Quản Bạ xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới
BHG - Để chuẩn bị tốt nguồn cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ 2025-2030, những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, Đảng bộ huyện Quản Bạ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và lấy hiệu quả công việc thực tế tại cơ sở để đánh giá, lựa chọn, đề bạt cán bộ.
“Tích cực học hỏi từ cấp trên và người đi trước, đi sâu đi sát cơ sở rút kinh nghiệm và học tập thực tế qua các mô hình thành công”. Đó là phương pháp làm việc của đảng viên Viên Thị Mai Lan, một nữ cán bộ trẻ người dân tộc Tày hiện đang là Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quản Bạ. Theo cấp ủy từ huyện đến cơ sở đánh giá, đồng chí Lan là người năng động, sáng tạo, thường xuyên bám, nắm cơ sở, nỗ lực học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quản Bạ, Viên Thị Mai Lan tâm sự: “Trước nhiệm vụ được giao, bản thân luôn thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của cán bộ đi trước. Đặc biệt là thường xuyên xin ý kiến của Thường trực Huyện ủy để từng bước đổi mới bản thân, sáng tạo trong công tác dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân với phương châm thường xuyên hướng về cơ sở, sâu sát, gần dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, tham mưu với cấp ủy những giải pháp, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.
Lãnh đạo xã Thanh Vân thăm mô hình bò nuôi nhốt của gia đình anh Thào Mí Vừ, thôn Mã Hồng. |
Gia đình anh Thào Mí Vừ, trú thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân là một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Là người được tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ; từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 về hỗ trợ chăn nuôi. Anh Thào Mí Vừ tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi cũng là một trong những hộ nghèo của xã. Còn nay, nhờ Đảng, Nhà nước; cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, cán bộ xã động viên, định hướng kịp thời, tôi và các gia đình hộ nghèo, chính sách trong xã đã tiếp cận được những nguồn vốn hỗ trợ theo các chương trình, dự án. Từ những đồng vốn vay, hỗ trợ của Nhà nước đã giúp cho gia đình tôi và bà con trong xã Thanh Vân từng bước vươn lên, làm chủ được kinh tế gia đình, lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính. Đến nay, gia đình tôi từ hộ nghèo đã trở thành một hộ khá trong thôn”.
Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người dân, quán triệt quan điểm đặt lợi ích của người dân lên trên hết và trước hết, Đảng bộ xã Thanh Vân, nhất là đối với vai trò của cán bộ, người đứng đầu đã quyết liệt triển khai thực hiện. Được ví như “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, bản có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản trong giai đoạn hiện nay là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây cũng chính là điều Bí thư Đảng ủy xã Thanh Vân, Phan Thông Quyết cho biết. “Để lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành có hiệu quả thì trước hết người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào để từ đó triển khai nhiệm vụ từ xã cho tới các chi bộ thôn, bản mới thực sự phát huy hiệu quả”.
Huyện Quản Bạ luôn quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chuẩn bị nhân sự, lựa chọn đội ngũ cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ 2025-2030 và 2026 – 2031. Theo đó, Đảng bộ huyện Quản Bạ đã nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên. Thực hiện thống nhất, đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, công khai và dân chủ. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện khách quan, cẩn thận dựa trên chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, chủ động bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số... Đến nay, 100% lãnh đạo chủ chốt các các xã, thị trấn không phải là người địa phương.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc