SV với lần đầu tiên đi bầu cử, cảm thấy rõ mình đã trưởng thành” – Cẩm Tú, SV năm 2 HV Hành chính Quốc gia TP.HCM cho biết.
Và cả những nỗi buồn vì những thiếu sót không đáng có của ban bầu cử. Một số SV tại cơ sở Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM cho biết, danh sách cử tri do trưởng lầu KTX lập. Nhưng vì khi đi từng phòng hỏi, không có mặt SV ở đó, danh sách bị thiếu.
Tại HN, nhiều SV cũng nằm trong tình trạng tương tự khi cán bộ lớp lập danh sách cử tri và "quên tên". Một SV ĐH Kinh tế Hà Nội bị "quên tên" như vậy hy vọng, chỉ mong kỳ bầu cử sắp tới, 5 năm nữa, sẽ không ai bị nằm trong tình trạng sai sót không đáng có tương tự.
Ý kiến bạn đọc