Thị xã với công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Hà Giang đã đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, AN-QP, an ninh - quốc phòng, qua đó góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Cùng với sự phát triển chung của xã hội, các đối tượng chính sách của thị xã thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức, phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân trong việc chăm lo các đối tượng người có công trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc vận động các thương, bệnh binh đang an dưỡng, điều trị tại các trại an dưỡng, trong những năm qua, Thị xã Hà Giang đã đón nhận 12 đồng chí là thương, bệnh binh nặng về an dưỡng tại gia đình. Đồng thời thực hiện 5 chương trình chăm sóc người có công, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương, thị xã đã ưu tiên cấp đất cho các đối tượng chính sách và xây dựng được 7 ngôi nhà tình nghĩa với tổng trị giá 150 triệu đồng và hỗ trợ nhà ở cho trên 100 hộ gia đình chính sách với số tiền lên tới 2 tỷ đồng. Phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được các cơ sở từ thị xã đến xã, phường nhiệt tình tham gia đóng góp. Chỉ tính 5 năm trở lại đây đã thu được bằng tiền mặt, giúp đỡ ngày công lao động, hỗ trợ vật liệu trị giá trên 300 triệu đồng, 100 hộ chính sách được tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Theo thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn thị xã có gần 500 đối tượng chính sách, ngoài các chế độ trợ cấp của Nhà nước, các hộ gia đình đã phát huy truyền thống cách mạng, những thương, bệnh binh với bản chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” đã thường xuyên nêu cao tấm gương tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, tự vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện tại, trên địa bàn thị xã không có hộ gia đình chính sách nào thuộc diện hộ nghèo; hộ khá, giàu chiếm 60%, hộ trung bình chiếm 40%. Tiêu biểu cho các đối tượng vượt qua thương tật cùng gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm như gia đình ông Lê Trọng Cuông, ông Triệu Trọng Long (phường Minh Khai); Vũ Hoài Nam (phường Trần Phú).
Song song với 5 chương trình chăm sóc người có công, hàng năm thị xã đã dành hàng chục triệu đồng mua quà tặng các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết; thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình, tạo điều kiện để các gia đình được vay vốn ưu đãi hỗ trợ, phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thị xã cũng đặc biệt quan tâm đến công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ. Nghĩa trang thị xã đã được cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, đáp ứng được nhu cầu thăm viếng của thân nhân các gia đình liệt sỹ; hàng năm nghĩa trang còn đón nhận hàng chục hài cốt của các liệt sỹ đã hy sinh ở các chiến trường trở về với quê hương.
Có thể nói, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chăm sóc người có công trên địa bàn thị xã đã được xã hội hóa và được các cấp, các ngành quan tâm cả về vật chất cũng như tinh thần, qua đó làm vơi đi những đau thương mất mát của các gia đình thương binh, liệt sỹ đồng thời thắp lên niềm tin của các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến bạn đọc